Trung Quốc- Cả ba thành phố du lịch Thượng Hải, Tô Châu, Hàng Châu đều có những con phố đi bộ nổi tiếng với nhiều nét độc đáo. – Du lịch
Phố đi bộ luôn là điểm đến hút khách, là nơi thể hiện rõ nét đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của từng địa phương. Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu là ba thành phố tạo nên một “tam giác vàng” du lịch, cách nhau chỉ chưa đầy một giờ tàu. Nếu đến những nơi này, du khách không nên bỏ qua các tuyến phố đi bộ dưới đây. Những con phố này là nơi bạn có thể ăn uống, mua sắm, ngắm cảnh hay thưởng thức nét đẹp văn hóa.
Mỗi phố đi bộ đều có nét đặc sắc riêng, nhưng điểm chung là sạch sẽ, không có rác thải, nhiều nhà vệ sinh hiện đại, miễn phí, không “chặt chém”. Khi tìm đường đến các phố đi bộ nói trên, tốt nhất bạn nên dùng ứng dụng bản đồ Baidu Maps và copy tên. Bất kỳ phố đi bộ nào ở các thành phố lớn đều được kết nối với phương tiện công cộng (tàu điện ngầm, xe buýt) nên thuận tiện và chi phí thấp.
Nanjing Road và The Bund (Thượng Hải)
Phố Nam Kinh (Nanjing Road) được mệnh danh là “Trung Hoa đệ nhất lộ”, nằm ở trung tâm và là điểm du lịch tấp nập nhất Thượng Hải, với hàng trăm cửa hàng từ sang trọng đến bình dân. Để đến phố Nam Kinh, có rất nhiều lựa chọn: đi tàu điện ngầm tuyến số 2 hoặc số 10 đến ga Nanjing East Road, tuyến số 1, 2 hoặc 8 đến ga People’s Square station hoặc đi xe buýt các tuyến số số 20, 23, 24, 37, 49, 921… từ bất kỳ nơi nào trong thành phố, sau đó đi bộ theo hướng chỉ dẫn từ bến.
The Bund (Bến Thượng Hải) là một tuyến đường đi bộ dọc bờ sông Hoàng Phố. Địa danh này từ lâu đã trở thành biểu tượng trong văn hóa Trung Quốc, được đưa vào hàng loạt các tác phẩm thơ ca, nhạc họa, kịch nói và điện ảnh, cũng rất quen thuộc với nhiều người Việt Nam.
Ngay khi ra khỏi tàu điện ngầm ở các ga nói trên, bạn sẽ thấy biển chỉ đường để tới The Bund và sẽ liên tục có các biển chỉ đường như vậy trong suốt chiều dài vài trăm mét cho tới khi thấy bến. Nếu như những điểm du lịch khác ở Trung Quốc khiến bạn choáng ngợp vì dấu ấn văn hóa truyền thống trong kiến trúc, cảnh quan, thì riêng ở Bến Thượng Hải, bạn sẽ cảm thấy như mình vừa lạc vào một thành phố châu Âu, với hàng loạt tòa nhà khổng lồ theo phong cách Tây phương có tuổi đời cả trăm năm.
Ngồi thảnh thơi bên bến Thượng Hải, bạn có thể ngắm nhìn tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông và hàng loạt nhà chọc trời phía bên kia bờ sông, cùng những tàu thuyền tấp nập đi lại, thể hiện sức sống mạnh mẽ của một đại đô thị. Khác với đa số các phố đi bộ, Bến Thượng Hải không có nhiều cửa hàng, nhưng tuyến đường được thiết kế đẹp để chụp ảnh và có nhiều nhà hàng, quán cà phê.
Phố Nam Kinh và Bến Thượng Hải nằm kề bên nhau, bạn có thể vui chơi, ngắm cảnh, mua sắm và ăn uống cả ngày dài ở khu vực hấp dẫn này.
Shantang Street và Guanqian Street (Tô Châu)
Shangtang Street (Seven-li Shantang – phố Sơn Đường) là nơi có mật độ du khách dày đặc nhất Tô Châu. Nơi đây vừa là phố đi bộ sầm uất, vừa là trung tâm giải trí, nơi mà hầu hết du khách đều không bỏ qua. Phố Shangtang đã 1.200 năm tuổi, nằm bên bờ dòng sông cùng tên, được coi là con phố đầu tiên trong lịch sử của Tô Châu, nay vẫn mang phong vị cổ xưa đặc sắc, không hề bị hòa lẫn vào xu hướng đô thị hóa của thế kỷ 21.
Ở phố Shangtang, có hàng trăm cửa hàng bán đủ các món ăn truyền thống, những thức uống hợp thời và vô số đồ lưu niệm bắt mắt. Xuống bến sông, bạn có thể mua vé với giá 50 nhân dân tệ (khoảng 165.000 đồng) để thưởng thức một chuyến tham quan bằng thuyền. “Trên có thiên đàng, dưới có Tô – Hàng”, bạn sẽ cảm nhận sâu sắc câu nói này, khi ngồi bên mạn thuyền và ngắm phố cổ ở Shangtang Street.
Để đến Shangtang Street, đi tàu điện ngầm tuyến số 2 đến bến Shantang Street Station hoặc xe buýt các tuyến 7, 34, 44, 64, 85, 161, 304, 315, 406, 415, 522, 921, 970 sau đó đi bộ theo chỉ dẫn từ bến.
Khác với Shantang Street, phố đi bộ Guanqian Street (phố Quan Tiền) cách đó vài km lại mang hơi thở hiện đại hơn. Hàng trăm thương hiệu lớn nhỏ của Trung Quốc và trên thế giới tập trung để thỏa mãn nhu cầu ngắm nhìn và mua sắm của du khách. “Trẻ tuổi” hơn Shangtang Street nhưng Guanqian Street cũng có lịch sử 150 năm, với rất nhiều tòa nhà đã xây cách nay hơn một thế kỷ. Giữa con phố rộng rãi, bạn có thể thăm các shop thời trang từ bình dân đến trung cấp, ăn thử trong những nhà hàng có tiếng và ghé những tiệm bánh đã hơn trăm năm tuổi để mua quà về cho người thân.
Để đến Guanqian Street, bạn đi tàu điện ngầm tuyến số 1 hoặc xe buýt số 1, 101, 102, 103, 33, 38, 313, 146 và xuống bến Leqiao Station.
Hefang Street và Wulin Night Market (Hàng Châu)
Hefang Street (phố cổ Hà Phương) đã tồn tại gần 900 năm, được xây dựng từ thời Nam Tống, nay là phố cổ nổi tiếng nhất và được bảo tồn tốt nhất ở Hàng Châu. Hefang Street cùng với Hàng Châu luôn giữ vai trò đặc biệt trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng sông nước Giang Nam. Hefang Street sang thế kỷ 21 đã mang những nét hiện đại hơn, nhưng vẫn là niềm tự hào của cả thành phố Hàng Châu, và là điểm du lịch nổi tiếng của vùng đất này.
Phố đi bộ Hefang là một tổ hợp hàng trăm cửa tiệm lớn nhỏ, rất nhiều tiệm đã hoạt động hơn một thế kỷ, cho bạn cơ hội khám phá y học cổ truyền, trà đạo Trung Hoa, mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, nếm thử các món ăn ngon của Hàng Châu.
Để đến Hefang Street, hãy đi tàu điện tuyến số 1 đến bến Ding’an Road, hoặc xe buýt số 8, 60, 127, 195, 208, 216 đến bến Qinghefang rồi đi bộ theo chỉ dẫn từ bến.
Không hoành tráng như Hefang Street, nhưng Wulin Night Market lại là điểm mua sắm tuyệt vời nếu bạn ưa thích thời trang giá rẻ và đồ lưu niệm. Đây cũng là khu ẩm thực bình dân với vô số món ăn đường phố thú vị với giá chỉ vài chục nghìn đồng. Khu phố luôn đông đúc bất kể thời tiết xấu hay đẹp.
Wulin Night Market được thiết kế theo phong cách trẻ trung. Trên mái che của các shop đều có dòng chữ “I love you” được viết bằng hàng chục ngôn ngữ khác nhau, có cả tiếng Việt.
Để đến Wulin Night Market, đi tàu điện ngầm tuyến số 2 đến bến Fengqi Road Station. Lên khỏi bến tàu là khu chợ đêm.
Bài và ảnh: Trịnh Hằng