Theo trang SCMP, chính quyền tỉnh Osaka tuyên bố sẽ áp dụng các loại thuế mới đối với du khách nước ngoài và số tiền thu được từ thuế sẽ được tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch của khu vực.
Những chiếc thuyền đi dọc sông ở thành phố Osaka, Nhật Bản trong Lễ hội Tenjin vào ngày 25/7/2023, với pháo hoa thắp sáng bầu trời đêm. Ảnh: Kyodo
Chuyên gia trong ngành du lịch cũng nhất trí rằng với khoản thuế nhỏ bổ sung hàng ngày sẽ không gây quá nhiều gánh nặng cho khách du lịch hay ảnh hưởng đến số lượng khách đến. Hơn thế nữa, khoản thuế thu được này sẽ tái đầu tư thêm vào lĩnh vực du lịch.
Ông Hirofumi Yoshimura, Thống đốc tỉnh Osaka tuần trước đã tuyên bố sẽ thành lập hội đồng xem xét loại thuế mới vào tháng 4 và kiểm tra tính hiệu quả của việc áp dụng thuế đối với chỗ ở hiện tại.
Chính quyền tỉnh Osaka hiện cũng áp dụng mức thuế 100 yên/người tại các khách sạn có giá từ 7000 yên đến 15000 yên mỗi đêm. Mức thuế cũng tăng lên 200 yên đối với các khách sạn có giá từ 15.000 yên đến 20.000 yên/đêm và lên tới 300 yên mỗi đêm đối với các phòng ốc đắt tiền hơn.
Thuế phòng hiện tại đã mang lại cho thành phố Osaka 1,06 tỷ yên vào năm 2022 và dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn khi ngày càng có nhiều khách du lịch nước ngoài quay trở lại thành phố lớn thứ 3 của Nhật Bản sau đại dịch Covid-19.
Mặc dù chưa có con số nào được quyết định về việc tăng thuế được đề xuất nhưng ông Yoshimura bày tỏ ra lạc quan về kế hoạch này.
“Để chúng ta làm cho thành phố Osaka trở nên thoải mái và hấp dẫn hơn bằng cách thực hiện nhiều chính sách du lịch khác nhau, tại sao chúng ta không yêu cầu thêm một chút nữa?”, ông Yoshimura nói thêm.
Theo ông Yoshimura, các loại thuế mới có thể sẽ được áp dụng ngay trước khi thành phố Osaka (Nhật Bản) đăng cai Hội chợ triển lãm thế giới 2025.
Bà Naomi Mano, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty du lịch nội địa cao cấp Luxurique cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất này vì cần có vốn để nâng cấp các cơ sở du lịch trên khắp Nhật Bản.
“Ngày nay, việc đến Nhật Bản với tư cách là khách du lịch không hề tốn kém chút nào và có rất nhiều nơi yêu cầu cơ sở hạ tầng mới cho khách du lịch hoặc nâng cấp cơ sở vật chất hiện có”, bà Naomi Mano nói thêm.
Theo bà Naomi Mano, số tiền thuế thu được sẽ hướng tới việc tạo ra các tài liệu thông tin du lịch mới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, cũng như thay thế cơ sở hạ tầng lỗi thời ở các khu du lịch, chẳng hạn như nhà vệ sinh ngồi xổm và các cơ sở khác mà du khách nước ngoài không thấy thoải mái khi sử dụng.
“Thuế sẽ thu ở mức thu tối thiểu, có thể là vài trăm yên và đại đa số du khách thậm chí sẽ không hề thấy phiền hà, nhưng số tiền bổ sung đó có thể được sử dụng vào mục đích tốt”, bà Naomi Mano nhấn mạnh.
Hướng tới du lịch hấp dẫn và thoải mái hơn
Du lịch trong nước tại Nhật Bản đã phục hồi mạnh mẽ trong năm nay và quốc gia này đang trên đà vượt qua kỷ lục là 31,88 triệu lượt khách vào năm 2019.
Du khách tham quan lâu đài Osaka ở Nhật Bản. Ảnh: Tân Hoa Xã
Theo gã khổng lồ du lịch nội địa JTB, tổng lượng khách đến Nhật Bản vào năm 2024 dự kiến sẽ đạt 33,1 triệu. Lượng khách đến đã đạt con số 2 triệu trong tháng thứ 8 liên tiếp vào tháng 1, khi có 2,69 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm đất nước này.
Tuy nhiên, với số lượng khách du lịch tăng vọt, một số địa điểm ở Nhật Bản đang áp dụng các khoản thuế bổ sung.
Koyasan là thị trấn nằm bên sườn của ngọn núi thiêng Koya, thuộc Wakayama với dân số lên đến 3.000 người. Năm 2004, Koya cùng hai địa điểm khác ở bán đảo Kii đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Chính quyền thị trấn Koya vào tháng 3/2024 đã xác nhận hội đồng thị trấn đang xem xét áp dụng thuế vào cửa. Di sản Thế giới UNESCO này đã đón khoảng 1,39 triệu khách du lịch trong và ngoài nước trong năm 2023, với con số tăng vọt lên 30.000 mỗi ngày vào mùa xuân và mùa thu cao điểm.
Chính quyền thị trấn yêu cầu số tiền bổ sung sẽ được chi vào việc sửa chữa đường sá, xây dựng nhà vệ sinh công cộng mới và cải thiện khả năng tiếp cận các ngôi đền nổi tiếng của thị trấn.
Trong khi đó, vào tháng 10/2023, chính quyền thành phố quản lý Miyajima, hòn đảo linh thiêng ngoài khơi Hiroshima, một Di sản Thế giới khác và là nơi có ngôi đền Itsukushima “nổi” nổi tiếng, đã đưa ra mức phụ phí 100 yên cho tất cả du khách đến.
Hay mới đây, Thống đốc tỉnh Yamanashi cũng đã tuyên bố rằng những người leo núi hướng tới đỉnh núi Phú Sĩ sẽ phải trả 2.000 yên khi bắt đầu mùa leo núi năm nay. Biện pháp này được đưa ra để giảm tắc nghẽn trên tuyến đường, là một trong ba tuyến đường lên đỉnh và để chi trả cho việc cải thiện nhà vệ sinh và nơi trú ẩn công cộng.
“Có khá nhiều bằng chứng từ châu Âu, đặc biệt là Ý cho thấy khi áp dụng thu phí ở những nơi được du khách ưa chuộng thì số lượng khách du lịch lưu trú ngắn ngày sẽ giảm. Điều đó sẽ giảm bớt tình trạng quá tải, vốn là chủ đề nóng và là giải pháp mà Nhật Bản hướng tới vào thời điểm hiện tại,” ông Ashley Harvey, nhà phân tích tiếp thị du lịch đã làm việc trong lĩnh vực du lịch Nhật Bản hơn 15 năm cho biết./.
Hồng Nhung
Báo điện tử Tổ Quốc – toquoc.vn – Đăng ngày 11/3/2024