Khánh Hòa- Huyện miền núi phía tây Khánh Sơn có những nét thu hút khác biệt so với những hòn đảo và bờ biển ở phía đông. – Du lịch
Du lịch Khánh Hòa nổi danh nhờ những bãi biển, vịnh, đảo đẹp. Song nếu men theo rìa khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà từ thành phố Cam Ranh, theo tỉnh lộ 9, bạn sẽ bắt gặp một không gian khác biệt ở huyện miền núi Khánh Sơn.
Khánh Sơn là quê hương của người dân tộc Raglai với những nét văn hóa đậm chất Tây Nguyên như cồng, chiêng, đàn Chapi. Với độ cao khoảng 800 m so với mặt nước biển, Khánh Sơn có khí hậu mát mẻ, dễ chịu. Điểm nhấn tạo nên nét thu hút của nơi đây là sự hoang sơ trên những cung đường đèo, thác nước và mây trời.
Phương Trinh, 24 tuổi, làm sáng tạo nội dung ở TP HCM, sinh ra và lớn lên ở Khánh Sơn. Với mong muốn góp sức cho quê hương, cô đã dừng công việc toàn thời gian để tập trung phát triển du lịch sinh thái ở Khánh Sơn. Là người mê du lịch trải nghiệm, Trinh thấy thú vị khi cùng các cộng sự khảo sát và tìm ra những góc khác lạ của quê hương. Thời gian đầu, họ quyết định khai thác hoạt động dã ngoại ở thác Tà Gụ và săn mây ở xã Ba Cụm Bắc.
Chia sẻ về hoạt động săn mây ở Khánh Sơn, Trinh hào hứng: “Một tỉnh nổi tiếng với biển mà lại có điểm săn mây với khí hậu se lạnh thì thật tuyệt vời. Dọc đường từ đỉnh đèo Khánh Sơn vào xã Ba Cụm Bắc, bạn sẽ có cơ hội được ngắm biển mây dưới thung lũng. Đây không phải là một điểm đến cụ thể, mà là một cung đường. Bạn có thể đi lang thang và dừng lại ở nơi mình thích”.
Trinh lưu ý du khách nên xuất phát từ sớm và có mặt ở điểm săn mây vào khoảng 6h30. Từ 7h đến 9h sáng thường là lúc mây hiện ra dưới chân núi, nhưng điều này còn phụ thuộc vào thời tiết. “Những hôm trời không nắng, nhiều gió và chiều không mưa thì khó xuất hiện mây vào sáng hôm sau. Vào mùa mưa, khi ngày nắng, chiều có mưa nhẹ, đủ độ ẩm, thì sáng hôm sau dễ bắt gặp biển mây”, Trinh chia sẻ.
Từng nhiều lần săn mây ở Cầu Đất (Đà Lạt), Trinh nhận xét biển mây ở đây có nét riêng: “Biển mây ở Khánh Sơn không chỉ có một lần trong ngày như Đà Lạt hay Tây Bắc, mà thường ẩn hiện nhiều lần trong thời gian từ 7h đến 9h, cứ như mây ở Khánh Sơn dành cho người ngủ nướng”.
Điểm săn mây cách thác Tà Gụ chừng 20 km. Trinh khuyên du khách nên đi bộ theo hướng qua cầu treo sau khi hết đường dân sinh, dù xa hơn nhưng an toàn hơn so với hướng còn lại, vốn phải trèo đá và lội suối nhiều.
Tại đây, du khách sẽ được ngắm thác chảy xuống từ độ cao chừng 40 m và tắm trong làn nước màu ngọc bích. Trải nghiệm sẽ trọn vẹn với một bữa ăn bên dòng suối Koroa có thịt nướng, cơm lam và rau rịa (một loại rau mát hái trên núi của người Raglai). Nếu đi vào đầu tháng 6, du khách còn có cơ hội được thưởng thức những trái cây nức tiếng của vùng. Dịch vụ dã ngoại gồm các bữa ăn, chèo thuyền SUP, lều trại qua đêm…
“Thời điểm đẹp nhất để du lịch Khánh Sơn là giữa năm, dễ săn được mây và tắm thác. Hè cũng là mùa trái cây ở Khánh Sơn, với măng cụt, bưởi, chôm chôm, và đặc biệt là sầu riêng”, Trinh tư vấn.
Đi vào hoạt động từ tháng 5, hiện nơi đây đã thu hút khá nhiều du khách. Bên cạnh người Khánh Hòa, đã có những du khách từ TP HCM và Hà Nội. Trinh muốn tạo ra một hệ sinh thái ổn định để đẩy mạnh hình thức cắm trại (camping) và cắm trại sang trọng (plamping) ở Khánh Sơn.
Trinh cũng muốn gửi gắm quan điểm của mình về du lịch trải nghiệm: “Nếu đi du lịch mà có một người bạn là dân bản địa thì thật tuyệt. Bạn sẽ được hóa thân thành một người dân rong ruổi trên những cung đường, đến những điểm không phải ai cũng biết, nghe những chuyện không phải ai cũng được nghe”.
Minh Đức