Trần Văn Bì, 31 tuổi, ở huyện Trần Văn Thời, xây dựng tour trải nghiệm làng quê với hoạt động bắt cua, nhổ bồn bồn, ở nhà lá, thu hút khách quốc tế trải nghiệm. – Du lịch
Aravindhan đến từ Ấn Độ, trải nghiệm “làm người Cà Mau” tại ấp Tân Thành xã Phong Lạc hồi tháng 7. Trong 4 ngày du lịch tại đây, du khách Ấn Độ đi bắt cua, cá, đi dạo trong xóm, chào hỏi những người dân trong làng và được mời tham dự tiệc cưới của gia đình chủ nhà, nơi anh đăng ký ở lại.
“Anh Bì dẫn tôi đi khắp làng, đó là trải nghiệm tuyệt vời và đồ ăn địa phương từ bữa sáng đến bữa tối rất ngon”, Aravindhan chia sẻ.
Chủ homestay Trần Văn Bì từng tốt nghiệp chuyên ngành dược và có công việc ổn định ở TP Cần Thơ. Nhưng năm 2022, anh quyết định về quê để được gần gia đình và tìm hướng đi riêng.
Bì đam mê “xê dịch”, đã trải nghiệm các loại hình du lịch từ sang trọng đến bình dân ở nhiều nơi trên cả nước. Năm 2022, Bì thực hiện chuyến phượt 68 ngày xuyên Việt và nhận thấy nhiều nơi làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hấp dẫn nên nảy ý tưởng làm tour trải nghiệm tại quê nhà.
“Cà Mau hội đủ yếu tố để làm các hoạt động trải nghiệm cho du khách”, Bì nói.
Để bắt đầu làm du lịch, anh dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức qua các tài liệu, tham gia các khóa đào tạo. Theo Bì, nếu hiểu đúng khái niệm “homestay” là hoạt động khách ở tại nhà của người dân địa phương, cùng ăn cùng ngủ và sinh hoạt giống như người bản địa mà không phải mở ra các nhà nghỉ hay khách sạn, mỗi người làm du lịch sẽ có hướng khai thác riêng.
Sau đó Bì bắt tay cải tạo lại 5.000 m2 đất của gia đình ở xã Phong Lạc để làm nơi lưu trú và xây dựng các trải nghiệm theo hướng giữ nguyên nét bình dị, đậm chất miền Tây. Các phòng ngủ đơn sơ mái lá nhìn ra ao cá gần nhà, nhiều cây xanh xung quanh.
“Chủ nhà sinh hoạt thế nào thì du khách cũng trải nghiệm như vậy”, Bì cho biết.
Xây dựng nơi lưu trú xong, anh liên kết với các hộ dân địa phương để bán các tour trải nghiệm đời sống sinh hoạt, canh tác của bà con. Thời gian đầu, Bì gặp nhiều khó khăn vì hầu hết người dân chưa biết đến du lịch cộng đồng. Anh phải đến từng nhà để chia sẻ về cách làm và lợi ích mang lại. Hiện, gần 10 hộ đã tham gia mô hình do Bì triển khai.
Chàng trai đất mũi cho biết khách có “một ngày làm người Cà Mau” với các hoạt động “nơi khác không có” như mò sò huyết dưới vuông, nhổ bồn bồn, bơi xuồng dỡ lú, câu cá, cua, cho tôm ăn, đi đám cưới, đám giỗ.
Bất lợi nhưng cũng là thế mạnh của các hoạt động này là không lên lịch cụ thể vì hoạt động đời sống của người dân theo thời vụ. Bì linh hoạt sắp xếp để khách trải nghiệm các hoạt động trên nguyên tắc minh bạch thông tin.
“Du khách nước ngoài luôn thích sự chủ động. Tôi có nhiệm vụ báo cho khách rõ về giá cả tour, lường trước các tình huống ở điểm đến và món ăn được trải nghiệm”, anh Bì nói. Với các đặc sản như thịt chuột, thịt rắn, anh đặc biệt lưu ý nói cho khách biết trước.
So với các công ty du lịch, lợi thế lớn nhất của Bì là hiểu rõ vùng đất và con người bản địa. Ngoài ra, anh không nhận xây dựng tour cho nhóm khách quá đông, hạn chế ghép đoàn, bởi muốn khách được trải nghiệm “trọn vẹn và thoải mái nhất” khi đến Cà Mau.
Sau thời gian kiên trì với du lịch trải nghiệm, ngôi nhà vườn của Bì được nhiều người biết đến, nhất là khách nước ngoài. Trung bình mỗi tháng anh đón 2 – 3 đoàn. Ngoài khách đến lưu trú tại homestay, vào các tháng cao điểm anh xây dựng khoảng 10 tour trải nghiệm cho khách. Chàng trai chủ động học tiếng Anh để tự tin giao tiếp với khách và còn dạy cho bà con những câu trao đổi cơ bản.
Sau bốn ngày ở lại ấp của Bì, Aravindhan, nói ấn tượng bởi sự thân thiện và chân thành của người dân. Anh thích cách tự khám phá cuộc sống và vẻ đẹp ngôi làng như vậy.
“Bạn sẽ thích quãng thời gian ở đây”, Max, du khách đến từ Pháp nói. Anh dành ba ngày để trải nghiệm ngôi làng của Bì, hồi tháng 7.
Bì cho biết Cà Mau chưa bị du lịch hóa. “Bà con không cố gắng phải bán cái gì đó cho du khách”, khiến vùng đất Cà Mau thành điểm đến cho những trải nghiệm làm người địa phương.
“Mô hình du lịch trải nghiệm không cần nhiều vốn, vừa đem lại trải nghiệm đặc sắc cho du khách, nhất là khách ngoại quốc, vừa giúp người dân địa phương có thêm thu nhập”, ông Lâm Văn Phú, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Trần Văn Thời, cho biết. Mô hình mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch ở địa phương.
Anh Bì dự định mở rộng homestay thời gian tới, liên kết với nhiều điểm du lịch, hộ dân để du khách có thêm lựa chọn.
“Trên hết, tôi muốn làm du lịch và phải giữ được ‘bản chất’ của mình”, anh Bì nói.
Chúc Ly