Chợ dừa trên sông Thom ở Bến Tre

Thu Trang trải nghiệm chợ dừa ở Bến Tre hồi đầu tháng 1.

Việc trao đổi hàng hóa diễn ra ngay trên ghe xuồng là hoạt động được nhiều du khách trải nghiệm tại chợ dừa Bến Tre. – Du lịch

Theo ngôn ngữ Khmer, Thom có nghĩa là lớn, sông Thom nghĩa là sông lớn, một số người gọi là sông “Thơm”. Đây là một con kênh đào lớn vắt ngang cù lao Minh (cù lao lớn thứ ba ở Bến Tre). Sông Thom có chiều dài khoảng 15 km, được hình thành từ năm 1905 nối giữa sông Hàm Luông và Cổ Chiên, là đường thủy ngắn nhất đi từ Bến Tre sang Trà Vinh.

Thu Trang, sinh năm 1985, TP HCM có chuyến thăm Bến Tre đầu tháng 1. Đã lần thứ tư đến đây, nhưng lần nào cô cũng ấn tượng cảnh trao đổi buôn bán tấp nập các sản phẩm từ dừa ở một khúc sông.

Thu Trang trải nghiệm chợ dừa ở Bến Tre hồi đầu tháng 1.

Thu Trang trải nghiệm chợ dừa ở Bến Tre hồi đầu tháng 1.

Trang cho biết, nếu Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, Tiền Giang có chợ nổi Cái Bè, Hậu Giang trước đây có chợ nổi Ngã Bảy, An Giang có chợ nổi Long Xuyên thì Bến Tre gắn liền với chợ nổi dừa trên sông Thom. Đây là một niềm tự hào của người dân Mỏ Cày Nam nói riêng và của Bến Tre nói chung.

Từ một kênh đào nhỏ, sông Thom ngày nay thay đổi diện mạo với cảnh mua bán tấp nập các sản phẩm từ dừa trên sông. Hai bên bờ là làng nghề khai thác dừa trải dài trên 3 km. Từ đó, chợ nổi dừa trên sông Thom như một thương hiệu của riêng tỉnh, không giống với chợ nổi tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác. Hoạt động của chợ nổi dừa giúp phát triển kinh tế và cả du lịch của vùng.

Theo Cổng thông tin điện tử Bến Tre, vào thời Pháp thuộc, người Pháp cho đào kênh Thom trên địa phận huyện Mỏ Cày để nối liền từ sông Hàm Luông qua sông Cổ Chiên. Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, sông Thom ghi dấu chiến công của quân dân, dòng sông cũng đã gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ người con xứ dừa.

Việc trao đổi hàng hóa thường diễn ra ngay trên ghe xuồng là hoạt động được nhiều du khách trải nghiệm. Chợ nổi dừa diễn ra cả ngày không kể sớm tối, nắng mưa. Việc này phụ thuộc vào tiến độ các đơn hàng, hay thời gian cập bến của các lô hàng. Sản phẩm trao đổi, mua bán chính ở đây là dừa: trái dừa, sơ dừa, chỉ dừa, mụn dừa.

Hai bên bờ sông Thom có rất nhiều cơ sở hoạt động xuyên đêm nhằm cung ứng nguồn hàng cho các doanh nghiệp để làm ra nhiều sản phẩm từ dừa như: cơm dừa sấy khô, chỉ sơ dừa, than gáo dừa, đất sạch từ mụn dừa, dầu dừa, kẹo dừa, thảm chỉ sơ dừa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dừa. Đặc biệt, các làng nghề ven sông Thom tại xã An Thạnh huyện Mỏ Cày Nam, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc đã tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động. Một người làm mỗi ngày có thể lột được khoảng 2.000 trái dừa, với tiền công tầm 400.000 đồng. Người làm ít cũng cả nghìn trái, thu nhập vài trăm nghìn đồng một ngày.

Chợ nổi dừa quy tụ ở ngã ba sông trải dài hàng cây số trên một đoạn của sông Thom. Nhiều người gọi đây là sông dừa.

Chợ nổi dừa quy tụ ở ngã ba sông trải dài hàng cây số trên một đoạn của sông Thom. Nhiều người gọi đây là sông dừa.

  

Thu Trang gợi ý, trong hành trình một ngày, du khách nên ghé thăm các làng nghề, tìm hiểu các hoạt động như nạo dừa, cạy cơm dừa, làm kẹo dừa, sau đó di chuyển đến cồn Thành Long viếng lăng ông Thủy Tướng, và dùng cơm trưa tại nhà dân với nhiều món ăn dân dã như canh chua cá lóc, tép rang dừa, cháo gà ta thả vườn.

Ngoài ra, du khách cũng nên đến khu “Di tích quốc gia đặc biệt” Đồng Khởi để quay về những năm tháng kháng chiến của phong trào Đồng Khởi những năm 1960 tại huyện Mỏ Cày Nam, tìm về cội nguồn lịch sử dân tộc.

Từ thành phố Bến Tre, du khách có thể đi bằng đường bộ đến thị trấn Mỏ Cày Nam trên quốc lộ 60 rồi xuống các tàu du lịch chạy dọc sông Thom hoặc đi bằng đường thủy từ bến tàu tại trung tâm thành phố Bến Tre ra sông Hàm Luông để vào sông Thom. Hiện tại, Bến Tre có nhiều tour du lịch sinh thái để du khách khám phá ngôi chợ đặc biệt này.

Thanh Thu
Ảnh: JP Klovstad

Bài viết được đề xuất