Lâm Đồng- Nam Ban khí hậu mát mẻ với những nông trại cây trái, xưởng dâu tằm, là nơi du khách đến để tìm sự yên bình trong tâm hồn. – Du lịch
Huỳnh Thị Kiên (Xu Kiên), 30 tuổi, blogger du lịch, vừa có chuyến đi tới Nam Ban, một địa danh tại Lâm Đồng. Chị chia sẻ những cảm xúc trong hành trình “chữa lành” tại đây với độc giả Du lịch.
Nam Ban là thị trấn nhỏ, diện tích khoảng 20 km2, thuộc huyện Lâm Hà. Nằm trên thềm chuyển tiếp giữa cao nguyên với vùng bình nguyên, Nam Ban có độ cao trung bình từ 800 đến 1.000 m so với mực nước biển. Bên cạnh người dân tộc Kinh di cư từ Hà Nội và các tỉnh miền Tây, nơi đây còn có dân tộc thiểu số như Cơ Ho, Mạ, Tày, Thái. Những năm gần đây, Nam Ban trở thành điểm du lịch “chữa lành” được nhiều du khách yêu thích.
23h, tôi lên xe khách Vạn Hạnh từ TP HCM để về thẳng thị trấn Nam Ban. 5h, tài xế lay tôi dậy. Khi tỉnh, tôi thấy mình được bao bọc bởi những rừng cây. Xe trung chuyển chở tôi về thẳng nông trại của cô chú Tuấn Hà.
Đây là gia đình từ Long An lên Lâm Đồng làm kinh tế đã 25 năm. Họ sống một cuộc sống bình dị, với nghề trồng dâu, nuôi tằm, trồng cà phê và các loại cây ăn trái. Cô chú chở tôi lên đồi, nơi cách nhà 70 m. Đi một đêm, tôi mệt quá nên ngủ say.
Buổi sáng, tôi bước ra khỏi nhà sàn. Không gian thoáng đãng. View đồi núi trập trùng cùng mảng xanh mướt. Mặt trời chiếu những tia nắng đầu ngày, phủ lên những cành lá, đóa hoa màu tươi sáng. Hà hít không khí vào người, tôi đón nhận ngày mới ở Nam Ban.
Nông trại cô chú Tuấn Hà rộng 5 ha, trong đó hơn một nửa trồng cà phê, số còn lại trồng dâu để nuôi tằm. Xen kẽ vườn dâu là những cây sầu riêng, mít, xoài, bơ, bưởi, đu đủ. Khách du lịch đến đây vào mùa nào sẽ được ăn các loại quả của mùa ấy.
Chủ nông trại duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm từ năm 2005 nhờ vùng này không khí thuận lợi, mát mẻ. Một năm, cô chú nuôi 7 lứa tằm. Họ mua trứng từ xưởng ươm tơ, sau đó đem về nuôi. Quy trình nuôi được một con tằm rất công phu. Đầu tiên là trồng những vườn dâu. Lá dâu phải đẹp, khi hái phải chọn những lá xanh, tránh để lá bị ướt, vì ướt dâu ăn vào người sẽ bị nhũn và chết sớm. Cô chú Tuấn Hà sẽ đặt tằm vào nong. Ở đây họ bỏ rất nhiều lá dâu, tằm cứ ăn và đi vệ sinh tại chỗ. Tằm sau khi ăn no sẽ ngủ, ngủ xong rồi dậy ăn tiếp. Sau cùng, tằm được đưa lên né. Mỗi né sẽ có nhiều ô nhỏ để chúng tự bò vào. Tằm ở trong đó làm kén và nhả tơ, kết thúc 20 ngày trong quy trình.
Buổi chiều, chú Tuấn lấy xe chở tôi đi khám phá khắp Nam Ban. Nơi đầu tiên chúng tôi ghé là làng Thực Nghiệm của người đồng bào Cơ Ho. Người dân ở đây sống trong nhà gỗ, lợp mái tôn. Công việc hằng ngày của họ chủ yếu là hái cà phê, trồng dâu, làm việc tại các xưởng ươm tơ. Vì ở đây theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ quán xuyến mọi công việc của gia đình. Đến làng, chúng tôi chỉ nhìn thấy những cụ già và trẻ em. Tôi xin cụ già một tấm ảnh, bà đưa tẩu thuốc vào miệng, nhìn vào máy ảnh cười duyên.
Làng Thực Nghiệm gần xưởng ươm tơ Vạn Hạnh. Đây cũng là nơi thu mua kén lớn nhất Nam Ban. Chú Tuấn chở tôi ghé vào tham quan xưởng. Xưởng ươm tơ Vạn Hạnh là một trong những địa điểm đầu tiên khởi xướng ngành ươm tơ dệt lụa ở Nam Ban. Xưởng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có lúc phải đóng cửa bởi chất lượng kén được thu mua ở các nơi quá thấp. Nhưng rồi, bằng sự nỗ lực của gia đình, xưởng đã duy trì được đến ngày hôm nay. Hiện đây là địa điểm cho ra những bó tơ sống. Khách mua chủ yếu từ Ấn Độ. Xưởng ươm tơ hoạt động hết công suất, bà con cũng có nhiều công việc để làm.
Rời xưởng ươm tơ, chú Tuấn chở tôi lên chùa Linh Ẩn gần đó. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát với chiều cao 70 m làm tôi ngây ngất. Đứng từ phía tượng Phật nhìn xuống thấy thác Voi, dòng nước chảy siết. Một mảng xanh rờn bao phủ trước mắt. Không khí ở đây rất dễ chịu.
Trải qua ngày dài với biết bao hoạt động ở nông trại, ánh hoàng hôn dần buông xuống, trời cũng trở nên lạnh hơn, tôi thả người đong đưa theo gió, lắng nghe tiếng ve kêu, chim hát khi hè về. Chẳng thể tìm kiếm được sự bình yên nào hơn thế.
Ngày về lại TP HCM, ấn tượng để lại trong tôi là hoa trái ở Nam Ban. Chú Tuấn nói “ít mà chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người ăn”. Chú cho hay ở Nam Ban, mọi người trồng trái cây tự nhiên thế nào, thu hoạch như thế. Trái sầu riêng rụng xuống đem vào nhà rồi khi bán không kịp thì nứt ra, mình ăn không hết. Khách lên đây thường sẽ ăn giúp.
“Ở đâu cũng vậy, mình đi tới xứ người ta mình cũng muốn người ta đối tốt với mình”, chú Tuấn nói.
Hiện chỉ có duy nhất nhà xe Vạn Hạnh chạy thẳng đến thẳng thị trấn Nam Ban. Từ TP HCM, du khách mua vé giá 250.000 đồng. Sau khi đến thị trấn, bạn sẽ được trung chuyển bằng xe máy về nông trại.
Nam Ban chủ yếu là các nông trại, rất ít nhà nghỉ hoặc khách sạn. Nông trại cô chú Tuấn Hà là nơi ở điển hình tại Nam Ban. Giá ngủ nghỉ cho phòng riêng là 250.000 đồng một đêm. Các món ăn ở đây cũng khá đa dạng, gồm cá suối, rau rừng, gà thả vườn, rượu cần. Nông trại có xe máy cho khách tham quan đến các địa điểm khác.
Bài và ảnh: Xu Kiên