Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035: Nguồn lực cho văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chương trình mục tiêu quốc gia dành cho lĩnh vực văn hóa đã trở thành một bước đột phá quan trọng, tập trung vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống và định hình bản sắc văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên hiện đại. Được thiết kế nhằm tăng cường nguồn lực và xây dựng các chính sách văn hóa phù hợp, chương trình này không chỉ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và các hoạt động văn hóa mà còn định hướng cho những thay đổi trong nhận thức, khơi dậy tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc.  

Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Điện Biên Phủ – Mốc vàng lịch sử” chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024) để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng- Ảnh: Tuấn Minh

Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã dành một sự quan tâm sâu sắc và kiên định cho sự nghiệp phát triển văn hóa, coi đó là nền tảng cốt lõi, là trái tim của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngay từ khi còn trong vòng kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân, trước khi giành được độc lập, tự do, Đảng đã sớm nhìn thấy sức mạnh to lớn mà văn hóa mang lại cho dân tộc.
 Vào những ngày tháng ấy, khi mọi quyền tự do còn bị tước đoạt, Đảng ta đã vạch ra con đường cho văn hóa Việt Nam với việc ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 – một bản cương lĩnh chính trị đầu tiên về văn hóa, xác định văn hóa không chỉ là di sản, là lịch sử, mà còn là vũ khí để xây dựng lòng tự tôn, hun đúc lòng yêu nước, tạo nên sức mạnh nội sinh từ trong lòng dân tộc.

Với một tầm nhìn chiến lược và quyết tâm mạnh mẽ, Đảng đã đưa văn hóa lên vị trí xứng đáng trong mọi giai đoạn phát triển đất nước, từ những năm tháng kháng chiến gian khổ đến thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Văn hóa Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của những tư tưởng đúng đắn ấy, đã vươn lên mạnh mẽ, ghi dấu qua bao thành tựu lớn lao, là sức mạnh tinh thần bất khuất giúp chúng ta vượt qua mọi gian nan, khắc phục mọi khó khăn, và chiến thắng mọi thế lực thù địch. Chính văn hóa, với sức mạnh vô hình nhưng mãnh liệt của mình, đã trở thành nguồn nội lực vô giá, nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, hun đúc ý chí kiên cường, và tạo nên bản lĩnh của một dân tộc không khuất phục.

Ngày nay, nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta càng nhận thấy rõ giá trị của những hành động đầy trí tuệ và quyết liệt ấy. Văn hóa không chỉ là ký ức, là truyền thống, mà còn là niềm kiêu hãnh, là căn cốt đã hun đúc nên sức mạnh Việt Nam, tạo thành nền tảng vững chắc để đất nước bước tiếp, phát triển và hội nhập trong một thế giới đầy biến động. Chính sức mạnh nội sinh từ văn hóa – một sức mạnh trường tồn, bất diệt – sẽ mãi là động lực để Việt Nam vượt qua mọi thử thách, tiếp tục tiến bước trên con đường vinh quang phía trước.

Trong bối cảnh mới, những bài học sâu sắc từ lịch sử càng thôi thúc chúng ta nuôi dưỡng quyết tâm mạnh mẽ cho sự phát triển văn hóa. Văn hóa lúc này không chỉ là hình ảnh của truyền thống và bản sắc dân tộc, tạo nên sự tự tin và bản lĩnh để Việt Nam vững vàng bước vào hội nhập quốc tế, mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển bền vững. Chúng ta đang đứng trước thời khắc đặc biệt, nơi mà văn hóa vừa đón nhận thuận lợi và thời cơ, vừa đối mặt với thách thức và khó khăn đan xen.

Thật đáng mừng, chưa khi nào văn hóa nhận được sự quan tâm sâu rộng như hiện nay, từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 cho đến sự tham gia kịp thời của các cơ quan Đảng, Nhà nước ở cả trung ương lẫn địa phương. Nhiều địa phương đã tăng kinh phí đầu tư cho văn hóa. Thời gian qua, có thêm nhiều công trình, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; các di tích lịch sử – văn hóa được tu bổ, tôn tạo. Các sự kiện, ngày hội văn hóa ôn lại truyền thống cách mạng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc diễn ra rộng khắp, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Không chỉ từ phía Nhà nước, các thành phần xã hội cũng thể hiện một khí thế sôi nổi và nhiệt huyết với văn hóa: từ các tuần lễ sáng tạo tại Hà Nội và các thành phố lớn, Nhà hát Hồ Gươm ở Hà Nội, Nhà hát Đó ở Nha Trang, đến những bộ phim của tư nhân như Mai, Nhà bà Nữ, Lật mặt… Từng giai điệu Việt Nam mới mẻ không chỉ chinh phục người nghe trong nước mà còn vươn xa đến khán giả quốc tế. Những thay đổi sống động ấy chứng minh rằng chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã tạo nên một sức sống mãnh liệt cho thị trường văn hóa. Và giờ đây, nhiều người bắt đầu nhắc đến công cuộc phục hưng văn hóa đất nước với niềm tin và kỳ vọng lớn lao.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, con đường phát triển văn hóa của chúng ta vẫn những khó khăn, thử thách. Còn nhiều di tích theo thời gian nắng mưa xuống cấp, rất cần được bảo tồn, tôn tạo. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể nguy cơ mai một, thất truyền, cần được khôi phục, gìn giữ. Vẫn còn khoảng cách trong nhu cầu hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn.

Chúng ta không chỉ đang đối mặt với các thách thức an ninh phi truyền thống, mà còn với những thách thức từ văn hóa phi truyền thống. Những tác động từ xã hội số, kinh tế số, công dân số đã tạo nên không chỉ một thế giới mới mà còn cả những vấn đề mới của văn hóa số – nơi giá trị văn hóa nhiều khi bị lu mờ giữa dòng xoáy công nghệ và nhịp sống nhanh.

 Di sản Thực hành Then được gìn giữ, bảo tồn – Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

 Sự bành trướng của kinh tế thị trường, bên cạnh mặt tích cực, đã vô tình gieo rắc những hạt giống ích kỷ, chạy theo lợi ích vật chất vào mọi ngõ ngách của xã hội, trong đó có văn hóa. Việc lợi dụng tâm linh, lạm dụng giá trị thiêng liêng để trục lợi đã là minh chứng rõ ràng cho sự biến chất của các giá trị mà chúng ta từng coi là bất khả xâm phạm.

Trong lĩnh vực giải trí, sự cạnh tranh khốc liệt càng khiến chúng ta bức xúc khi chứng kiến những chiêu trò vụng về, những phát ngôn bốc đồng, hành vi lệch chuẩn, và các cách thu hút công chúng không phù hợp. Những điều này không chỉ làm vẩn đục không gian văn hóa mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự thanh cao, sâu sắc mà văn hóa đáng lẽ phải giữ gìn. Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta mở cửa đón nhận tinh hoa từ khắp nơi trên thế giới, nhưng không phải tất cả đều là những nét đẹp phù hợp với giá trị văn hóa của dân tộc. Nhiều hình ảnh lấp lánh, hào nhoáng khiến giới trẻ say mê, nhưng sự mê đắm ấy đôi khi lại cuốn một bộ phận người trẻ xa rời giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc.

Khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đặc biệt là mạng xã hội, đã mở ra một không gian mới, nhưng cũng đồng thời đưa đến những thách thức chưa từng có trong công tác quản lý văn hóa. Mạng xã hội trở thành một tấm gương khuếch đại, nơi con người dễ dàng thể hiện cái tôi quá mức, bất chấp các nguyên tắc đạo đức cộng đồng. Trong nhịp sống ngày càng gấp gáp, nhiều người mải miết đuổi theo các giá trị trước mắt, bỏ quên những mục tiêu dài hạn và sâu sắc. Hệ quả là sự xuất hiện của nhiều biểu hiện tiêu cực, từ sự lai căng trong thẩm mỹ đến sự lệch chuẩn trong lối sống, vi phạm đạo đức, phá vỡ thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tất cả những điều này không chỉ là thách thức trước mắt, mà còn là lời nhắc nhở đau đáu về trách nhiệm gìn giữ và phát triển văn hóa theo cách trọn vẹn và bền vững nhất.

Để vượt qua mọi thách thức và xây dựng một nền văn hóa bền vững, việc thiết lập một Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, mang tầm quan trọng đặc biệt. Chương trình này không chỉ nhằm củng cố các giá trị văn hóa mà còn là nền móng định hình cho sự phát triển toàn diện của quốc gia, khơi gợi nguồn lực mạnh mẽ và bền vững từ xã hội. Điều đáng khích lệ là chúng ta đã có cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện điều này, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW vào ngày 16/6/2022, đưa ra tầm nhìn chiến lược đến năm 2045 về nông nghiệp, nông dân, và nông thôn. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu không chỉ tập trung vào sự phát triển kinh tế, mà còn hướng đến xây dựng cộng đồng hạnh phúc, xã hội ổn định, cùng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tạo ra nền tảng cho một xã hội bền vững.

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu Ban Chấp hành khóa XIII cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia trong giai đoạn 2021 – 2030, với tầm nhìn xa hơn đến năm 2050. Trong đó, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đã được coi là một giải pháp cấp bách và quan trọng, góp phần thực hiện thành công các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội dài hạn của đất nước. Đặc biệt, vào ngày 10/11/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển Kinh tế – Xã hội năm 2023, giao Chính phủ nhiệm vụ nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa và nhanh chóng triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa. Chính những bước đi mạnh mẽ này đã khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đặt văn hóa vào vị trí trung tâm của phát triển đất nước, một lần nữa tiếp thêm hy vọng và động lực cho mọi tầng lớp nhân dân hướng đến một nền văn hóa Việt Nam hùng cường và giàu bản sắc.

Chương trình này được hình thành trên nền tảng vững chắc, gắn chặt với tư tưởng và chủ trương mà Đảng và Nhà nước đã định hướng. Từ Nghị quyết 33-NQ/TW đến Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam 2030, mọi mục tiêu đều hướng đến việc nuôi dưỡng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Chương trình này sẽ là nhịp cầu nối, là công cụ để hiện thực hóa những hoài bão lớn lao ấy, vừa đảm bảo sự nhất quán, vừa tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ giữa các chương trình và dự án văn hóa trên khắp mọi miền.

Nhưng không chỉ dừng lại ở việc bao quát, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa còn phải tạo nên những đột phá thực sự, bắt đầu từ chính việc bảo tồn và làm sống lại những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc. Việt Nam – một dải đất với 54 dân tộc anh em đã cùng nhau dệt nên bức tranh văn hóa đa sắc màu qua hàng ngàn năm. Tuy vậy, những tinh hoa ấy cũng đang đứng trước nguy cơ phai nhạt và mai một trong dòng chảy biến động của thời gian. Để văn hóa không chỉ là những ký ức, chương trình cần nhấn mạnh vào công tác bảo tồn, tôn vinh, và lan tỏa các di sản truyền thống, làm cho chúng sống mãi trong ký ức và ý thức của thế hệ trẻ. Để chúng ta không chỉ tự hào về lịch sử, mà còn thêm vững vàng, tự tin bước đi trên trường quốc tế, mang theo hành trang văn hóa quý giá mà không sợ bị hòa tan.

Song song với bảo tồn, chương trình cần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa, để văn hóa không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là nguồn lực kinh tế vô tận, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho quốc gia. Với những ngành như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, du lịch văn hóa, phần mềm và trò chơi điện tử… Việt Nam không chỉ thể hiện bản sắc mà còn tìm được sức mạnh mới cho nền kinh tế, lan tỏa văn hóa thông qua những sản phẩm giàu giá trị. Mỗi đầu tư vào văn hóa chính là một lần ta vun đắp cho sự phồn thịnh lâu bền của xã hội.

Bên cạnh đó, để văn hóa thực sự trở thành bệ phóng cho quốc gia, cần có những không gian sáng tạo – những “vườn ươm” cho ý tưởng, để người dân có thể bứt phá và phát triển tài năng. Đồng thời, chương trình cần hướng tới định vị văn hóa Việt Nam trên bản đồ quốc tế, xây dựng một hình ảnh Việt Nam đầy tự hào với bản sắc độc đáo, tăng cường sự tự tin và khẳng định chỗ đứng của văn hóa, con người Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. Những bước đi này không chỉ là bước tiến của hiện tại, mà còn là lời hứa hẹn cho một tương lai, nơi văn hóa Việt Nam tỏa sáng rạng ngời giữa muôn màu sắc văn hóa thế giới.

Trong kỷ nguyên mà dân tộc Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa không chỉ là một công cụ chiến lược mà còn là niềm hy vọng, là nền tảng cho sự bền vững và phồn thịnh của văn hóa dân tộc. Đây không chỉ là sự đầu tư về nguồn lực mà còn là đầu tư vào tâm hồn, bản sắc, và cốt lõi tinh thần của cả một đất nước.
Khi chương trình được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ, từ những làng quê xa xôi đến những thành phố lớn, nó sẽ tạo ra sự gắn kết trong mỗi người dân, nuôi dưỡng tình yêu và lòng tự hào về văn hóa nước nhà. Bằng việc khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, chúng ta không chỉ giữ vững di sản của cha ông mà còn lan tỏa tinh thần Việt đến mọi miền của thế giới.

Công cuộc đầu tư vào công nghiệp văn hóa, sự tôn vinh di sản truyền thống và việc định vị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế sẽ là đòn bẩy quan trọng, đưa văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới. Qua đó, không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn xây dựng một hình ảnh Việt Nam tự tin, sáng tạo và đầy bản lĩnh. Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 sẽ được trình Quốc hội xem xét cuối tuần này, nếu được thông qua, sẽ là nguồn sức mạnh nội sinh, góp phần đưa Việt Nam bước vào thời kỳ mới với tâm thế tự tin, vững vàng và đầy khát vọng.

 PGS,TS Bùi Hoài Sơn

Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật -vanhoanghethuat.vn – Đăng ngày 30/10/2024

Bài viết được đề xuất