Gia đình chị Trang Lê dành 11 ngày tự lái ôtô đi từ Hà Nội đến Quảng Ngãi và quay lại, với chi phí khoảng 40 triệu đồng. – Du lịch
Trang Lê, 35 tuổi, cùng chồng và ba con gồm hai con gái sinh đôi 9 tuổi và con trai út 4 tuổi quyết định thực hiện chuyến “xuyên nửa Việt” hè này. Mục đích chuyến đi là để các con xả hơi sau thời gian dài học online, phải ở nhà lâu và dịch bệnh Covid-19 đang dần được đẩy lùi.
Gia đình chị chọn tới Quảng Ngãi rồi quay lại Hà Nội vì phải sắp xếp thời gian phù hợp với công việc của hai vợ chồng. Chuyến đi diễn ra trọn vẹn 11 ngày, theo chị Trang là phù hợp với sức khỏe cả nhà.
“Nhà mình không đi cố, thấy ở đâu thoải mái thì dừng lại chơi thêm, vừa hồi sức để chồng lái xe, vừa chiều theo sở thích và cảm xúc các bạn nhỏ”, Trang nói.
Lịch trình
Ngày đầu tiên còn sung sức, gia đình chạy xe thẳng từ Hà Nội đến Huế, xuất phát từ 4h và đến Huế lúc 17h. Ăn sáng bánh mì và sữa hộp, ăn trưa thì chọn quán dọc đường, thấy đông khách thì vào. Khi đến Huế, gia đình chị ăn tối bún bò Huế bà Tuyết ở 47 Nguyễn Công Trứ và đặc sản bánh bèo, lọc nậm, nem lụi ở Me Mẹ, chọn luôn khách sạn giữa hai quán ăn này để nghỉ qua đêm. Giá phòng 500.000 – 800.000 đồng, có chỗ để ôtô. Sau đó, cả nhà đi xích lô khám phá thành phố về đêm.
Ngày thứ hai và ba, cả nhà vẫn ở lại Huế, đi biển Lăng Cô, tham quan chùa Thiên Mụ, làng hương Thủy Xuân, sau đó chuyển đến ở Paciano homestay hai đêm, phòng hai giường giá 500.000 đồng một đêm. Buổi sáng, hai vợ chồng dậy sớm ngắm bình minh và tranh thủ mua ghẹ tươi, nấu ăn sáng, hấp ngay tại bờ biển. Trải nghiệm trong hai ngày này ở Huế chủ yếu là tắm biển và cho các con nghịch cát.
Ngày thứ tư và năm, di chuyển đến Quảng Ngãi, ăn trưa xong ra bến cảng Sa Kỳ để tới đảo Lý Sơn. Vé tàu 213.000 đồng một khách, trẻ em ngồi cùng bố mẹ được miễn phí. Trang Lê cũng lưu ý du khách ghi nhớ giờ tàu do một ngày từ đây chỉ có 6 chuyến và nên đặt vé chiều về ngay từ lúc mua vé ra đảo. Cả nhà ở Lý Sơn hai đêm do không đặt vé vào được đất liền vì hết chuyến. Tại Lý Sơn, tham quan ngọn hải đăng, cổng Tò Vò, chùa Hang, núi Thới Lới.
Ngày thứ sáu, cả nhà quay lại Đà Nẵng và lưu trú ở Bà Nà Hills. Đây cũng là địa điểm tốn kém nhất trong hành trình của gia đình, với giá phòng 3 triệu một đêm. Khách ngủ qua đêm tại đây sẽ lối đi riêng lên cáp treo, tránh đông đúc. “Thời tiết trên này lúc nóng, khi lạnh, lúc mưa nên chú ý mang áo khoác mỏng”, Trang Lê tư vấn.
Ngày thứ bảy, đoàn đến Hội An, chọn khách sạn Rose Garden có phòng hai giường giá 650.000 đồng một đêm, có bể bơi. Tối ăn cơm gà bà Nga, dạo phố cổ, đúng hôm rằm nên có lễ thả hoa đăng trên sông… Buổi sáng đi thuyền thúng ở rừng dừa Bảy Mẫu, vé hai thuyền là 500.000 đồng.
Ngày thứ tám và chín, cả nhà quay lại Đà Nẵng, thuê khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp để tiện ra biển. Do hải sản không phải món yêu thích của nhà, nên chị Trang cho các con ăn kiểu cơm nhà, chọn quán Mậu Dịch ở 149 Hải Phòng, một lần hết 600.000 đồng. Chè ở Đà Nẵng cũng khó bỏ qua, Trang gợi ý quán Liên Hương ở đường Pasteur.
Ngày thứ 10, trong hành trình quay ngược ra Bắc, cả nhà nghỉ ở Quảng Bình, đến nơi lúc 15h, thuê homestay Sunflower ở ven biển, giá 600.000 đồng một phòng. “Sau dịch nơi đây xuống cấp, ngủ tạm thôi chứ không ưng”, Trang nhận xét. Tuy vậy, bãi tắm ở đây được trẻ con nhà chị rất thích, tối ăn ở bàn kê ngay cạnh biển. Trải nghiệm thú vị khác ở Quảng Bình là đi trượt cát ở cồn Quang Phú, thuê xe và máng trượt hết 300.000 đồng hai lượt.
Ngày thứ 11, “níu” chuyến đi bằng việc tranh thủ ra tắm biển lần cuối rồi lên đường về Hà Nội. Buổi trưa dừng lại Nghệ An thưởng thức đặc sản lươn xào chuối. Mẹo của chị Trang là chọn quán nhiều xe công và xe đầu kéo dừng ăn, do “các bác chạy xe đường dài quen nên biết chỗ nào ăn đảm bảo và hợp vệ sinh, để có sức lái xe”.
Kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi là bị mắc kẹt ở cánh đồng điện gió Quảng Trị. Vì mải mê chụp ảnh nên ôtô tiến vào chỗ bị lún cát, phải mất hơn một tiếng để gọi cứu trợ lấy xe ra.
Kinh nghiệm
Trang Lê rút ra một số kinh nghiệm sau chuyến đi. Mỗi người trong gia đình chỉ nên mang quần áo vừa đủ, khoảng 5-6 bộ mỗi thành viên, sau đó dùng dịch vụ giặt là ở chõ nghỉ, giá cũng phải chăng. Thuốc men nên mang theo hạ sốt, muối nhỏ mắt, xịt chống muỗi, urgo và viên muối pha súc miệng.
Không cần đặt trước khách sạn vì di chuyển tùy thuộc vào sức khỏe người cầm lái và các “sếp nhí”, đi được đến đâu thì dừng và đặt phòng ở đó. Trong chuyến đi này, chỉ có Bà Nà Hills là gia đình đặt trước.
Đồ ăn thức uống không cần mang nhiều, chủ yếu là đồ ăn vặt cho trẻ con để các bé kiên trì ngồi xe đường dài. Tương tự với tiền mặt, chỉ cần chuẩn bị tiền trong thẻ và tài khoản nhiều, do Trang chia sẻ mọi thứ hầu như đều được chuyển khoản và quẹt thẻ, kể cả đổ xăng.
Tổng chi phí của chuyến đi khoảng 40 triệu đồng, trong đó gồm 5 triệu tiền xăng, một triệu phí cầu đường (có dán thẻ thu phí không dừng nên tiện lợi). Trung bình một ngày ăn uống ngủ nghỉ khoảng 2 triệu đồng. Chi phí đắt nhất là ở Bà Nà Hills, hết khoảng 9 triệu đồng. Một số chi phí khác là thuê xe máy di chuyển ở Lý Sơn, chi phí mua đồ phát sinh trong chuyến đi…
“Số tiền này thực sự rẻ hơn nhiều so với đi máy bay. Chi phí như vậy cho chuyến đi 11 ngày dành cho 5 người chắc khó để giảm bớt. Mình thấy xứng đáng cho những trải nghiệm mà gia đình nhận được”, Trang Lê chia sẻ.
Trung Nghĩa
Ảnh: NVCC