Lào- Xây dựng ồ ạt, quá tải du lịch, mai một văn hóa truyền thống là những lý do chính khiến Luang Prabang có nguy cơ bị gạch tên khỏi danh sách Di sản thế giới của UNESCO. – Du lịch
Cố đô Luang Prabang, nằm giữa sông Mekong và sông Nam Khan, được miêu tả là điểm đến đẹp như tranh vẽ với những ngôi nhà mang nét kiến trúc Lào – Pháp hài hòa. Luang Prabang được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1995.
Địa điểm này cũng là trung tâm văn hóa Phật giáo lớn tại Lào. Du khách đến đây dễ dàng bắt gặp các nhà sư trong bộ áo choàng màu cam rực rỡ đi ngang qua đường, những chiếc thuyền gỗ đuôi dài chạy dọc theo dòng sông bao quanh là đồi cây gỗ nhiệt đới.
Bên trong vẻ ngoài cổ kính là nỗi lo lắng của người dân địa phương và các nhà bảo tồn. Báo cáo mới của UNESCO chỉ ra một số vấn đề đáng lo ngại, nếu không sớm được giải quyết, Luang Prabang có thể sẽ mất danh hiệu Di sản thế giới. Các vấn đề bao gồm phát triển xây dựng làm mất đi những ngôi nhà và công trình kiến trúc truyền thống trong khu phố cổ được bảo vệ. Cố đô đang đối mặt tình trạng quá tải du lịch, đời sống văn hóa dần mai một.
Đặc biệt, báo cáo của UNESCO nhấn mạnh việc xây dựng đập thủy điện Luang Prabang cách thượng nguồn 25 km bởi liên doanh Lào – Thái và con đập thứ 2 được xây dựng trong khu vực sắp tới sẽ tác động đến giá trị của cố đô Lào. Minja Yang, cựu Phó giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO, lo ngại việc này có thể biến thị trấn ven sông thành một thị trấn ven hồ.
“Nếu con đập thứ hai được xây dựng, đó sẽ là lý do chính khiến Luang Prabang bị loại khỏi danh sách di sản thế giới”, ông Yang nói.
Một nhân viên chính quyền địa phương cho biết ông lo ngại thị trấn sẽ mất danh sách Di sản Thế giới. “UNESCO đã đưa ra cho chúng tôi nhiều quy tắc để tuân theo, nhưng bây giờ chúng tôi làm ngược lại”, người này nói với Nikkei Asia.
Cố đô được đặt theo tên của Phra Bang, bức tượng Phật bằng vàng được tặng cho vua Fa Ngum vào thế kỷ 14, Luang Prabang là một trong những thị trấn lâu đời nhất ở Lào, có lịch sử hàng nghìn năm. Nơi đây từng là thủ đô hoàng gia và là trung tâm Phật giáo của Lào trong phần lớn chiều dài lịch sử.
Sau khi Lào giành được độc lập từ người Pháp vào năm 1953, thủ đô được chuyển đến Viêng Chăn. Luang Prabang rơi vào lãng quên, nhờ vậy mà những nét kiến trúc xưa cũ còn nguyên vẹn.
Hiện, thị trấn cổ có hơn 600 tòa nhà và 183 vùng đất ngập nước được bảo vệ theo các điều khoản của thỏa thuận UNESCO. Mức sống người dân tăng lên, thị trấn dần trẻ hóa khi những người trẻ làm việc trong lĩnh vực du lịch đổ về đây đang gia tăng. Lượng khách du lịch đến thị trấn đã tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, với gần 800.000 du khách nước ngoài trong ba quý đầu năm 2023.
Giá bất động sản tăng cao, nhiều người dân địa phương đã chọn cách bán hoặc cho thuê nhà và chuyển ra ngoài thành phố sinh sống. Dân bản địa giảm, các tu viện phải thu hẹp quy mô. Nghi lễ cúng dường truyền thống địa phương ngày nay chủ yếu phục vụ khách du lịch. Trong một buổi lễ gần đây, số lượng người nước ngoài tham gia lễ cúng dường. Một số hàng quán địa phương rộ lên tình trạng chặt chém du khách.
Ngoài ra còn có những lo ngại lớn về tác động tiềm ẩn của đập Luang Prabang, gợi lại những thiệt hại sau vụ vỡ đập ở miền nam Lào vào năm 2018, cũng như những ảnh hưởng đến đối với các bờ sông Mekong.
Du lịch tại thị trấn này đang trên đà phát triển, trở thành điểm thu hút của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc. Người dân địa phương cho biết từ cửa hàng nhỏ đến khách sạn lớn tại Luang Prabanh được các chủ đầu tư Trung Quốc rót tiền xây dựng. Tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc cũng đi vào hoạt động từ năm ngoái, kết nối Côn Minh với Viêng Chăn chỉ trong vài giờ di chuyển. Điều này cũng góp phần thúc đẩy thị trường du lịch tại Luang Prabang. Một số người dân địa phương lo ngại việc phát triển du lịch quá mức sẽ khiến Luang Prabang mọc lên lên những tòa nhà lớn như ở Viêng Chăn và họ không muốn thị trấn mất đi vẻ đẹp cổ kính.
Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO sẽ có quyết định về trường hợp của Luang Prabang vào tháng 7. Các chuyên gia dự đoán nhiều khả năng thị trấn có thể bị đặt vào tình trạng “có nguy cơ tuyệt chủng”.
Cựu Phó giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO cho rằng nếu không có danh hiệu Di sản thế giới, các dự án sai lầm về trung tâm mua sắm và sòng bạc sẽ mọc lên nhanh chóng ở Luang Prabang.
“Mọi công sức ngăn chặn những hoạt động này trong hơn 20 năm qua có thể đổ bể, tương lai của thị trấn không biết sẽ đi về đâu”, ông Minja Yang nói.
Bích Phương
Theo Nikkei Asia