Ngoài việc theo dõi kỹ dự báo thời tiết, hỏi thông tin từ dân địa phương, chị Trang cho rằng may mắn là yếu tố quan trọng để săn được tuyết. – Du lịch
Chị Thu Trang, sống ở Hà Nội, đã 4 lần được ngắm tuyết rơi trên Sa Pa (Lào Cai) vào các năm 2014, 2015, 2016 và đầu năm nay – 2021.
Trong các chuyến đi, chị đều qua Sa Pa, sau đó di chuyển đến các khu vực lân cận như đèo Ô Quý Hồ, Y Tý… để có được nhiều hình ảnh đẹp. Chị Trang chia sẻ thích đón tuyết rơi vì mê khám phá và chinh phục những điều mới mẻ. Chị từng có cơ hội trải nghiệm tuyết ở nước ngoài, nhưng săn được tuyết ở Việt Nam có cảm giác hồi hộp, thú vị hơn rất nhiều.
Theo chị Trang, tuyết rơi ở một nước nằm trong vùng nhiệt đới như Việt Nam có thể coi là hiếm, nhưng khoảng 10 năm gần đây lại khá thường xuyên. Nên cứ đến mùa đông, chị đều theo dõi kỹ dự báo thời tiết, đặc biệt những đợt gió mùa đông bắc mạnh. Ngoài ra, chị còn phải kiểm tra lại thông tin từ người địa phương. Gần đây có nhiều hình ảnh không chính xác về tuyết rơi Sa Pa, có người lấy lại những ảnh cũ đăng lên mạng xã hội, khiến cộng đồng du lịch bị “hớ”.
Năm 2014, khi vô tình đọc được tin tuyết rơi ở Sa Pa qua cộng đồng phượt, chị Trang lập tức kiểm tra thông tin với người bạn làm du lịch tại thị xã, và bắt xe khách trong đêm. Lần đầu tiên thấy cảnh tượng tuyết rơi trắng xóa, chị cùng bạn phấn khích reo hò. Chưa có kinh nghiệm, cả nhóm chỉ kịp mang theo quần áo ấm và đồ chụp ảnh sơ sài nên không có ảnh. Từ những năm sau, chị chuẩn bị trước khá kỹ lưỡng.
Với kinh nghiệm nhiều năm săn tuyết, chị Trang chia sẻ tuyết thường rơi trong khoảng đầu và trung tuần tháng 1 hàng năm. Khi đó du khách cần theo dõi dự báo thời tiết sát sao, cụ thể là đợi tin không khí lạnh di chuyển lệch đông tăng cường. Ngoài ra, tuyết thường rơi vào đợt gió mùa thứ hai hoặc ba trong mùa đông. Khối khí lạnh mang hơi ẩm, gây mưa, cộng với hình thái thời tiết hội tụ đới gió tây, trời dễ có mưa tuyết. Năm nay cuối tháng 12, vùng núi đã có tuyết rơi, chị Trang dự đoán sang tháng 1 tuyết dễ rơi dày hơn. Một đặc điểm là tuyết ở Việt Nam thường rơi ngắn ngày nên có điều kiện là phải lên đường ngay.
Một số điểm đến đẹp dễ dàng ngắm tuyết là trong rừng Y Tý (huyện Bát Xát), đỉnh Fansipan (Sa Pa) và một số ngọn núi khác trên dãy Hoàng Liên Sơn. Một kinh nghiệm khác của chị là hỏi người dân. “Nếu đầu ngón tay, ngón chân nhanh chóng tê buốt khi ra ngoài thì trời đã lạnh sâu, rất dễ có tuyết. Nếu rét đậm nhưng trời ấm lên nhanh chóng vào hôm sau thì thường tuyết sẽ không rơi”, chị cho hay.
Khi thấy đủ điều kiện thời tiết để săn tuyết, chị và các bạn sẽ lên Lào Cai trước một vài ngày để chủ động. Dù vậy, hành trình không phải lúc nào cũng như dự tính. Năm 2016, chị Trang cùng bạn đến Y Tý trước một tuần vẫn không thấy tuyết. Khi cả nhóm đang rất thất vọng định đi về thì tuyết lại rơi ở Sa Pa. Vì vậy chị cho rằng may mắn cũng là một yếu tố quan trọng.
Người lái xe có kinh nghiệm đi đường băng tuyết ở Việt Nam không nhiều, rất dễ trơn trượt dẫn đến mất lái. Đây cũng là điều chị Trang lo lắng nhất trong mỗi chuyến đi. Vì vậy chị cho biết chỉ nên lái ôtô tới nơi an toàn nhất, rồi sau đó đi bộ. Đi lại ở Y Tý khó khăn nhất vì lái xe phải băng qua nhiều đoạn đường đèo vào rừng già.
Tuyết rơi cũng là khi nhiệt độ xuống sâu, có khi 0 độ C, vì vậy du khách cần giữ ấm cho cơ thể để tránh cảm lạnh, viêm đường hô hấp. Để giữ ấm tốt nhất và dễ cử động, du khách nên mặc nhiều lớp áo mỏng, lần lượt từng lớp áo giữ nhiệt, áo nỉ, áo len và bên ngoài có một chiếc áo phao chống gió, chống thấm. Chân đi trên tuyết cũng cần giữ ấm, nên mặc 2-3 quần mỏng, đi tất dày. Lưu ý, chọn giày đi tuyết, lót bông, đế chống trơn. Ngoài ra, du khách không nên quên khăn, mũ hoặc bịt tai.
Để lưu lại những bức ảnh với tuyết, bạn lưu ý chuẩn bị pin sạc dự phòng cho thiết bị điện tử. Không khí ẩm, lạnh nên dễ khiến các thiết bị tản nhiệt, phát sinh năng lượng dẫn đến sập nguồn. Chị Trang rút ra kinh nghiệm từ năm 2014, khi cả nhóm không có ảnh chụp vì điện thoại không thể sử dụng.
Nhiều ý kiến lên án du khách vô tâm trước hiện tượng tuyết rơi, khi người dân địa phương đang phải chịu lạnh, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên chị Trang cho rằng thay đổi thời tiết là điều không thể tránh khỏi, vì vậy địa phương có thể tận dụng hiện tượng thiên nhiên để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu.