Các video du lịch qua màn hình máy tính cùng lời đánh giá ngắn gọn “xấu – không xấu” của Natasha Gupta thu hút hàng chục triệu lượt xem. – Du lịch
Trong video dài gần 2,5 phút, nữ TikToker Natasha Gupta chia sẻ hình ảnh nước Pháp với khung cảnh hoàng hôn mờ ảo, nhà thờ cổ kính và một công trình kiến trúc tinh xảo. Tại mỗi điểm dừng chân, cô đều nhận xét nơi này “không xấu”. Sau đó, Gupta bắt gặp một nhà nghỉ ven đường, khung cảnh xung quanh khá buồn tẻ. Cô lập tức nhận xét “xấu” và video kết thúc.
Thực tế, nữ TikToker không đặt chân đến Pháp trong video trên. Hình ảnh trong đó cô đều lấy qua Google Earth, chương trình hiển thị hình ảnh 3D của Trái Đất, chủ yếu dựa trên hình ảnh vệ tinh. Các điểm đến trên thế giới được Gupta lựa chọn ngẫu nhiên và đưa ra đánh giá ngắn gọn “xấu” hoặc “không xấu”.
Các video triệu view trên thế giới thường có nội dung chia thành hai loại: đầu tư quay dựng công phu hoặc vô cùng đơn giản. Gupta thuộc nhóm thứ hai.
Video nước Pháp với nội dung, hình ảnh đơn giản của Gupta thu hút 6,5 triệu lượt xem. Chuyến khám phá Philippines ảo tương tự video về nước Pháp thu hút hơn 13,4 triệu lượt. Video đánh giá Nhật Bản “xấu” hay “không xấu” thu về 17,6 triệu lượt. Gupta cho biết các quốc gia trên thế giới đều đẹp theo cách riêng.
Gupta là người Singapore gốc Ấn Độ, chuyển đến Anh khi còn nhỏ và đam mê du lịch. Các video dùng Google Earth ra đời từ mong muốn khám phá thế giới của cô gái trẻ nhưng không đủ tiền bay vòng quanh thế giới. Do đó, cô lựa chọn du lịch miễn phí qua mạng.
Cô lần đầu đăng video khám phá thế giới qua Google Earth vào mùa hè năm ngoái. Du khách, người dân đến từ các quốc gia được đánh giá “xấu” – “không xấu” cũng hào hứng tham gia, bày tỏ quan điểm. Bên cạnh đó, nhiều người đã gợi ý Gupta “ghé thăm” đất nước mình.
Gupta ban đầu bất ngờ khi các video thu hút lượng view lớn. Hiện tại, cô “cảm thấy biết ơn họ vì lượng view cao giúp cô kiếm được tiền”.
Ý tưởng khám phá thế giới thông qua Google Earth hoặc Google Street View cùng đánh giá “xấu”, “không xấu” không mới. Trước Gupta, một số người từng làm video kiểu như thế này nhưng không tạo tiếng vang. Nữ Tiktoker cho biết cái mới trong các video của cô chính là đưa người xem vào vị trí người đánh giá cũng như để họ thấy biểu cảm trên gương mặt Gupta mỗi khi cô bình luận.
Gupta muốn làm các video với nội dung thoải mái, không gò bó, đơn giản chỉ là một cô gái mặc đồ ngủ ngồi trong phòng cùng các loại biểu cảm lúc buồn bã, lúc vui vẻ.
Sự đơn giản của Gupta được cho là thu hút người xem. Trong các video gần đây, cô không mặc đồ ngủ mà chuyển sang áo sơ mi sáng màu. Tuy nhiên, cô vẫn duy trì phong cách đơn giản. Các bình luận dưới mỗi video chứng tỏ phần nào Gupta đã thành công khi mang lại sự thoải mái, dễ chịu cho người xem.
Trong các video, cô cũng không giới thiệu bản thân, nơi đang sống hay công việc ngoài đời thực. Những gì người xem nhìn thấy là một cô gái ngồi trước máy tính xách tay, khám phá thế giới qua Google Earth, bình luận về những gì cô ấy nhìn thấy.
“Tôi cố ý làm vậy”, Gupta nói về việc ẩn danh. Cô muốn nói nhiều hơn về các điểm đến, thay vì bản thân.
Hiện tại, cô đăng 28 video trên TikTok theo chủ đề Google Earth và vẫn tiếp tục sản xuất nội dung. Các video đều theo một môtíp chung: một cô gái ngồi trước máy tính xách tay trong căn phòng nhỏ, click chuột vào một điểm đến và đánh giá.
Nữ TikToker lựa chọn các điểm đến theo sở thích cá nhân và ưu tiên các điểm đến ít nổi tiếng hoặc chưa nhận được nhiều chú ý của du khách trên thế giới. “Những quốc gia này đều đẹp theo cách riêng của chúng nhưng chúng ta lại không đến vì định kiến cá nhân”, cô nói.
Về đánh giá “xấu”, “không xấu”, cô cho biết đưa ra dựa trên “bản năng” và mang tính chủ quan.
“Thời tiết cũng ảnh hưởng đến góc nhìn của tôi về một điểm đến”, Gupta nói.
Anh Minh (Theo CNN)