Đà Bắc khai thác thế mạnh thiên nhiên sinh thái và văn hóa các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch

Bên cạnh đó, địa bàn huyện có khu rừng nguyên sinh Pu Canh, thuộc địa phận xã Đồng Ruộng – Đoàn Kết – Đồng Chum lưu giữ được nhiều thảm thực vật nguyên bản, với nhiều loại lâm sản, gỗ quý, muông thú, nhiều khu vực ở độ cao trên 1.000m so mực nước biển; núi Biều, hang Lỗ Làn, vịnh Hiền Lương khí hậu trong lành hứa hẹn là những điểm đến cho du khách khám phá trải nghiệm.
Nói cách khác, mảnh đất, núi rừng Đà Bắc còn chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể hấp dẫn, sắc thái văn hóa của các dân tộc Tày, Mường, Dao, Thái… tạo thành một bản hợp ca nhiều hương sắc, là cơ hội để cho du khách khám phá, trải nghiệm. Đà Bắc có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch chất lượng, hấp dẫn, thu hút khách trong nước và quốc tế.

Tuy kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn nhưng huyện Đà Bắc được thiên nhiên ban tặng cảnh quan tươi đẹp. Đến nay, trên địa bàn vẫn giữ được nét hoang sơ, khoáng đạt của núi rừng, hòa quyện với vẻ mênh mang của lòng hồ sông Đà. Các xã vùng lòng hồ cũng là địa bàn định cư của các dân tộc Dao, Tày, Mường… Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 89,72% dân số toàn huyện. Các dân tộc có truyền thống, bản sắc và giá trị văn hóa khác nhau nhưng cùng  chung sống đoàn kết, gắn bó, tạo nên hệ giá trị tốt đẹp cho vùng cao Đà Bắc. Điều đáng mừng là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng, thể hiện cả trong các dịp lễ hội và cuộc sống thường ngày.

Chính vì thế, huyện Đà Bắc xác định một hướng đi quan trọng là khai thác các giá trị văn hóa bản địa để phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, trọng tâm là du lịch cộng đồng.

Để phát triển du lịch không làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của bà con dân tộc thiểu số, Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc đã ban hành Kế hoạch 07/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình” giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn huyện Đà Bắc.
Mục tiêu chính của Đề án là năm 2025, Đà Bắc sẽ đón khoảng 200 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 1.000 lượt khách quốc tế, thu ngân sách khoảng 135 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030, huyện đón khoảng 325 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 3.000 lượt khách quốc tế, thu 372 tỷ đồng.

Gần đây, xã Hiền Lương được lựa chọn thực hiện mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Khi thành công, đây sẽ là hạt nhân nòng cốt được lan tỏa giá trị ra toàn huyện, hứa hẹn tạo sức hút đặc biệt cho du lịch Đà Bắc, góp phần đắc lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế – xã hội nơi vùng cao còn nhiều khó khăn.

Trong khuôn khổ thực hiện mô hình thí điểm tại xã Hiền Lương, cùng với các nội dung quan trọng liên quan đến đầu tư hạ tầng, tổ chức không gian, kết nối các điểm du lịch nổi bật trên địa bàn xã với nhau và với các địa bàn xã lân cận…, huyện Đà Bắc định hướng phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số. Trọng tâm là phát triển du lịch cộng đồng bằng cách đầu tư dịch vụ lưu trú  homestay ở các điểm du lịch nhiều tiềm năng như các xóm: Ké, Mơ, Doi… Theo đó, lựa chọn nhà sàn truyền thống của người Mường để đầu tư, cải tạo thành nhà nghỉ lưu trú. Đồng thời, tại đây sẽ giới thiệu tới du khách các phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân bản địa, cung cấp các dịch vụ tham quan, trải nghiệm, khám phá ẩm thực và văn hóa truyền thống… Dần dần tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số và kiến tạo những giá trị đặc trưng cho thương hiệu du lịch Đà Bắc.

Với quyết tâm đẩy mạnh phát triển du lịch, huyện Đà Bắc đã triển khai đồng bộ các giải pháp, như huy động nguồn lực thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng và thực thi các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch; phối hợp thực hiện công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc tại các điểm du lịch cộng đồng; đẩy mạnh quảng bá du lịch địa phương, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp triển khai dự án du lịch… Cùng với đó, huyện chú trọng khai thác các giá trị văn hóa bản địa trở thành nguồn lực phát triển du lịch cộng đồng.

Nhằm khôi phục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, huyện tích cực duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, khôi phục trò chơi dân gian trong các dịp lễ hội; tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các hộ gia đình, bà con dân tộc thiểu số tham gia hoạt động tại các điểm du lịch cộng đồng. Nhờ đó, không ít hộ dân tộc thiểu số đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, tích cực học hỏi kỹ năng, nghiệp vụ để làm du lịch cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện một số điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn tại xóm Sưng (xã Cao Sơn), xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Đá Bia, Mó Hém (xã Tiền Phong)… Mỗi điểm có những giá trị nổi bật và riêng có để thu hút du khách, nhưng tựu chung đều bám sát định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Đây tiếp tục là định hướng quan trọng, giúp kết nối các giá trị bền vững để tạo nguồn lực thúc đẩy du lịch huyện Đà Bắc phát triển xứng tầm, góp phần đắc lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Trung tâm Thông tin du lịch

Bài viết được đề xuất