Đắk Lắk khai thác giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch

Thiên đường ẩm thực với những đặc sản say lòng du khách

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, đặc biệt là món ăn truyền thống. Điều đó tạo nên sự độc đáo, phong phú trong ẩm thực của địa phương, có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Ẩm thực phản chiếu chân thực bản sắc văn hóa của vùng đất, con người địa phương. Những món ăn dân dã, gắn liền với đời sống người dân, nay trở thành những vị “đại sứ” gắn kết du khách với mảnh đất này. Chính sự phong phú đa dạng đó mà nhu cầu thưởng thức ẩm thực, dường như là tiêu chí hàng đầu du khách chọn lựa khi khám phá và trải nghiệm Đắk Lắk. Không chỉ thưởng thức vị ngon, hương vị độc đáo của món ăn, mà câu chuyện về nguyên liệu, cách chế biến, cho đến ý nghĩa của các món ăn cũng mang đến những giá trị tinh thần, nâng cao sự thú vị cho chuyến đi của du khách.

Nằm trong top đặc sản Đắk Lắk đặc trưng phải kể đến món gà nướng, cơm lam – đặc sản dân dã của núi rừng Tây Nguyên. Món được chế biến từ gà thả vườn, nuôi bằng thức ăn tự nhiên. Sau khi sơ chế, gà được tẩm ướp gia vị muối ớt, nước sả, mật ong rừng, sau đó nướng trên than hồng. Thịt gà thơm ngon, da giòn, thấm đẫm gia vị, ăn kèm với muối ớt hoặc muối sả. Bên cạnh gà nướng, để nấu được món cơm lam hoàn hảo, gạo nếp được sử dụng là loại nếp nương có hạt nhỏ, thon dài và dẻo thơm khi chín. Khi nướng, các ống cơm lam được đặt trên bếp than và xoay đều tay để gạo chín đều, không bị cháy. Khi gà nướng bắt đầu tỏa mùi thơm hấp dẫn cũng là lúc những ống cơm lam thơm dẻo cũng chín tới.

Món gà nướng, cơm lam nằm trong top đặc sản Đắk Lắk

Thưởng thức gà nướng, cơm lam, du khách đừng quên nếm thử hương vị rượu cần – thức uống truyền thống được nấu từ gạo nếp nương hay củ sắn trộn với các loại men lá hoặc men bột và ủ trong những chiếc ché (chum, chóe) gốm. Khi uống dùng cần rượu được làm bằng ống trúc hoặc tre nhỏ cắm trực tiếp vào ché để hút rượu (nên gọi là rượu cần).

Với cách chế biến độc đáo của người Ê Đê, món thịt heo hấp, nướng ống tre của tỉnh Đắk Lắk đã lọt vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam năm 2020 – 2021. Món ăn có hương vị thơm ngon, cho thấy ẩm thực Đắk Lắk tiếp tục kế thừa khéo léo những tinh hoa ẩm thực của các cộng đồng dân tộc tại chỗ và biến tấu phù hợp với đời sống hiện đại.

 Món thịt heo hấp, nướng ống tre của tỉnh Đắk Lắk đã lọt vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam năm 2020 – 2021

Nhắc đến đặc sản Đắk Lắk chắc chắn không thể nào thiếu món lẩu cá lăng, đây là một loài cá sinh sống nhiều tại sông Sêrêpôk. Cá lăng có thịt ngon, thân săn chắc và có thể chế biến thành nhiều món nhưng ngon nhất là lẩu cá lăng. Gỏi cà đắng cá cơm, món ăn độc đáo được coi là “hương biển giữa rừng”. Gỏi là biến tấu giữa cà đắng đặc sản vùng núi rừng Tây Nguyên với khô cá cơm của biển và chỉ có lên núi, đặc biệt là đến Buôn Ma Thuột thực khách mới có thể nếm được món ăn lạ miệng mà thú vị này. 

 Món lẩu cá lăng

Trong những năm gần đây, các món ăn được chế biến từ các nguyên liệu sẵn có của người dân tộc tại chỗ như cà đắng, đọt mây, lá bép,… xuất hiện ngày càng nhiều trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn và được thực khách ưa chuộng. Từ các nguyên liệu và cách chế biến kiểu truyền thống, nhiều đầu bếp đã biến tấu món ăn sao cho hợp với khẩu vị của thực khách, tạo nên sự đa dạng phong phú của các món ăn mà vẫn giữ được những nét độc đáo trong ẩm thực của cộng đồng dân tộc tại địa phương.

Được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê Việt Nam bởi diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước, nhiều năm qua, cà phê Đắk Lắk là nông sản chủ lực trong cơ cấu kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đắk Lắk đang xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Nhiều khách du lịch quốc tế đến tham quan nghỉ dưỡng tại Đắk Lắk đã ấn tượng bởi hương vị thơm ngon của cà phê nơi đây. Cà phê Buôn Ma Thuột giờ đây không chỉ là một thức uống để thưởng thức mà nó thực sự đã được nâng lên tầm nghệ thuật.

Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê Việt Nam

Ngoài ẩm thực thưởng thức dùng liền tại chỗ, Đắk Lắk còn có các sản phẩm được chọn làm quà tặng mang đặc trưng ẩm thực riêng của vùng miền như: măng khô, cà phê, mật ong, nấm linh chi, rượu cần…; các sản phẩm nông sản theo mùa như bơ, sầu riêng, vải… Giá cả các sản phẩm cũng ở mức độ vừa phải, không quá cao, do đó rất được lòng các du khách.

Khám phá và trải nghiệm văn hóa ẩm thực là một trong những sở thích của nhiều người khi đi du lịch. Việc xây dựng văn hóa ẩm thực gắn với du lịch được xem là cách làm phù hợp để ngành du lịch Đắk Lắk ngày càng phát triển.

Để tiềm năng biến thành thế mạnh

Ẩm thực không còn chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách mà đã dần trở thành một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch, chi phối mạnh mẽ tới quyết định lựa chọn điểm đến và kích thích khả năng chi tiêu của du khách. Sở hữu nền ẩm thực đa dạng với nhiều nét đặc trưng, Đắk Lắk có tiềm năng khai thác và phát triển văn hóa ẩm thực gắn với du lịch. Để tạo ra hiệu quả, cần tập trung hơn các trải nghiệm ẩm thực có nguồn gốc địa phương thay vì tham quan, ăn uống đơn thuần.

Dựa trên cơ sở đó, cùng với quan điểm phát huy vốn văn hóa truyền thống các dân tộc, nhất là duy trì ẩm thực, những năm qua, Đắk Lắk luôn duy trì tổ chức các lễ hội, ngày hội văn hóa với điểm nhấn là không gian ẩm thực độc đáo, phát huy vai trò của các nghệ nhân ẩm thực tham gia.

Hiện nay, nhiều đơn vị kinh doanh ẩm thực, dịch vụ du lịch đã đưa ẩm thực Đắk Lắk vào nhà hàng, homestay… nhằm mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách. Một số cơ sở kinh doanh ẩm thực truyền thống Tây Nguyên được thực khách quan tâm hiện nay như: Arul House, Khu du lịch sinh thái Ako Ea, Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam… có chất lượng phục vụ tốt, không gian nhà hàng mang đậm phong cách Tây Nguyên. Bên cạnh đó, phong cách phục vụ, thực đơn và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của thực khách.

Theo Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, ẩm thực là một trong những thế mạnh giúp Đắk Lắk đẩy mạnh phát triển du lịch bên cạnh voi, cà phê và rừng. Trong thời gian tới, Đắk Lắk định hướng đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đắk Lắk có các cơ chế chính sách, kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng phục vụ ẩm thực; tăng cường quảng bá ẩm thực địa phương, ẩm thực phục vụ du lịch, đặc sản ẩm thực và dịch vụ ẩm thực trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hoạt động riêng giới thiệu ẩm thực với du khách, tạo cơ hội cho du khách được thưởng thức và trải nghiệm ẩm thực…; tiếp tục phát huy thế mạnh của các món ẩm thực và quà tặng đã được xác lập tại Top 100 kỷ lục Việt Nam, phát triển các sản phẩm OCOP du lịch và làng nghề, ẩm thực, đặc sản địa phương, sản phẩm thủ công mỹ nghệ…

Việc khai thác và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực phục vụ du lịch góp phần quảng bá, giới thiệu, đưa ẩm thực Đắk Lắk đến gần với du khách, ghi dấu trên bản đồ du lịch của Việt Nam, trở thành điểm đến thú vị trong hành trình “food tour” của du khách. Ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk cùng cộng đồng doanh nghiệp đang tập trung xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực địa phương đặc sắc, có chiều sâu để kích cầu du lịch, nhằm góp phần lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt, xây dựng tỉnh Đắk Lắk thành “Điểm đến an toàn, thân thiện, giàu bản sắc”./.

Lê Thị Chung – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đắk Lắk

Bài viết được đề xuất