Đánh bắt “vàng trắng”, chế biến các món giải nhiệt ngày hè

Những ngày này, tại cửa biển Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đang vào mùa đánh bắt sứa. Khi trời còn tối mịt, những con tàu, thuyền đã nối đuôi nhau rời bến. Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt sứa thường chỉ kéo dài trong ngày.
Mùa sứa tại biển Hoằng Trường chỉ kéo dài từ 3 đến 4 tháng trong năm. Vào chính vụ, ngoài sản lượng lớn, sứa thường to và béo múp, có con nặng tới 20 kg. Sứa sau khi đánh bắt sẽ được các đại lý thu mua tận bến. Tại xưởng, những con sứa tươi ngon sẽ được sơ chế cẩn thận thành “vàng trắng”.
 
 
 
 
Ngư dân đánh bắt sứa tại cửa biển Hoằng Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: Nhật Minh.
Đặc biệt, việc sơ chế sứa tươi cũng được phân thành nhiều công đoạn. Sau khi loại bỏ nhớt, phần thân sứa sẽ được cho vào máy cắt thành những miếng nhỏ cỡ đốt tay. Riêng phần chân sứa sẽ được làm thủ công theo đúng quy cách. Sau khi sơ chế xong, sứa sẽ được ngâm muối khoảng 1 tuần cho đến khi nước trong, hết sạch mùi là chín.
Nộm sứa dễ làm, khi ăn giòn sần sật nên món ăn mang hương vị của biển cả này thường được nhiều người dân địa phương lựa chọn trong bữa ăn của gia đình để chống ngán, giải nhiệt ngày hè.
Thưởng thức nộm sứa ngon giòn sần sật
Nộm sứa
Gỏi sứa là món dễ bắt gặp ở hầu hết bữa cơm gia đình sống gần biển trong khoảng thời gian mùa sứa biển về. Gỏi sứa là món ăn ngon không chỉ hấp dẫn bởi vị giòn sần sật của từng miếng sứa hòa quyện với gia vị, tạo nên cảm giác khó quên ngay từ lúc thưởng thức miếng đầu tiên, mà gỏi sứa còn giúp bạn cảm thấy đỡ ngán khi ăn quá nhiều món thịt cá.
Hơn hết trong các cách chế biến thì món gỏi sứa vừa dễ chế biến lại vừa dễ ăn. Bên cạnh cái giòn đặc trưng của sứa, mang đậm hương vị của biển kết hợp thêm vị chua chua của xoài xanh, ngọt của nước trộn khiến nhiều người bị mê hoặc.
 
 
Gỏi sứa (nộm sứa) khi đã thấm đều gia vị ăn sẽ rất ngon, ăn kèm với bánh tráng giòn giòn nữa thì tuyệt hết sức. Đi dọc ven biển Việt Nam từ Nam ra Bắc đều bắt gặp món gỏi sứa, món ăn dễ làm dễ ăn đến vậy, bạn phải nhất định nếm thử đặc sản của biển, để trải nghiệm một hương vị hoàn toàn thuộc về biển
Bún sứa 
Mang hương vị đặc trưng của biển cả, bún sứa được xem là món ăn bổ dưỡng và có tác dụng giải nhiệt cao. Bạn có thể ăn món này vào bất kì thời điểm nào trong ngày tại những quán ăn bình dân ở nhiều thành phố lớn ở miền Trung.
Nguyên liệu làm bún sứa chủ yếu là từ hải sản nên khi chế biến, người ta thường hạn chế dùng gia vị bởi độ mặn, ngọt gần như đã có sẵn. Nước dùng của bún sứa được ninh từ xương cá thu, cá nhồng… nên có vị thanh ngọt mà không hề béo mỡ, rất phù hợp để ăn vào những ngày trời nóng.
 
Bún sứa có vị thanh mát và có tác dụng giải nhiệt rất tốt.
Khi phục vụ thực khách, bún sẽ được trần qua nước sôi rồi xếp vào bát cũng với những miếng sứa trong vắt, dai giòn, một vài miếng chả cá, chả cua, thêm rau thơm, giá đỗ và chan nước dùng nóng hổi. Bát bún sứa bốc hơi nghi ngút, toả hương thơm hấp dẫn vô cùng kích thích vị giác.
Tuy nhiên, điểm nhấn tạo nên hương vị khó quên của bún sứa lại nằm ở mắm ruốc ăn kèm. Đó là thứ mắm được làm thủ công theo công thức gia truyền của từng người bán, có hương vị vô cùng đậm đà, nồng đượm vị biển.
Đi biển miền Trung, bạn đừng quên thưởng thức một tô bút sứa để cảm nhận hương vị ngọt thanh, đậm đà của món ngon miền biển và có thêm trải nghiệm thú vị cho chuyến du lịch của mình.
Lẩu sứa 
Có rất nhiều quán hải sản ở thành phố biển phục vụ lẩu sứa. Tuy nhiên, khác với cách ăn lẩu thông thường, khi ăn lẩu sứa, người ta không nhúng sứa vào nồi nước dùng mà múc nước chan vào bát thịt sứa rồi thưởng thức.
Món ngon từ sứa này có cách chế biến khá cầu kì, từng công đoạn sơ chế sứa đều phải thực hiện rất cẩn thận, tỉ mỉ và sạch sẽ để sứa không bị tanh và sạch hết nhớt. Nước dùng được ninh từ xương heo, thịt ba chỉ và tôm đất để có vị ngọt đậm đà và mùi thơm đặc trưng của hải sản.
 
Món lẩu sứa có hình thức rất bắt mắt với màu sắc tươi sáng từ các món ăn kèm. Ảnh: foody.v
Món lẩu sứa được bày biện rất bắt mắt với đủ màu sắc: màu xanh của các loại rau gia vị như mùi, xà lách…; màu vàng của xoài bào sợi và lạc rang, hành phi giòn rụm; màu trắng của dừa bào sợi và sứa. Lẩu sứa thường chỉ sử dụng phần chân sứa để có độ giòn, ngọt.
Nếu chưa từng ăn lẩu sứa, chắc bạn sẽ hơi hụt hẫng khi thấy nồi lẩu chỉ nhỉnh hơn cái bát tô một chút, thế nhưng lại đủ cho 4-5 người ăn thoải mát. Các nhân viên phục vụ sẽ luôn cẩn thận dặn dò và hướng dẫn bạn cách ăn lẩu sứa, bởi nếu vô ý thả sứa vào nồi lẩu, sứa sẽ nhanh chóng tan thành nước hết.
Nếu có dịp du lịch Đà Nẵng, bạn có thể ghé ăn lẩu sứa tại các quán nhậu thuộc quận Hải Châu và quận Thanh Khê. Hương vị hấp dẫn và độc đáo của món ăn này chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Theo Toquoc
Suu tam Ngo Diep

Bài viết được đề xuất