Nhiều điểm đến hấp dẫn
Tiếp giáp với thành phố du lịch Đồng Hới, huyện Quảng Ninh có nhiều
danh lam thắng cảnh đẹp, phong cảnh núi rừng hùng vĩ với những cánh rừng
nguyên sinh, nhiều sông suối, hang động, thác nước tự nhiên vẫn giữ
được vẻ đẹp nguyên sơ vốn có.
Suối Chà Rào ở Trường Sơn là một trong những điểm đến hấp dẫn của du
khách trong năm 2022. Dù chỉ mới đi vào hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ,
hộ gia đình nhưng điểm du lịch này đã thu hút được nhiều du khách đến
trải nghiệm. Cảnh quan suối Chà Rào được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi.
Tại đây có những khối núi đá vôi kỳ vĩ, hàng cây xanh ngát, từ thác nước
phủ đầy rêu phong cho tới hồ nước trong xanh màu ngọc bích. Nhiệt độ
quanh năm ôn hòa, dịu mát, không khí trong lành.
Suối Chà Rào ở Trường Sơn (Quảng Ninh) là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong năm 2022.
Anh Nguyễn Văn Tráng, ở bản Trung Sơn, xã Trường Sơn cho biết, đến đây không chỉ có du khách trong tỉnh mà còn có bạn bè khắp nơi từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh kết hợp đi du lịch Quảng Bình cũng ghé đến trải nghiệm. Giữa phong cảnh nguyên sơ, không khí trong lành, du khách được tắm suối, chèo thuyền, nghỉ ngơi ăn uống trên những sạp gỗ được dựng hai bên bờ. Và đặc biệt, đồ ăn, thức uống đều là đặc sản địa phương, luôn giữ được sự tươi ngon khiến du khách thích thú khi đến với suối Chà Rào.
Cùng với những vẻ đẹp từ thiên nhiên, con người ở vùng đất này cũng mang những vẻ đẹp riêng đậm đà bản sắc, đặc biệt là cộng đồng người Bru-Vân Kiều.
Trong giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh tập trung xây dựng, hoàn thiện, giới thiệu, quảng bá và tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch mạo hiểm, như: Khám phá sông Long Đại, thác Tam Lu, khe Nước Lạnh, khe Cạc, Chà Rào, phá Hạc Hải, Cồn Soi, Cồn Trăng, di tích Trường Môn, núi Thần Đinh.
Từ năm 2019, Công ty TNHH Thông tin và du lịch Netin đã đầu tư khai thác tour du lịch khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa bà con Bru-Vân Kiều trên địa bàn 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Tour du lịch đã thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là những bạn trẻ thích trải nghiệm. Du khách có thể khám phá hang động, tắm suối, cắm trại và ngủ lều giữa rừng, đi bộ giữa những thung lũng bạt ngàn, giao lưu văn hóa với đồng bào Bru-Vân Kiều và thưởng thức các món ăn của người bản địa-những món ăn mang đậm nét riêng về ẩm thực của đồng bào nơi đây.
Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Thông tin và du lịch Netin chia sẻ: “Thời gian tới, ngoài sản phẩm đang khai thác, công ty sẽ mở rộng hơn các hoạt động ở đây, đặc biệt là hình thành các bãi cắm trại quy mô lớn và phát triển du lịch cộng đồng”.
Nằm ở bản Rào Đá, xã Trường Xuân, khe Nước Lạnh cũng là một trong những điểm nhấn trong hành trình du lịch sinh thái, trải nghiệm của du khách khi đến với Quảng Ninh. Tham quan khe Nước Lạnh, du khách sẽ được đắm mình vào dòng nước mát lạnh, trong vắt được ví như Vịnh Hạ Long thu nhỏ.
Dự án khe Nước Lạnh đang được triển khai với các hạng mục, như: Khu nghỉ dưỡng cao cấp với các khu sinh thái có bể bơi, khu nhà nghỉ trên đồi, khu nhà nghỉ trên cây, nhà hàng, các loại hình trò chơi dưới nước, khu cắm trại qua đêm… hứa hẹn sẽ tạo nên một chuỗi điểm đến thú vị hấp dẫn cho du khách khi tới tham quan du lịch tại Quảng Bình.
Đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư
Nhằm khai thác hiệu quả lợi thế địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã xây dựng chương trình hành động về phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện tập trung xây dựng và định vị thương hiệu du lịch huyện: “Điểm đến hấp dẫn, đặc sắc và thân thiện”, gắn với những hình ảnh độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương. Đến năm 2025, huyện Quảng Ninh trở thành điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế, có khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.
Tour du lịch khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa bà con Bru-Vân Kiều có hoạt động cắm trại và ngủ lều giữa rừng thu hút các bạn trẻ thích trải nghiệm. (Ảnh: NETIN).
Theo Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông, để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, trải nghiệm và khám phá thiên nhiên, thời gian qua, việc mời gọi đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn luôn được địa phương quan tâm thực hiện. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm đến khảo sát các điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm trên địa bàn hai xã Trường Xuân và Trường Sơn.
UBND tỉnh cũng đã đồng ý chủ trương cho phép Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh liên kết với đơn vị đủ điều kiện để khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch: “Khám phá thiên nhiên khe Kiều, hệ thống hang động Sơn Bồi và tìm hiểu văn hóa người Bru-Vân Kiều”; “du lịch khám phá sinh thái dưới tán rừng khu vực Chà Cùng-Chà Rào”…
Để khai mở tiềm năng du lịch, Quảng Ninh tiếp tục đa dạng hóa, hoàn thiện và phát triển mới các sản phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm khám phá tự nhiên tại Thác Tam Lu, khe Cạc, Chà Rào (xã Trường Sơn); hình thành các khu du lịch sinh thái, như: Khu du lịch khám phá sông Long Đại-thác Tam Lu, khe Nước Lạnh, khu du lịch sinh thái hồ Rào Đá, phá Hạc Hải, hồ Troóc Trâu.
Phát triển các sản phẩm du lịch mới: Du lịch thể thao, du lịch ẩm thực, du lịch khám phá, mạo hiểm…; tạo điều kiện để các nhà đầu tư khảo sát và thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên thác Tam Lu”, khu vực Chà Rào, hang Tiên Nữ ở xã Trường Sơn.
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá để tăng trưởng, phát triển bền vững, huyện Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, huyện trở thành điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe với hơn 2 triệu lượt khách du lịch; lượt khách du lịch tăng bình quân khoảng 20%/năm, trong đó khách quốc tế tăng khoảng 10%/năm; ngày lưu trú bình quân 1,5-2 ngày/khách.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông cho biết thêm, huyện sẽ huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư, đồng thời ưu tiên tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch thu hút các dự án đầu tư lớn, các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, kinh nghiệm, thị trường nguồn khách để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng có khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Phát triển du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay, nhu cầu khám phá của du khách về văn hóa vùng miền ngày càng nhiều, đây là hướng đi mang tính bền vững cho việc khai thác sâu tiềm năng, lợi thế của địa phương. Du lịch sinh thái sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống của đơn vị kinh doanh du lịch vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể… mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa, đồng thời, giúp bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa.
Nguồn: Du lịch Quảng Ninh