Bưu điện Trung tâm, công trình kiến trúc độc đáo ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Phát triển sản phẩm
Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh. Góp phần thực hiện thành công mục tiêu này, tại các đô thị có thế mạnh phát triển du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng cần được hoàn thiện đi đôi với phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ có giá trị cao.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Lưu (nguyên cán bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: Mỗi đô thị ở nước ta đều có những đặc thù riêng. Do đó, một trong các giải pháp để phát triển du lịch đô thị là đẩy mạnh phát triển sản phẩm đúng cách và truyền thông về du lịch đô thị có chuyên môn cao, đảm bảo sự phát triển bền vững. Nhu cầu thị trường sẽ quyết định định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đô thị. Trong đó, vẫn có sự tiêu thụ sản phẩm đơn lẻ, nhưng thường là sự tiêu thụ sản phẩm tổng hợp trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch với sự kết hợp của các doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm du lịch đô thị.
Theo bà Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững, với các đô thị có thế mạnh du lịch, để nâng cao năng lực cạnh tranh cần lựa chọn giá trị cốt lõi, tạo dựng bản sắc đặc trưng và thương hiệu riêng cho đô thị. Yếu tố này đóng vai trò đặc biệt quan trọng thu hút thị trường khách du lịch cũng như các nhà đầu tư.
Lấy ví dụ với đô thị du lịch Vũng Tàu, bà Nguyễn Thu Hạnh phân tích, thiên nhiên ưu đãi cho Vũng Tàu nhiều lợi thế như vị trí giao thông thuận tiện, cảng biển, trung tâm dầu khí, khí hậu bốn mùa dễ chịu, bờ biển dài, nhiều bãi tắm đẹp. Quá trình hình thành, phát triển Vũng Tàu đã để lại nhiều dấu ấn đặc trưng và giá trị cốt lõi để hình thành nên bản sắc riêng của đô thị ven biển.
Vì vậy, trong phát triển du lịch, thành phố cần bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả, tạo dấu ấn với du khách về một trung tâm nghỉ dưỡng, tắm biển, chăm sóc sức khỏe cấp Quốc gia, quốc tế với hình ảnh các bãi tắm, khách sạn, trung tâm thương mại, theo phong cách kiến trúc hiện đại. Một đô thị biển thông minh, hiện đại và năng động thông qua hệ thống các khu công nghiệp, công nghệ cao, trung tâm sự kiện, lễ hội, vui chơi giải trí, mua sắm vận hành trên nền tảng của công nghệ số.
Với Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Sở Du lịch Thành phố cho biết, du lịch thành phố tập trung phát triển sản phẩm theo hướng khai thác thế mạnh bản sắc đô thị sôi động, đô thị sông nước. Thành phố đẩy mạnh phát triển các nhóm sản phẩm phù hợp ở khu vực nội thành và ngoại thành như du lịch đường thủy, du lịch tham quan di tích…
Đặc biệt, Thành phố có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch đô thị gắn với kinh tế ban đêm. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có gần 32.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng địa chỉ cố định và hàng vạn các cơ sở quán ăn đường phố, thúc đẩy các lợi thế kinh tế ban đêm cũng như xây dựng các phố ẩm thực đặc trưng, hoạt động văn hóa trải nghiệm.
Tàu bus du lịch chở khách tham quan Thành phố Hồ Chí Minh trên sông Sài Gòn. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Với mục tiêu trở thành một trong những đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tại các sân khấu, trung tâm, khu vui chơi giải trí, tổ chức các city tour về đêm, khám phá Thành phố bằng xe buýt 2 tầng thoáng nóc, trải nghiệm trên tuyến buýt sông Sài Gòn (Saigon Water Bus), tour “Vọng nguyệt” trên dòng kênh Nhiêu Lộc, các chương trình du lịch kết hợp ẩm thực trên các tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn… Cùng với đó, Thành phố tiếp tục phát triển các không gian văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm như phố đêm Bùi Viện (Quận 1), các tuyến phố ăn uống về đêm như Vĩnh Khánh (Quận 4), phố ẩm thực trước kỳ đài Quang Trung – Hồ Thị Kỷ (Quận 10), Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3), Food Street Market (Quận 1), phố ẩm thực, mua sắm trên đường Hậu Giang (Quận 6)…
Gìn giữ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu
Hiện nay, một trong những vấn đề then chốt đặt ra với phát triển du lịch nói chung, du lịch tại các đô thị nói riêng là gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường, tránh vì phát triển kinh tế mà gây “tổn thương” đến môi trường đô thị.
Với quan điểm bảo vệ môi trường là “chìa khóa” phát triển du lịch bền vững tại các đô thị, Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường) và Thạc sỹ Nguyễn Thùy Vân (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch) cho rằng: Bảo vệ môi trường góp phần bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, giảm tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường. Bên cạnh đó, bảo vệ tốt môi trường tại các khu, điểm du lịch cũng hỗ trợ nền kinh tế địa phương, cải thiện sinh kế của những người tham gia vào hoạt động du lịch. Điều này giúp duy trì sức hấp dẫn, chất lượng của các điểm đến du lịch.
Chia sẻ về giải pháp phát triển du lịch gắn bảo vệ môi trường của thành phố ba lần liên tiếp đạt danh hiệu danh Thành phố du lịch sạch ASEAN, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khẳng định: Nếu không làm tốt công tác bảo vệ môi trường với lượng du khách lớn đến du lịch hàng năm sẽ gây áp lực rất lớn đến hạ tầng, môi trường, cảnh quan đô thị. Thành phố biển Vũng Tàu mỗi năm đón khoảng 6 triệu du khách, trong những năm tới con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Thành phố luôn nỗ lực tạo dựng các khu vực có cảnh quan đẹp, cải thiện không gian nội đô… để phát triển hơn nữa chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hút khách du lịch.
Thành phố Vũng Tàu chú trọng đầu tư phát triển các mảng xanh đô thị để giữ vững danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN”. Mảng xanh của thành phố hiện phủ 13,5% diện tích, trong đó bao gồm: Cây xanh trên đường phố, trong công viên, trong khuôn viên các gia đình và hơn 400 ha rừng. Thành phố đang tiếp tục quan tâm việc quản lý, khai thác thắng cảnh thiên nhiên như bãi biển, cây xanh trên các núi Lớn, núi Nhỏ, núi Nứa, rừng, hệ thống sông ngòi phục vụ du lịch. Đồng thời, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển với tầm nhìn chiến lược xa hơn, đó là phát triển bền vững không rác thải khí carbon.
Từ đặc thù của một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Cần Thơ là đô thị ở vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, trải dài dọc bờ Tây sông Hậu. Với lợi thế hệ thống sông ngòi, các vườn cây trái, đặc biệt là nét văn hóa sông nước đặc sắc, thành phố đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sông nước đặc trưng miệt vườn, du lịch xanh, thân thiện môi trường.
Phát triển kinh tế – xã hội nói chung, lĩnh vực du lịch nói riêng gắn với bảo vệ, gìn giữ môi trường, Cần Thơ từng được Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên hợp quốc vùng châu Á – Thái Bình Dương, Ủy ban định cư châu Á, Tổ chức thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm nghiên cứu đô thị thành phố Fukuoka (Nhật Bản) vinh danh “Cảnh quan đô thị châu Á”. Năm 2021, trong khuôn khổ Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về môi trường, Cần Thơ được nhận Giải thưởng thành phố ASEAN bền vững môi trường lần thứ 5.
Tuy nhiên, hiện nay thành phố cũng chịu nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và môi trường, thành phố huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng xanh, thân thiện môi trường, phát huy bản sắc văn hóa đô thị sông nước.
Theo Sở Xây dựng Cần Thơ, thành phố đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kiểm soát và điều tiết chống ngập, cải thiện hệ thống hạ tầng kết nối giữa khu vực trung tâm với các khu đô thị mới. Cần Thơ triển khai Dự án Phát triển thành phố và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị với các công trình quan trọng như cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều, xây dựng kè sông Cần Thơ, các cống ngăn triều và các âu thuyền kết hợp cống ngăn triều, kiểm soát ngập…, góp phần phát triển đô thị theo hướng thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô.
Thanh Trà (TTXVN)
Báo Tin tức – TTXVN – baotintuc.vn – Đăng ngày 02/03/2024