Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và các loại bánh dân gian Nam Bộ nói riêng, dự kiến ngày 28/4/2023, TP. Cần Thơ sẽ khai mạc Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X.
Theo kế hoạch dự kiến, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 28/4 đến 2/5/2023 tại Quảng trường quận Bình Thủy, thuộc đường Đặng Văn Dầy, P. Bình Thủy, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ.
Ảnh: Mộc Linh/Thánh Riviu
Được biết, quy mô lễ hội năm nay sẽ có khoảng từ 250 đến 300 gian hàng trưng bày các loại bánh dân gian, đặc sản, sản phẩm OCOP (one commune one product – mỗi xã một sản phẩm)… từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh đó cũng có nhiều hoạt động, cuộc thi tổ chức trong khuôn khổ lễ hội.
Đến với Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm nay, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng và thưởng thức hơn 100 loại bánh, đặc sản vùng miền thơm ngon. Lễ hội bánh dân gian là một trong những sự kiện văn hóa được tổ chức hàng năm tại thành phố Cần Thơ. Thông qua lễ hội, các món bánh thể hiện sự đa dạng của ẩm thực Nam Bộ cũng như nét văn hóa cổ truyền vẫn được lưu giữ và quảng bá sâu rộng cho du khách trong và ngoài nước.
Ảnh: Mộc Linh/Thánh Riviu
Theo thông lệ hằng năm, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ được tổ chức vào tháng 3 âm lịch. Khoảng thời gian này cũng là dịp chào mừng các ngày lễ lớn khác của nước ta như Giỗ tổ Hùng Vương 10/3, Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Phần nghi lễ được bắt đầu với nghi thức lễ dâng bánh tại Đình thần Tân An và phần hội gồm các cuộc thi làm bánh dân gian và chương trình nghệ thuật.
Các loại bánh dân gian của Nam Bộ được nhiều người ưa thích, đậm chất dân dã, hương vị lại rất tươi ngon, ăn mãi không thấy chán. Chẳng hạn như bánh bò thốt nốt (An Giang), bánh vải nhân dừa, bánh phồng, bánh tét lá cẩm, bánh tằm ngũ sắc, bánh gừng, bánh con sùng ngũ sắc, bánh lọt, bánh ít trần, bánh da lợn,…
Công thức làm các loại bánh dân gian Nam Bộ tại nhà cũng không khó. Tuy nhiên, sẽ cần chút thời gian và khéo léo để làm ra đúng vị của loại bánh mình ưa thích. Cùng xem qua cách làm bánh da lợn một chút, thử vị bánh dân gian Nam Bộ nhé.
Ảnh: npfamilyrecipes
Cách làm bánh da lợn
Nguyên liệu cần thiết
Bánh da lợn kết cấu nhiều tầng mềm, ngọt và hơi dai nên phần chuẩn bị nguyên liệu có một chút cầu kỳ.
Lớp bánh màu xanh lá cây cần: 2 bát bột năng, 1/4 bát bột gạo, nửa bát đường, 1/4 thìa cà phê muối, 1,5 lon nước cốt dừa, một nhúm lá dứa, nửa cốc nước, có thể thêm màu thực phẩm tự nhiên màu xanh lá cây để lớp bánh màu xanh đậm thêm.
Lớp bánh màu vàng cần: 3/4 bát đậu xanh nấu chín với 1/4 thìa cà phê muối, nửa bát đường, 1/4 bát bột gạo, nửa bát tinh bột sắn, nửa lon nước cốt dừa, 1 ống vani.
Cách thực hiện
Cho vào máy xay sinh tố phần đậu xanh đã hấp chín, đường, bột gạo, tinh bột sắn, nước cốt dừa và vani. Xay nhuyễn mịn tất cả. Lọc qua rây và để qua một bên.
Lá dứa rửa sạch, cắt nhỏ. Trộn với nước lọc và xay nhuyễn để lọc lấy màu xanh. Trong một bát khác cho bột năng, bột gạo, muối, nước cốt dừa vào cùng với phần nước cốt lá dứa vừa lọc được. Trộn đều tất cả.
Ảnh: npfamilyrecipes
Dùng xửng hấp để làm chín bánh. Có thể bọc khăn vào nắp nồi để ngăn nước bốc hơi trở lại rơi vào bánh. Phần khay có thể bôi chút dầu dừa vào, hấp khay trong khoảng 3 phút để khay nóng.
Ảnh: npfamilyrecipes
Đổ một lớp bột màu xanh lá cây vào và hấp khoảng 5 phút để mặt bánh se lại. Lớp thứ 2 màu vàng và hấp trong 7 phút. Rồi tiếp tục một lớp màu xanh và hấp trong 10 phút. Lớp vàng tiếp nối hấp trong 13 phút và lớp xanh sau cùng khoảng 18 phút. Nhìn chung, càng nhiều lớp thì thời gian hấp càng tăng.
Ảnh: npfamilyrecipes
Bánh đã chín cần để nguội mới lấy ra khỏi khuôn kẻo dính. Lấy màng bọc thực phẩm bọc vào dao một lớp sau đó cắt bánh thành các miếng vừa ăn theo hình dạng ưa thích.
Chúc bạn thành công với cách làm bánh da lợn này nhé!
Theo Toquoc.vn
Sưu tầm Ngô Diệp