Định hướng quy hoạch không gian bãi giữa sông Hồng

Những dòng sông trong lòng thành phố (TP) luôn là một không gian đặc biệt, là nơi chuyển tiếp, kết nối giữa không gian cũ và mới của đô thị, là nơi thu hút các hoạt động của người dân địa phương cũng như du khách, và là không gian hấp dẫn nhất của đô thị. Trên thế giới, có rất nhiều TP phát triển và nổi tiếng nhờ gắn liền với các dòng sông như: Sông Hoàng Phố, tạo nên điểm nhấn độc đáo cho Thượng Hải; nói đến Thủ đô Seoul là nói đến kỳ tích sông Hàn; Thủ đô Budapest của Hungary phát triển rực rỡ và lãng mạn hai bên bờ sông Danube,… Và Hà Nội, TP hơn nghìn năm tuổi, có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với sông Hồng.  

 Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng – Viện QHXD Hà Nội

Cùng với quá trình bồi đắp phù sa, các bãi bồi ven sông và bãi nổi được hình thành, tạo thành không gian sông Hồng như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng bãi sông hiện vẫn còn nhiều bất cập, khu vực hai bên sông Hồng tập trung rất nhiều công trình xây dựng tự phát, lấn chiếm lòng sông gây cản trở dòng chảy, tạo thành một khu vực lộn xộn không theo quy hoạch, đặc biệt là khu vực bãi giữa sông Hồng, một không gian cách biệt, không có sự kết nối với hai bên bờ sông và với cả TP Hà Nội, hiện chủ yếu là đất trồng rau màu, đất để hoang hóa, thậm chí là nơi cư trú tạm bợ trái phép của một bộ phận dân ngụ cư, thời gian gần đây khu vực này được người dân khai thác vào mục đích vui chơi giải trí một cách tự phát, manh mún.
Những điều này biến sông Hồng trở thành mặt sau của TP, là nơi tập kết rác thải, thoát nước thải, tạo nên sự nhếch nhác, lãng phí về tài nguyên thiên nhiên, không gian cảnh quan sông Hồng.

Nhận thức được tầm quan trọng về không gian lịch sử, văn hóa và cảnh quan của sông Hồng với sự phát triển của Hà Nội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/TTg ngày 26/7/2011 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô. Trong đó cũng đề ra những định hướng cơ bản cho quy hoạch đô thị sông Hồng như: “Đảm bảo hành lang, tuyến thoát lũ, bền vững đê điều được duyệt; xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị; đồng thời, cải tạo khu dân cư hiện hữu, đảm bảo chất lượng sống khu dân cư hai bên sông, di dời các khu nhà ở không an toàn và kém chất lượng và bên ngoài hành lang sông; tạo trục không gian văn hóa, cảnh quan sinh thái Hồ Tây – Cổ Loa; xây dựng các tuyến đường cảnh quan dành cho người đi bộ và xe đạp…”.

 Bãi nổi Nodeulseom trên sông Hàn – Thủ đô Seoul

Nhằm cụ thể hóa những định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, ngày 25/3/2022, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND, với tổng diện tích khoảng 10.996,16 ha, trong đó, diện tích sông Hồng chiếm khoảng 30% (khoảng 3.244 ha), diện tích dành cho không gian xanh khoảng 49,7% (khoảng 5.462 ha); như vậy không gian cây xanh, mặt nước chiếm gần 80% diện tích nghiên cứu, phù hợp với định hướng sông Hồng là khu vực thoát lũ, trục không gian xanh cho khu trung tâm Hà Nội. Đây là bước đi quan trọng để đưa sông Hồng trở thành trục không gian xanh trọng tâm của Thủ đô, biến giấc mơ về một TP hai bên sông xanh, hiện đại và đáng sống sớm trở thành hiện thực.

 Đảo Margaret trên sông Danube – Thủ đô Budapest

Hiện nay, tại Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023) đang được triển khai nghiên cứu với mục tiêu đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là TP Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” cũng xác định lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông – Đây là định hướng vô cùng quan trọng, làm tiền đề để đưa ra các ý tưởng độc đáo, các giải pháp quy hoạch, tổ chức không gian cảnh quan hấp dẫn hai bên bờ sông và khu vực bãi giữa nhằm tạo nên một hình ảnh mới cho Thủ đô trong thời gian tới.

Bãi nổi giữa sông là một không gian vô cùng đặc biệt, nơi có không gian khoáng đạt và tầm nhìn không giới hạn trong đô thị, là điểm nhấn quan trọng của dòng sông, và nếu khai thác hiệu quả, nó sẽ trở thành biểu tượng, là điểm đến của cả TP như đảo Margaret trên sông Danube (địa điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô Budapest với bể bơi, công viên nước, các đường chạy thể thao và hệ thống các câu lạc b); hay bãi nổi Nodeulseom trên sông Hàn ở Thủ đô Seoul là “cột mốc” của thiên nhiên với những không gian quảng trường công cộng, công trình nghệ thuật và những trải nghiệm đặc biệt hấp dẫn, cũng là điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc…

Bãi nổi giữa và ven sông Hồng đoạn qua các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ cũng là một không gian đặc biệt như thế, nằm ở trọng tâm của trục không gian xanh chủ đạo giữa Thủ đô Hà Nội, giữa khu vực nội đô lịch sử với TP mới Bắc sông Hồng, là điểm kết nối của trục không gian văn hóa – cảnh quan – sinh thái Hồ Tây – Cổ Loa, vừa mang tính chuyển tiếp nhưng cũng vừa có tính độc lập về không gian cảnh quan trên nền tảng văn hóa truyền thống. Với diện tích khoảng 300 ha, cao độ nền từ 2.0m – 10.5m, trong đó phần lớn diện tích có cao độ nền từ 6.0m – 9.0m, được bao quanh bởi mặt nước sông Hồng, đây là khu vực có nhiều tiềm năng về đất đai, cảnh quan thiên nhiên, môi trường khí hậu… để tạo lập thành không gian hấp dẫn nhất TP. Theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu vực này được định hướng xây dựng hệ thống công viên cây xanh cảnh quan, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, quảng trường đô thị và các công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô, nhằm phát huy giá trị cảnh quan sông Hồng và đảm bảo không gian thoát lũ theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát triển sông Hồng trở thành không gian phát triển, thể hiện quan điểm ứng xử mới là không gian sinh thái, không gian văn hóa, không gian kinh tế, nơi thể hiện các biểu tượng phát triển của Thủ đô Hà Nội về dịch vụ, khoa học công nghệ, văn hóa, không gian kiến trúc của Hà Nội theo từng thời kỳ phát triển.

Để từng bước hiện thực hóa định hướng nêu trên, trước hết TP cần nghiên cứu lập đề án, quy hoạch chi tiết bãi giữa, bãi nổi sông Hồng thành công viên văn hoá đa chức năng, quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối từ khu vực nội đô và từ TP phía Bắc, xây dựng các quảng trường, đài vọng cảnh để tận dụng không gian khoáng đạt của cảnh quan bầu trời – mặt nước, các công trình dịch vụ tiện ích… phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan, khám phá, vui chơi giải trí của người dân và du khách đến Hà Nội, các công trình phục vụ tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn của Hà Nội và cả nước, kết hợp với quy hoạch công viên sinh thái nhằm bảo tồn các khu vực trồng cây cảnh mang bản sắc của Thủ đô như đào, quất, trồng rau, hoa màu tại những khu vực bán ngập lụt vừa phát triển du lịch nông nghiệp vừa đảm bảo khai thác hiệu quả sử dụng đất theo các thềm địa hình.

 

 Tuy nhiên, những đề xuất về việc xây dựng các công trình dịch vụ tiện ích, các công trình văn hóa nghệ thuật… nêu trên đang gặp phải vướng mắc về quy định sử dụng bãi sông trong Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt – Theo đó, đây là khu vực “được sử dụng cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội nhưng không được xây dựng công trình, nhà ở trừ công trình quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 26 Luật Đê điều, không được tôn cao bãi sông hiện có” (Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023). Vì vậy cần có quy định đặc thù để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lập Quy hoạch chi tiết khu công viên bãi giữa sông Hồng.

Công viên bãi giữa sông Hồng được quy hoạch xây dựng sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong trục không gian xanh chủ đạo của Hà Nội, sớm sánh vai với các con sông nổi tiếng trên thế giới và trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa sức hấp dẫn của TP Hà Nội – TP sáng tạo, TP xanh – sạch – đẹp – đáng sống, TP hội nhập và phát triển, thu hút không chỉ người dân Thủ đô mà còn cả du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội.

Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2023)

(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)

Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc lập đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành Công viên văn hóa đa chức năng”, Cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại Khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng được tổ chức nhằm tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo, khai thác hiệu quả quỹ đất khu vực bãi nổi giữa và bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ thành công viên văn hóa xứng tầm tại khu vực, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời, hướng tới cụ thể hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt và định hướng tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã được UBND TP phê duyệt.

  Nguồn: Tạp chí Kiến Trúc

Bài viết được đề xuất