Du khách ‘nghiện’ đến Triều Tiên

Zoe Stephens mặc hanbok và chụp ảnh trên núi Paektusan, Triều Tiên.

Du khách người Anh Zoe Stephens đến Triều Tiên hơn 30 lần, ghé thăm hầu hết các điểm từ thành thị đến nông thôn, nhưng vẫn luôn muốn quay lại. – Du lịch

Với phần lớn du khách trên thế giới, Triều Tiên luôn là điểm đến bí ẩn. Nhưng điều này không đúng với Zoe Stephens, 30 tuổi, hiện sống ở Đài Loan. Cô đến quốc gia “bí ẩn” hơn 30 lần với tư cách là khách du lịch và sau trở thành hướng dẫn viên dẫn đoàn cho những du khách khác.

“Đi du lịch Triều Tiên không hề khó”, Zoe nói.

Zoe Stephens mặc hanbok và chụp ảnh trên núi Paektusan, Triều Tiên.

Zoe Stephens mặc hanbok và chụp ảnh trên núi Paektusan, Triều Tiên. Ảnh: DM

Lần đầu Zoe đến Triều Tiên là năm 2016 và quay trở lại vào một năm sau. Trong 8 năm, nữ du khách Anh đã đặt chân đến mọi tỉnh thành của đất nước, từ thành thị đến nông thôn. Cô đã đi về phía nam đến khu Phi quân sự (DMZ), đi lên phía tây để tới khu vực ven biển Nampo, về phía đông đến thành phố Wonsan và hướng ra phương bắc để ghé thành phố Chongjin, Samjiyon – nơi có ngọn núi Peaktusan nổi tiếng.

Zoe cho biết không phải chuẩn bị quá nhiều thứ trước khi đến Triều Tiên. Cô chỉ lên mạng và tìm kiếm nội dung: “Du lịch Triều Tiên” rồi sau đó đặt tour. Triều Tiên được biết đến là nơi khó tiếp cận nhưng thực tế, nơi này rất dễ đến.

“Ngay cả xin thị thực cũng đơn giản, chỉ cần điền vào mẫu đơn, trả phí và gửi bản sao hộ chiếu”, nữ du khách thành thạo tiếng Trung, Hàn, Nhật chia sẻ.

Điểm trừ của Triều Tiên là quá khép kín với thế giới bên ngoài. Dù vậy, cô cũng tìm ra cách để khám phá quốc gia này: tốt nhất là cắm trại, đi bộ đường dài. Con người là phần tuyệt vời nhất của Triều Tiên, theo đánh giá của Zoe. Họ nồng nhiệt và chào đón cô bằng thái độ vui vẻ, thân thiện. Người Triều Tiên cũng giống như mọi người dân trên thế giới, thích vui vẻ, uống rượu, kể những câu chuyện hài hước.

Zoe chụp ảnh trên núi Chilbo, tỉnh Hamgyong, Triều Tiên. Ảnh: DM

Zoe chụp ảnh trên núi Chilbo, tỉnh Hamgyong, Triều Tiên. Ảnh: DM

Phần lớn người dân địa phương không nói được tiếng Anh nhưng họ rất nghiêm túc khi làm việc và có trình độ học vấn cũng như hiểu biết “đáng kinh ngạc” về lịch sử, địa lý. Triều Tiên miễn phí cho giáo dục, kể cả đại học.

Cô cũng thấy hài hước khi những du khách khác đến đây luôn cố gắng “dạy” họ về những thứ như Facebook hay Instagram. Trên thực tế, người Triều Tiên đều biết về các mạng xã hội này và không nghĩ chúng tuyệt vời như cách các du khách quốc tế khác vẫn nói. Họ chỉ thắc mắc tại sao mọi người lại cứ muốn cho họ xem.

Các chuyến du lịch của Zoe đến đây đều diễn ra suôn sẻ, không giống như báo chí vẫn viết.

Khi được hỏi về vấn đề an toàn khi đi du lịch Triều Tiên, Zoe nói chưa bao giờ cảm thấy nguy hiểm khi đến đây. Tuy nhiên, cô thừa nhận có sự khác biệt lớn về cuộc sống giữa thành thị và nông thôn. Giống nhiều du khách khác, Zoe cũng bị hạn chế không được ghé thăm một số điểm. Trên thực tế, Triều Tiên có rất nhiều thứ để quan sát như các quán cà phê địa phương, bảo tàng, cảnh quan, các khu chợ.

Chuyến đi gần nhất của Zoe đến Triều Tiên là tháng 1/2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cô là một trong những khách du lịch cuối cùng đến thăm vì Triều Tiên đóng cửa biên giới không lâu sau đó. Khi rời đi, Zoe nói lời tạm biệt đến những người bạn là các cư dân địa phương và hẹn sớm gặp lại họ. Do đó, cô rất háo hức và mong muốn được quay trở lại nơi này.

Trước dịch, cô đến đây mỗi tháng một lần. Vì vậy, việc hẹn gặp lại những người bạn Triều Tiên sau vài tuần là điều rất bình thường. “Nhưng bây giờ đã 5 năm rồi, quá lâu cho câu nói hẹn gặp lại”, Zoe nói thêm.

Anh Minh (Theo DM)


Bài viết được đề xuất