Nguyễn Phượng như lạc vào thế giới cổ tích trước bình minh Bagan, thót tim lúc ngồi thùng xe tải lên chùa và bất ngờ khi thấy đàn ông mặc váy. – Du lịch
Cuối năm 2018, Nguyễn Thị Phượng (ở Bắc Ninh) có chuyến thăm Myanmar trong 4 ngày. Trong đó, cô đến thăm thành phố cổ Bagan, thành phố lớn nhất cả nước Yangon và bang Mon, nơi có ngôi chùa vàng Kyaikhtiyo. Lần đầu đến Myanmar, cô sinh viên khi ấy đã gặp nhiều bất ngờ và có những trải nghiệm khó quên.
Đổi tiền
Đặt chân xuống sân bay Yangon, Phượng đi tìm ngay những quầy đổi tiền ở sảnh, để đổi USD đã chuẩn bị sang Kyat. Các giao dịch viên ở quầy chỉ chấp nhận các đồng có mệnh giá 50 USD, 100 USD và đặc biệt là tiền mới, vì vậy 2 tờ 100 USD cũ của Phượng bị trả lại. Nhưng khi nhận tiền Kyat thì hầu hết đều là tiền cũ và nhàu. Bù lại cô cũng thấy thú vị khi lần đầu được xách theo một “xấp tiền”, vì mỗi 100 USD lại được hơn 20 tờ Kyat các mệnh giá.
Đi chân trần ở các ngôi đền, chùa
Ở Myanmar, khoảng 90% dân số theo đạo Phật. Trong mắt Phượng, người dân nơi đây rất coi trọng tín ngưỡng và thực hiện tín ngưỡng một cách nghiêm khắc. Đối với họ những ngôi đền, chùa đều là chốn tôn nghiêm, do đó người dân hay du khách đều phải tuân thủ các quy định. Một trong đó là bỏ giày dép ở cổng, đi chân trần bất kể không gian ngoài trời và thời tiết.
Ở tất cả các ngôi đền ở Bagan, chùa Vàng, chùa Sule, chùa Kyaikhtiyo… Phượng đều thấy quy định này. Dưới thời tiết nắng nóng, những vùng sân gạch nóng làm cô gặp khó khăn khi đi bộ lúc đầu nhưng cô cho biết đây là một cách để trải nghiệm văn hóa địa phương.
Thế giới cổ tích ở Bagan
Theo những chuyến xe đêm tới Bagan khi trời tờ mờ sáng, Phượng dường như không tin vào khung cảnh đang hiện ra trước mắt với hàng trăm ngôi đền tháp mờ ảo trong sương sớm, ẩn hiện sau những lùm cây và con đường bụi đỏ. “Lúc ấy mình ngỡ như bước vào thế giới cổ tích, Bagan đẹp hơn những gì mình tưởng tượng qua hình ảnh trên những tấm thiệp”, Phượng hồi tưởng.
Bagan là kinh đô cổ của vương quốc Pagan (vương quốc đầu tiên thống nhất các vùng lãnh thổ là Myanmar ngày nay). Trong triều đại 250 năm, các vị vua đã cho xây dựng hơn 10.000 ngôi đền lớn nhỏ ở kinh đô, đến nay con số còn lại là khoảng 2.200. Hàng năm vào tháng 11, ở Bagan diễn ra lễ hội khinh khí cầu bay trên những ngôi đền tháp gạch nung.
Đàn ông mặc váy
Ở Myanmar, Phượng thấy cả đàn ông và phụ nữ mặc trang phục truyền thống là longyi. Đây là một loại váy quấn, phân biệt nam nữ qua vị trí nút thắt là giữa bụng (nam) và ngang hông (nữ). Longyi của nam giới thường có một màu hoặc kẻ ô, còn của nữ thì nhiều họa tiết hơn.
Thoạt nhìn chiếc váy quấn dài đến gần mắt cá chân, Phượng nghĩ rằng sẽ rất bất tiện nhưng sau này mới biết longyi rất thông thoáng, dễ mặc, có thể đi bộ, đạp xe, ngay cả đi tiệc. Vì váy không có túi nên các vật dụng như điện thoại, ví tiền cài ở bên trong.
Kem chống nắng từ bột cây
Ở Việt Nam, thông qua tranh ảnh Phượng đã được nhìn thấy hình ảnh phụ nữ, trẻ em Myanmar có những vệt trắng trên mặt nhưng khi đến đây, cô mới biết chúng có tác dụng chống nắng và làm mát da.
Loại bột này được làm từ thân cây Thanaka, mài trên cối đá dính nước để tạo thành hỗn hợp sệt, sau đó bôi lên da bằng chổi lông. Loại bột này được người dân sáng tạo ra từ khoảng thế kỷ 14, để chống cái nắng gay gắt. Đến nay, chúng vẫn được họ vẽ lên khuôn mặt như một cách trang điểm và thể hiện niềm tự hào về truyền thống. Phượng cho biết cô không mua loại kem này làm quà vì nó chỉ phù hợp với làn da của người bản địa.
Chở khách trên xe tải
Tới thăm chùa vàng Kyaikhtiyo, một trong những ngôi chùa độc đáo nhất ở Myanmar và điểm hành hương quan trọng, Phượng đã có một trải nghiệm khó quên. Vì người dân và du khách đến đây rất đông trong ngày cuối tuần, người cung cấp dịch vụ vận chuyển đã dùng xe tải để chở khách. Đằng sau thùng được lắp thêm 6-7 ghế băng và chứa được khoảng 42 người, không có dây an toàn. Phụ xe không ngồi trong thùng mà đứng bám đằng sau.
Trong khoảng 30 phút, xe đi qua những sườn núi khúc khuỷu và tăng, giảm ga đột ngột, những du khách phía sau không ngừng hét vì sợ. Khi ấy Phượng tưởng tượng những người ngồi bên thành xe có thể bị hất văng bất kỳ lúc nào nhưng họ lại an toàn đến nơi. “Có lẽ đây là một trải nghiệm không dành cho du khách yếu tim”, cô nói.
Các món ăn nhiều dầu mỡ
Trên đường du lịch, Phượng thường tranh thủ thưởng thức ẩm thực ngay gần điểm tham quan, bến xe, đường phố… Ở Myanmar, cô thấy các món ăn được nấu với khá nhiều dầu mỡ, ngay cả món rau, vì thế món khoái khẩu của cô là mỳ ăn liền nấu trứng.
Một trải nghiệm thú vị khác của cô với ẩm thực Myanmar là cách bổ bưởi như cắt cam ở Việt Nam, vì vậy cô được thưởng thức một múi bưởi to như miếng dưa hấu cắt.
Lan Hương
Ảnh: NVCC