Normal
0
false
false
false
EN-US
X-NONE
X-NONE
/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt;
mso-para-margin-top:0in;
mso-para-margin-right:0in;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0in;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:14.0pt;
font-family:”Times New Roman”,”serif”;}
Chúng ta ai cũng có thể biết đến các địa điểm du lịch tâm
linh nổi tiếng cả nước như: Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái
Đính (Ninh Bình), Phủ Dầy (Nam Định), chùa Từ Đàm (Huế), Tam Chúc (Hà Nam)…và rất
nhiều địa danh khác nữa.
Lễ hội Chùa Bà
Điều đáng nói là các
khu di tích, thắng cảnh, tập trung chủ yếu là đền đài, chùa chiền, miếu nghè,
lăng tẩm, khu tưởng niệm, trong đó hơn 3.000 địa danh được xếp hạng di tích quốc
gia.
Đi kèm di tích là các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, như thờ
cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân anh dùng dân tộc, danh nhân, hoặc lễ bái, cầu
xin những điều tốt lành cho con người, cho quốc thái dân an. Chính kho tàng văn
hóa và tín ngưỡng phong phú trên đã tạo nên cốt cách và bản sắc của dân tộc Việt
Nam, và trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách, trong đó chủ yếu là du lịch
tâm linh.
Như thế để thấy rằng du lịch tâm linh ở nước ta có tiềm năng
rất lớn, vấn đề là làm sao để biết khai thác hiệu quả, đúng quy định mà không
làm mất đi bản sắc tốt đẹp vốn có của nó bởi vấn đề tâm linh luôn là một lĩnh vực
rất nhạy cảm và nhiều khi dễ bị lợi dụng vào các mục đích xấu.
Khái niệm du lịch tâm linh đã có từ lâu trên thế giới, nhưng
ở nước ta mới chỉ được nói đến trong khoảng hơn chục năm qua khi mà điều kiện
kinh tế, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần con người được nâng
lên.
Đặc biệt là sau sự kiện Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội
nghị quốc tế về du lịch tâm linh tại Ninh Bình (tháng 11-2013) theo sáng kiến của
Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Taleb Rifai thì du lịch tâm linh ở
nước ta càng nở rộ. Theo đánh giá của UNWTO, du lịch tâm linh là loại hình du lịch
mà Việt Nam là nước có thế mạnh về lĩnh vực này.
Vậy phải hiểu thế nào là du lịch tâm linh? Có thể nói một
cách ngắn gọn du lịch tâm linh là một loại hình du lịch lấy yếu tố tâm linh là
mục tiêu để thỏa mãn nhu cầu từ con người.
Vì thế du lịch tâm linh thường diễn ra các hoạt động khai
thác giá trị văn hóa phi vật thể về tín ngưỡng, tôn giáo để thỏa mãn nhu cầu
tâm linh của con người, mang đến cho du khách những cảm xúc thiêng liêng, sâu
thẳm trong tâm hồn. Du lịch tâm linh là chuyến du lịch khám phá thế giới tâm
linh để trở về với thế giới nội tâm, lắng nghe và tìm về những điều tốt đẹp.
Đi sâu vào cuộc hành trình tâm linh này, người ta có thể rũ bỏ những ưu phiền, khổ đau để có được một
tâm hồn tự do và hạnh phúc, lòng ngập tràn niềm vui sống cùng tình yêu thương
bao la, vô tận…
Về bản chất, tâm linh gắn liền và biểu hiện những cái thiêng
liêng, cao cả, siêu việt trong đời sống tinh thần, đời sống sinh hoạt xã hội của
con người, nhất là những cư dân vùng Á đông nói chung trong đó ở Việt Namvăn
hóa tâm linh đã tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa cộng đồng, dân tộc.
Trong xu thế phát triển chung của ngành du lịch, ở nước ta
những năm gần đây, loại hình du lịch tâm linh với các tour hành hương về đất tổ,
tham quan vùng văn hóa với các di sản, di tích văn hóa độc đáo, thăm viếng các
cơ sở thờ tự, di tích, danh thắng… được tổ chức ngày càng nhiều.
Du lịch tâm linh đáp ứng nhu cầu thư giãn, thưởng ngoạn, tìm
hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của du khách. Các di sản văn hóa vật thể
và phi vật thể trải dài trên khắp đất nước, vừa mang tính thiêng liêng, vừa
mang tính thẩm mỹ, chính là đối tượng tìm hiểu của du khách bốn phương. Họ kết
hợp giữa du lịch và hành hương để đến với những địa điểm vừa có ý nghĩa tôn
giáo và tín ngưỡng, vừa có cảnh đẹp.
Du khách không chỉ tìm hiểu được những thông tin về cội nguồn
lịch sử, cội nguồn văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng bản địa, mà còn được gắn bó,
giao tiếp, ứng xử cùng nhau trong môi trường đậm đặc chất thiêng. Như vậy, du
khách được đáp ứng cả nhu cầu du lịch và nhu cầu tâm linh.
Đây là những môi trường đặc thù cả về vật thể và phi vật thể,
vừa hấp dẫn, vừa tạo niềm tin cho du khách. Họ không chỉ thưởng ngoạn, tham
quan, khám phá hay chiêm bái, cầu nguyện… mà còn tăng cường được sợi dây gắn kết
con người với thiên nhiên cũng như gia tăng niềm tin, nâng cao đời sống tâm hồn.
Với ý nghĩa đó du lịch tâm linh là điều không thể thiếu được
ở một đất nước hơn 90 triệu dân với nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau mang đậm
văn hóa tâm linh như ở Việt Nam ta.
Vậy những cái được mà du lịch tâm linh mang lại là gì? Câu
trả lời là nó mang lại cả giá trị vật chất và tinh thần cho con người. Đó là điều
không thể phủ nhận. Trong những năm gần đây, các điểm di tích lịch sử văn hoá,
đền, chùa nổi tiếng của các vùng miền trên cả nước lại thu hút một lượng lớn du
khách thập phương hành hương về chiêm bái, lễ Phật, cầu bình an cho một năm mới.
Loại hình du lịch văn hoá tâm linh đang ngày càng phát triển,
có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách, đặc biệt, tăng mạnh vào những dịp đầu
năm, các điểm du lịch tâm linh thu hút rất đông khách hành hương.
Bên cạnh những cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nổi tiếng, thì lễ
hội cổ truyền là địa điểm và môi trường đáp ứng tốt nhất cho việc khai mở, phát
triển các tuyến, tour du lịch tâm linh. Hơn nữa, thực tế cho thấy, dù lễ hội
hòa đồng, gắn kết với các di tích, danh thắng, di sản tôn giáo, tín ngưỡng ở cấp
độ hay quy mô nào, cũng là những lễ hội vừa thiêng liêng, nghiêm cẩn, vừa thư
giãn, vui vẻ.
Đó là về mặt tinh thần, còn về lợi ích vật chất thì sao?
Chúng ta đều hiểu rằng khi các khu du lịch tâm linh mở ra thường kéo theo bao
nhiêu thứ dịch vụ khác mang lại những khoản thu nhập không hề nhỏ, thậm chí là
khổng lồ. Đó là tiền bán vé vào tham quan, là dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, phí
trông giữ xe cộ, bán hàng lưu niệm, tiền công đức…Với những khu du lịch có quy
mô lớn được đầu tư và tổ chức một cách bài bản như Bái Đính, Đền Hùng, Tam
Chúc, Hương sơn, Yên Tử…thì số tiền thu được ở đây là rất lớn.
Được biết chỉ trong một mùa lễ hội, số “tiền lẻ” mà khách thập
phương để lại ở chùa Hương đem gửi ở chi nhánh ngân hàng huyện Mỹ Đức đã lên tới
1.200 bao tải, với tổng trị giá khoảng 22 tỷ đồng tiền công đức.
Ở Yên Tử, năm cao nhất thu tới 31 tỷ đồng. Còn ở Bái Đính nếu
như năm 2005, toàn tỉnh đón 1 triệu lượt khách du lịch với doanh thu 60 tỷ đồng,
thì đến năm 2012 địa phương đã đón trên 3,7 triệu lượt khách và doanh thu trên
800 tỷ đồng. Năm 2013, đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó 2/3 là khách
tham gia hành trình du lịch tâm linh, doanh thu dự kiến đạt khoảng gần 1.000 tỷ
đồng.
Một vài con số như thế cho thấy kinh doanh từ du lịch tâm
linh mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Và một sự kiện rất đáng nói đến vừa diễn
ra trong năm 2019 này là chúng ta vừa tổ chức rất thành công Đại lễ Vesak Liên
hợp quốc tại chùa Tam Chúc (Hà Nam).
Với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn
cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc
đã trở thành ngày hội văn hoá chan hoà tinh thần đoàn kết quốc tế, nêu cao
thông điệp hoà bình, đoàn kết và yêu thương trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật.
Đại lễ Vesak năm 2019 được tổ chức trọng thể, trang nghiêm với
sự tham gia của trên 3.000 đại biểu đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng
hàng chục nghìn tăng, ni, phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo khắp
nơi đã thành công viên mãn.
Trong những ngày ấy, những tinh hoa về tư tưởng, trí tuệ và
lòng từ bi theo tinh thần Phật giáo đã kết nối bầu bạn khắp nơi hội tụ về đây
trong tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa những người có chung tâm nguyện cùng
nhau thúc đẩy tinh thần khoan dung, hoà hợp để góp phần xây dựng một thế giới
hoà bình và hạnh phúc. Vì thế có thể coi đây là một cuộc du lịch tâm linh đầy ý
nghĩa, góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh về đất nước Việt Nam tươi
đẹp, con người Việt Nam thân thiện mến khách đến bè bạn quốc tế.
Không dừng ở đó, du lịch tâm linh còn góp phần tạo nhiều
công ăn, việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống của người dân cả về
phương diện vật chất lẫn tinh thần. Kết quả này thể hiện sự đúng đắn chủ trương
của nhiều địa phương hiện nay, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.
Chúng ta thấy rất rõ điều này khi cách đây hơn 10 năm, Bái
Đính là một vùng đất chưa được du khách biết đến, cuộc sống của người dân nơi
đây khó khăn, kham khổ. Thế nhưng, từ khi dự án xây dựng chùa Bái Đính đi vào
hoạt động, đời sống xã hội từng bước được cải thiện, người dân Ninh Bình đã
cùng chính quyền địa phương tích cực hơn trong việc tham gia gìn giữ bảo vệ các
giá trị văn hóa tâm linh, công trình kiến trúc tôn giáo, để vừa phục vụ cho đời
sống tinh thần của cộng đồng và vừa phát triển du lịch.
Với định hướng phát triển du lịch tâm linh theo hướng khai
thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống gắn
với quy hoạch liên kết vùng, du lịch tâm linh trở thành động lực thu hút khách,
thúc đẩy hoạt động dịch vụ du lịch khác, tạo sự đa dạng cho du lịch Việt Nam,
đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.
Nhưng bên cạnh những cái được mà du lịch tâm linh mang lại
thì đâu đó vẫn còn nhiều cái chưa được, thậm chí cả cái mất khiến chúng ta
không khỏi quan tâm, lo lắng.
Trước hết phải nói tới tình trạng thương mại hóa diễn ra ở
nhiều nơi dưới danh nghĩ du lịch tâm linh. Có lẽ những nhà quản lý hay các chủ
đầu tư các khu du lịch tâm linh này nhận thấy đây là hình thức làm kinh tế mới,
tạo ra siêu lợi nhuận dựa trên tín ngưỡng của người dân để rồi đưa ra các mức
thu tiền một cách thoải mái, tùy tiện gọi là vé vào tham quan.
Ví dụ như du khách đến Yên Tử đi từ hướng Uông Bí Quảng Ninh
phải mua vé 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em (được biết hình
thức thu này sẽ kéo dài trong 10 năm).
Thấy đây là nguồn lợi lớn nên ngay lập tức tỉnh hàng xóm Bắc
Giang năm nay cũng khai mở tuần văn hóa du lịch “khám phá vùng đất thiêng Tây
Yên Tử” với lễ cung tiến tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, tượng Pháp Loa và Huyền
Quang hoành tráng không kém và đương nhiên ai đi theo hướng này cũng phải mua
vé vào cửa với mức giá như trên mặc dù quãng đường chỉ bằng 1/4 đi từ hướng
đông. Thế nghĩa là đi hướng nào cũng phải mua vé vào chùa. Vì vậy có người đã gọi
đây là “BOT cổng chùa”.
Cũng từ chuyện đầu tư xây chùa, các khu du lịch tâm linh để
thu tiền nên trong dư luận gần đây nổi lên nghi vấn liệu có hay không việc cán
bộ, công chức góp tiên xây chùa để trục lợi.
Lễ hội người Chăm
Và việc này đã được một số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến chất
vấn tại kỳ họp thứ 7 khóa XIV vừa qua và đích danh Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể
thao và Du lịch cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ phải trả lời trước Quốc hội. Và câu trả
lời của hai vị Bộ trưởng là“hiện chưa phát hiện trường hợp cán bộ, công chức
nào góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh trục lợi”.
Như thế là vấn đề vẫn đang còn bỏ ngỏ vì “chưa phát hiện ra
trường hợp nào”, nhưng rõ ràng dư luận thì vẫn còn nhiều quan ngại về vấn đề
này.
Thương mại hóa còn thể hiện ngay chính nơi diễn ra các hoạt
động tâm linh cụ thể là tại các đình chùa, miếu mạo, di tích, đền đài… người ta
đặt quá nhiều hòm công đức với mục đích để thu thật nhiều tiền, chứ không chỉ
đơn thuần là tiền giọt dầu như trước đây các cụ nhà ta vẫn làm.
Và điều đáng nói nữa là tất cả các khoản thu được ấy (số tiền
này rất lớn) thì những ai được biết và được sử dụng chi tiêu như thế nào thì
không ai rõ. Ngay các nhà quản lý các địa phương là lãnh đạo Sở VHTT&DL
cũng không nắm được mà chỉ tin vào “lòng thành” của các phật tử, các nhà đầu tư
mà thôi.
Đôi khi người ta còn “ngại” nói đến chuyện tiền nong ở chốn
linh thiêng và cho rằng nếu mình không biết thì thần phật sẽ biết …Thế nên
chúng ta chưa thể giám sát, minh bạch hóa các khoản thu chi và chính sách thuế
với các doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư các khu du lịch tâm linh, và việc thất
thoát, trốn tránh nghĩa vụ đóng góp ngân sách cho địa phương là điều dễ xảy ra.
Và đã có chuyện những người xấu, tham lam đã lợi dụng biển
thủ cả tiền công đức ở các khu di tích, đình chùa mà các phương tiện thông tin
đã từng nói tới.
Cũng vì xem việc đầu tư vào du lịch tâm linh là siêu lợi nhuận
nên có thể thấy rằng những năm gần đây có một “làn sóng” làm du lịch tâm linh.
Từ những nguồn thu dễ nhìn thấy là lý do khiến nhiều đối tượng đầu cơ, ồ ạt xây
dựng các dự án du lịch tâm linh để trục lợi, thậm chí dựng lên những công trình
giả để thu lời bất chính. Chúng ta vẫn chưa quên việc lực lượng chức năng tại địa
bàn thắng cảnh chùa Hương đã phải ra quân để giải tỏa hơn 40 chùa giả, động rởm
được dựng lên trái phép trong khu vực cách đây nhiều năm.
Có thời gian người dân ở TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) giật mình khi phát hiện khu vực núi Trường Lệ
xuất hiện một chùa lạ xây dựng trái phép trên mảnh đất của tư gia tự đặt tên là
“Linh Sơn Thượng”.
Hay gần đây là việc xây dựng pho tượng bà Chúa Xứ trên Núi
Sam, tỉnh An Giang, đã gây bức xúc dư luận… Bên cạnh những dự án du lịch tâm
linh có mức đầu tư hàng nghìn tỷ như dự án hồ Núi Cốc có mức đầu tư tới 15.000
tỷ đồng, thì trên thực tế, còn có công trình phục vụ du lịch tâm linh chủ yếu
chỉ gây ấn tượng mạnh ở cái tên huyền bí, yếu tố lạ, tính hoành tráng, độ
choáng ngợp hơn là giá trị tinh thần mang ý nghĩa tâm linh.
Nhiều nơi chỉ vì “con gà tức nhau tiếng gáy” nên làm cái gì
cũng phải nhất, chùa phải to nhất, tượng Phật phải lớn nhất, tháp phải cao nhất
để không bị kém cạnh ai, để có kỷ lục Guinness mà chẳng làm rạng danh gì cho đất
nước trong thời công nghệ 4.0 này.
Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, hậu quả sẽ không chỉ là
nguy cơ phá vỡ cảnh quan vốn hài hòa của di tích, mà còn góp phần tạo nên tình
trạng ngày càng thương mại hóa đời sống tâm linh, xúc phạm niềm tin tín ngưỡng
của cộng đồng.
Trong khi đất nước còn nghèo, thu nhập của người dân còn thấp,
trường học, bệnh viện còn thiếu mà cứ lo xây chùa, nhà thờ cho thật hoành tráng
có nên không? Nếu cứ nhìn cảnh các cháu học sinh ở vùng sâu, vùng xa, khu vực
miền núi phải ngồi học trong những túp lều xiêu vẹo, dột nát trong cái rét căm
căm của mùa đông chúng ta sẽ nghĩ gì.
Cha ông ta đã từng nhắc nhở: “Dù xây chín bậc phù đồ-không bằng
làm phúc cứu cho một người”. Đầu tư quá mức cho việc xây dựng chùa chiền, đúc
chuông, tô tượng, chi phí lớn cho lễ vật, công đức sẽ khiến nguồn lực đầu tư
cho an sinh xã hội bị giảm sút.
Đức Phật từ bi vui sao được khi mà chùa được xây quá hoành
tráng, tốn kém, trong khi bệnh viện lại nhếch nhách, tồi tàn, người bệnh nghèo
vật vã, đau đớn, trường học cho trẻ em xập xệ, đường sá của dân gập ghềnh, hiểm
nguy.
Gắn với các điểm du lịch tâm linh đương nhiên có các hoạt động
mang tính tâm linh. Các hoạt động ấy nếu đúng với tâm thức của người Việt, đảm
bảo thuần phong mỹ tục và đúng các quy định hiện hành thì cần được tôn trọng.
Nhưng trong thực tế nhiều khi nó bị biến tướng, bị lợi dụng
vào các mục đích xấu mang tính mê tín dị đoan, làm vẩn đục không khí vốn trong
lành, thanh tịnh, linh thiêng nơi cửa Phật, đền đài, danh thắng. Từ đây những
hành vi biến tướng được nhân rộng, trở nên phổ biến, tạo cơ hội, điều kiện để một
số tổ chức, cá nhân biến một số cơ sở thờ tự thành địa chỉ “buôn thần, bán
thánh”, lợi dụng lòng tin của người dân để lừa bịp nhằm trục lợi, thu lời.
Theo quy luật có “cầu” thì mới có “cung”
nên không khó để nhận diện hiện tượng trục lợi tâm linh hiện nay còn xuất phát từ
một bộ phận không nhỏ du khách, khi tìm đến các điểm di tích linh thiêng chỉ nhằm
mục đích cầu xin danh lợi, từ đó xuất hiện những biểu hiện mê tín dị đoan, buôn
thần bán thánh.
Ví như đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) vốn ra đời để tưởng nhớ
công đức của một người phụ nữ đã khéo tích trữ lương thực, trông nom kho lương
triều đình nhưng giờ đây, mỗi ngày có không ít người tới đền vay vốn, mong được
thành “con nợ” của Bà Chúa Kho để làm ăn có lộc.
Hay đền Ông Hoàng Bảy (Lào Cai) vốn là nơi thờ thần vệ quốc
– vị anh hùng đã đánh tan giặc phương Bắc, bảo vệ dân làng, song không biết từ
lúc nào đã trở thành nơi để không ít người dâng lễ cầu lộc cho hoạt động lô đề,
buôn bán hàng lậu, làm ăn phi pháp… Nghi lễ khai ấn ở đền Trần (Nam Ðịnh) từ
trước đây có ý để nhà vua nhắc nhở quần thần phải chu toàn bổn phận của mình
trước dân chúng nhưng với nhiều người thì “ấn đền Trần” bị biến thành
lá bùa phù trợ cho đường quan lộ.
Người ta chen chúc, giẫm đạp, tranh cướp nhau để có được một
chiếc ấn tượng trưng, để yên trí rằng mình đã được phù hộ độ trì.Người ta đã từng
chạy chức chạy quyền ở nhiều cửa rồi nay lại còn tiếp tục chạy nơi cửa thánh.
Không gian văn hóa, sự thiêng liêng của lễ hội và không gian thờ tự cũng vì thế
bị biến dạng, méo mó. Những sự việc diễn ra gần đây tại chùa Ba Vàng (Quảng
Ninh) đã gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Nếu nói về lịch sử chùa này trước đây cũng không có gì đặc
biệt, cũng chẳng có “điềm thiêng dấu lạ” gì. Nhưng từ khi được đầu tư xây mới lại
nó trở nên hấp dẫn mọi người có lẽ không chỉ vì quy mô, kiến trúc hoành tráng,
lại tọa lạc ở vị trí đắc địa, du khách đến đây cũng không chỉ để vãn cảnh tham quan vẻ đẹp mà rất nhiều người
còn bị cuốn hút vào một hoạt động “tâm linh” đầy ma lực, đậm chất mê tín dị
đoan, lừa bịp bởi cái gọi là “cúng oan gia trái chủ” để thu tiền những ai nhẹ dạ
cả tin.
Vị sư chùa này đã từng là cán bộ giảng dạy của một trường đại
học danh tiếng ở Hà Nội mà vẫn để cho một người như bà Yến trình độ văn hóa lớp
5, không hiểu gì về Phật pháp thường xuyên đăng đàn thuyết giảng những điều hết
sức xằng bậy, trái với giáo lý nhà Phật. Họ làm như vậy tất cả chỉ vì tiền. Thế
mới biết vì tiền và để kiếm thật nhiều tiền người ta đã bất chấp tất cả, sẵn
sàng biến nơi cửa Phật thành nơi buôn thần bán thánh.
Và mỗi khi lễ hội mở ra là các hoạt động ăn theo trong đó
các trò mê tín, dị đoan lại nở rộ, nơi nào cũng có bói toán, rút thẻ, xem tướng
số… và biết bao tệ nạn khác như cờ bạc, gây gổ, cướp giật, chém giết nhau cũng
vẫn xảy ra.
Những tiêu cực hạn chế nói trên có phần do sự lỏng lẻo trong tổ chức quản lý của các
cơ quan chức năng cũng như chính quyền các cấp. Đôi khi vì quá coi trọng lợi
ích kinh tế mà bỏ qua các khâu giám sát, kiểm tra đôn đốc khiến việc tổ chức
còn tự phát, tùy tiện, lộn xộn.
Trong bối cảnh làng quê vốn chứa đựng không ít những hủ tục
truyền lại từ xưa, việc tổ chức quản lý lễ hội một cách lỏng lẻo, tự phát dễ tạo
điều kiện cho những cái xấu xuất hiện làm mất đi vẻ đẹp thuần khiết của lễ hội.
Một vài hiện tượng lệch chuẩn nêu trên thực ra chưa phản ánh
đầy đủ so với những gì đang diễn ra trong thực tiễn của hoạt động du lịch tâm
linh trên khắp mọi miền đất nước.
Nhưng dù sao đó cũng là những mặt trái của hoạt động này cần
được quan tâm, chấn chỉnh để du lịch tâm linh thực sự vừa thiêng liêng, vừa
lành mạnh, hấp dẫn du khách và mang lại nhiều hiệu quả đích thực, góp phần phát
triển kinh tế xã hội của nước nhà.
Để chấn chỉnh, từng bước khắc phục tình trạng nói trên thiết
nghĩ giải pháp mang tính căn cơ vẫn phải là tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi
nhận thức của công chúng khi tham gia thực hành tín ngưỡng, cũng như tăng cường
tri thức, hiểu biết của người dân địa phương và khách du lịch về văn hóa tâm
linh, cung cách ứng xử khi tham gia các chuyến du lịch tâm linh.
Đối với các khu du lịch tâm linh, các cơ quan chức năng cần
sớm có tổng kết, đánh giá khách quan, khoa học dưới nhiều góc độ nhằm định hướng
kế hoạch đầu tư trong tương lai một cách cẩn trọng, bền vững, không để xảy ra
những hệ quả đáng tiếc.
Công tác quản lý của các cơ quan có thẩm quyền cần chặt chẽ
nhất là trong việc cấp phép đầu tư xây dựng cần bảo đảm tính công khai, minh bạch,
tôn trọng giá trị lịch sử và văn hóa. Mặt khác cũng cần xử lý một cách nghiêm
khắc những sai phạm trong tất cả các khâu từ việc xây dựng các khu du lịch tâm
linh, đến việc tổ chức, điều hànhmọi hoạt động trong lĩnh vực này, đặc biệt
không để xảy ra tình trạng lợi dụng yếu tố tâm linh để trục lợi.
Hãy làm cho du lịch tâm linh thực sự là sự trở về với cội nguồn
dân tộc, để cho mọi du khách luôn tìm thấy sự thư thái, bình yên trong tâm hồn
và từ đó biết trân trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần đẹp
đẽ của con người Việt Nam qua mọi thời đại.
Xin mượn câu nói của Giáo sư Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung
tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam để kết thúc bài viết này: “Làm tốt
du lịch thì chúng ta vừa thu được khách, thu được tiền, đồng thời có điều kiện
để làm văn hóa. Nếu không làm tốt thì chính du lịch tiêu diệt văn hóa”.
Ngọc Hà
Nguồn: Tạp chí Công tác Tôn giáo số 7/2019