Ngôi đền tại Mỹ Sơn được xây dựng bằng những vật liệu rất bền vững, còn tồn tại đến ngày nay. Ảnh minh họa
Nơi đây, nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, thể hiện ở những công trình kiến trúc đền tháp, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài, được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Angkor Wat (Campuchia), Ayutthaya (Thái Lan), Pagan (Myanma), Borobudur (Indonesia).
Sở dĩ, Khu di tích Mỹ Sơn được coi là khu di tích tôn giáo kỳ vĩ nhất, đặc trưng nhất của người Chămpa, vì nó được xây dựng liên tục trong suốt hơn 1.000 năm, từ thế kỷ 4 bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) đến cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14 dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), trải dài trong nhiều thế kỷ nên Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa.
Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các tháp đều có hình chóp, biểu tượng của đỉnh Meru thần thánh, nơi cư ngụ của các vị thần Hindu. Cổng tháp thường quay về phía Đông để nhận ánh sáng mặt trời. Tường bên ngoài tháp thường trang trí hoa văn hình lá cuốn hình chữ S nối liền nhau. Các vật trang trí là tượng điêu khắc bằng sa thạch hình Makara (con thú thần thọai, một loài thủy quái có nanh nhọn và vòi dài ), hình vũ nữ Apsara, sư tử, voi, chim thần Garuda, tượng người cầu nguyện…
Toàn khu thánh địa gồm hai ngọn đồi, đối diện nhau theo hướng Đông – Tây và ngay tại ngã tư của một con suối, các nhánh suối đã trở thành ranh giới tự nhiên chia nơi đây thành bốn khu vực A, B, C, D. Cách chia này hợp với yếu tố phong thủy lại vừa tránh được tình trạng xé lẻ các tổng thể kiến trúc.
Đền tháp ở Mỹ Sơn được chia thành nhiều cụm, xây dựng theo cùng một nguyên tắc. Kết cấu mỗi cụm gồm những ngôi tháp nhỏ hoặc công trình phụ bao quanh ngôi đền thờ chính (Kalan). Ngôi đền chính tượng trưng cho núi Meru – trung tâm vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh. Những đền chính thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva – đấng bảo hộ của các dòng vua Chăm Pa. Các đền phụ thờ các vị thần trông coi hướng trời. Những công trình phụ là những ngôi tháp có mái lợp ngói, là nơi khách hành hương sửa lễ, cất giữ đồ tế lễ.
Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề. Nhưng những gì còn lại vẫn đóng một vài trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới. Theo kiến trúc sư Kazik (Kazimiers – Kwiatkowski) “Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại. Người Chămpa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá; và dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ – thâm nghiêm – hùng vĩ”.
Khi tham quan Mỹ Sơn chúng ta vẫn sẽ tận mắt được thấy những tấm bia đá sa thạch khắc chữ cổ trên dưới 1.000 năm nhưng vẫn còn rất rõ và đẹp… Vẫn thấy được điều cốt lõi, nổi bật của nghệ thuật điêu khắc Chăm là sức sống mãnh liệt của con người với nội tâm lúc bay bổng sảng khoái, lúc trầm tĩnh ưu tư, lúc lại trăn trở day dứt. Những gì còn lại nơi đây vẫn mang vẻ đẹp huyền bí của lối kiến trúc độc đáo riêng biệt của người Champa. Chính điều này đã thu hút du khách trong và ngoài nước tới đây tham quan và khám phá, để rồi ngỡ ngàng thán phục về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và trang trí của người Chămpa cổ xưa. Đặc biệt, kỹ thuật kết dính vật liệu không có mạch hồ trong việc xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn vẫn là một bí ẩn tới nay vẫn chưa có lời giải…
Khu di tích Mỹ Sơn không chỉ mang đậm nét kiến trúc riêng biệt mà nơi đây còn chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc của người Chăm với những vũ điệu Chăm nhẹ nhàng, uyển chuyển. Với những vũ điệu dâng lễ chính là điệu múa thiêng hướng vọng thần linh ở các ngôi đền tháp. Du khách sẽ thấy những nàng vũ nữ Chăm đội trên đầu cây nến, nước, hoa trái, trầu cau để dâng mừng trông thật sống động. Sự uyển chuyển, mượt mà ca ngợi vẻ đẹp, những đường cong tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng cho các người đẹp dễ dàng đi vào lòng du khách khi tới Mỹ Sơn.
Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng thức nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc như nghệ thuật diễn xướng dân gian, điệu múa cắn lửa, vũ điệu dâng lễ, múa đội nước… Đây cũng là điểm đến thu hút nhiều nhiếp ảnh gia và dân phượt yêu thích sự huyền bí, khác biệt tới tìm hiểu và khám phá…
Du khách có thể dừng chân trải nghiệm một vài địa điểm gần đó: như Nhà thờ Trà Kiệu, Đức Mẹ Trà Kiệu, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh – Champa. Hay thưởng thức những món ăn đặc sản như: bánh bột lọc, cơm gà Tam Kỳ, cháo lươn xanh Quảng Nam, bánh tổ, mỳ Quảng.. cùng gia đình, bạn bè.
Nếu đến vào dịp diễn ra lễ hội, du khách sẽ được chứng kiến những chức sắc tôn giáo người Chăm thực hiện nghi lễ cúng cầu an ngay tại tháp theo tập tục được truyền lại. Hoặc thưởng thức các nghi thức truyền thống khác như lễ phục, kiệu rước, rước nước, những màn giao lưu văn nghệ, trình diễn nhạc cụ dân tộc Chăm, những màn múa Chăm uyển chuyển và điêu luyện.
Đặc biệt, vào dịp lễ hội Katê bạn sẽ được chứng kiến điệu múa huyền ảo – điệu múa “linh hồn của đá” đầy mê hoặc khiến bạn như lạc vào nền văn hóa Chăm cổ xưa với hình ảnh các cô gái trong trang phục rực rỡ, lấp lánh, trong tiếng trống Paranưng và tiếng khèn Sarainai mê đắm…
Trung tâm Thông tin du lịch