Được xem là một trong những công trình vĩ đại nhất của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, Vạn Lý Trường Thành có thể nói là một trong những kỳ quan nhân tạo lâu đời nhất và hùng vĩ nhất còn tồn tại đến ngày nay, biểu tượng của nền văn minh Trung Quốc cổ đại. Với lịch sử lâu đời, Vạn Lý Trường Thành gắn liền với rất nhiều điều thú vị. Hãy cùng khám phá ngay sau đây!
Vạn Lý Trường Thành là tên gọi chung cho hệ thống thành lũy kéo dài hàng ngàn cây số từ Đông sang Tây Trung Quốc. Hệ thống này được xây dựng từ đất và đá từ thế kỷ 5 TCN đến thế kỷ 16, trải qua rất nhiều triều đại. Bắt đầu từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, các nước đã tự độc lập xây những đoạn tường thành ở phía Bắc nhằm tránh giặc Hung nô tràn xuống.
Những bờ tường như bất tận. Ảnh: Wikipedia.
Đến khi vua Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, ông đã cho tiếp tục xây dựng nhằm liên kết các tuyến phòng thủ đã tồn tại trước đó. Bởi vai trò quan trọng này mà nó được kéo dài liên tục trong suốt 2000 năm sau đó, cho đến cuối triều đại nhà Minh đã mở rộng ra 15 tỉnh thành của Trung Quốc. Cũng chính vì vậy, phần lớn Vạn Lý Trường Thành lại mang dấu ấn của nhà Minh, với những đặc trưng của thế kỷ 14-17.
Ảnh: @odina_5_aliyeva.
Ngày nay, những phần nổi tiếng nhất của Vạn Lý Trường Thành là Bát Đạt Lĩnh (Badaling), Mộ Điền Dục (Mutianyu), Kim Sơn Lĩnh (Jinshangling), Tư Mã Đài (Simatai), Cửa ải Gia Dục Quan, Cư Dung Quan, Sơn Hải Quan. Trong đó, Mộ Điền Dục là phần tường thành được gợi ý cho du khách đến nhiều nhất còn Kim Sơn Lĩnh và Tư Mã Đài lại thích hợp hơn cho hoạt động đi bộ đường dài.
Vào mùa cao điểm, du khách đến tham quan rất đông.
Một số sự thật thú vị về công trình lịch sử vĩ đại này mà nhiều người chưa biết hoặc thường nhầm lẫn:
Không phải một bức tường thống nhất
Nhiều người cho rằng Vạn Lý Trường Thành là một thành lũy không gián đoạn. Thực chất, đây là một hệ thống thành lũy phức tạp, ngoài những đoạn tường liền nhau, còn có những đoàn tường thành song song, vòng tròn, hoặc có những đoạn được thay thế bằng “thành lũy” tự nhiên.
Tuyết phủ trắng Vạn Lý Trường Thành.
Hệ thống cáp treo lên tham quan cho du khách. Ảnh: @elizavetaboyko747.
Vữa được làm từ gạo nếp
Phần lớn Vạn Lý Trường Thành được tạo ra từ những vật liệu xây dựng thông thường như đất đá. Tuy nhiên, gạo nếp đã được đưa vào công thức làm vữa nhờ sự kết dính ưu việt. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hợp chất amylopectin (hợp chất tạo sự kết dính) có trong gạo nếp giúp tường thành vững chắc, bền bỉ hơn và còn tồn tại cho đến ngày nay.
Mùa đông tuyết phủ Vạn Lý Trường Thành. Ảnh: @odina_5_aliyeva.
Hình phạt xây Vạn Lý Trường Thành cho tù nhân
Lực lượng xây dựng Vạn Lý Trường Thành ước lượng lên đến 800.000 người, gồm có các binh sĩ, nông dân, nhưng chủ yếu nhất chính là phạm nhân. Những tù nhân phạm tội giết người hay trốn thuế đều bị trừng phạt bằng nhiệm vụ xây công trình này. Để phân biệt với người dân lao động, quản sự đã cạo đầu tù nhân và bôi đen mặt họ rồi trói tay chân lại thành một chuỗi.
Ảnh: @elizavetaboyko747.
Đây là công việc cực kỳ nguy hiểm với ước tính đã có khoảng 400.000 người chết trong quá trình xây dựng. Vạn Lý Trường Thành còn được mệnh danh là “Nghĩa trang dài nhất thế giới”. Gà trống được gia đình những người mất đưa đến đây để tôn vinh người chết, với quan niệm linh hồn kẻ phạm tội ăn năn sẽ được giải thoát với một chú gà trống theo sau.
Ảnh: @1lifetravellers.
Không thể nhìn thấy bằng mắt thường từ vũ trụ
Trước đây khi con người chưa thám hiểm không gian, nhiều người đã lầm tưởng Vạn Lý Trường Thành có thể thấy được bằng mắt thường từ không gian bởi sự vĩ đại của nó. Kể từ khi con người với tới không gian vũ trụ thì quan điểm trên bị bác bỏ, bức tường thành này không thể nhìn thấy từ không gian bằng mắt thường hay máy ảnh, giống như so sánh nhìn một sợi tóc từ cách đó 3km vậy.
Tuy hùng vĩ nhưng công trình không thể nhìn thấy từ vũ trụ. Ảnh: @greatwallofchinapictures.
Khả năng phòng thủ không tốt như mong muốn
Mặc dù nỗ lực xây dựng Vạn Lý Trường Thành như một hệ thống phòng thủ quân sự nhưng trong lịch sử ghi nhận có rất nhiều quân địch đã vượt qua được bức tường này. Có thể kể đến cuộc xâm lược Mãn Châu dẫn đến sự sụp đổ của triều đại nhà Minh vào thế kỷ 17 là một ví dụ.
Vạn Lý Trường Thành mỗi một mùa sẽ mang một cảnh sắc tuyệt đẹp khác nhau.
Ngày nay, tuy phần còn lại của Vạn Lý Trường Thành vẫn là một con số ấn tượng (hơn 20.000km) nhưng con số này thực chất đã giảm rất nhiều so với thời kỳ đỉnh cao dưới triều đại nhà Minh. Để bảo tồn công trình, Trung Quốc đã đưa ra quy định cấm lấy gạch từ di tích. Du khách cũng sẽ bị phạt khoảng 5000 tệ (17 triệu đồng) nếu bị bắt quả tang lấy gạch từ di tích.
Theo Ivivu