Du lịch văn hóa, lịch sử

Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư gồm 54 dân
tộc cùng sinh sống trên một mảnh đất với địa hình khác nhau (bờ biển,
đồng bằng, trung du, miền núi) với phong tục, tập quán khác nhau đã tạo
nên một nền văn hóa phong phú, đặc sắc có sức cuốn hút đặc biệt đối với
du khách.

Tìm hiểu thêm về văn hóa lâu đời của Việt Nam

Văn minh lúa nước

Đồng bằng sông Hồng là cái nôi của nền văn
minh lúa nước với lịch sử hàng ngàn năm. Nơi đây chứa đựng rất nhiều
giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam như: khu di tích
trung tâm Hoàng thành Thăng Long, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc,
tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, ca trù, quan họ Bắc Ninh, hát
Xoan Phú Thọ, 82 bia đá ghi các khoa thi tiến sĩ  tại Văn Miếu – Quốc Tử
Giám, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm… Hàng trăm lễ hội diễn ra quanh năm và
một hệ thống di tích đình, đền, chùa gắn liền với không gian vùng Bắc
Bộ, các giá trị lịch sử – văn hóa đặc sắc thể hiện ở các khu di tích
chùa Bái Đính, Hoa Lư, Cổ Loa, Côn Sơn – Kiếp Bạc, đền Trần, Phủ Dày,
phố Hiến, đền Hùng… hay các làng nghề truyền thống như lụa Vạn Phúc, nón
làng Chuông, gỗ Đồng Kỵ, tranh Đông Hồ, gốm Bát Tràng, các làng quê
thuần Việt như làng Việt cổ Đường Lâm (Sơn Tây – Hà Nội), làng Đông
Ngạc, làng Nôm (Hưng Yên)…

 Làng cổ

Việt Nam có nhiều đình, chùa, đền, miếu,
cổng làng, cây đa, bến nước, điếm canh, nhà thờ họ và những ngôi nhà cổ
mang đặc trưng của vùng châu thổ sông Hồng. Đường Lâm được ví là “Bảo
tàng lối sống nông thôn, lối sống nông nghiệp” của Việt Nam. Các điểm
tham quan: đền thờ và lăng Ngô Quyền, đình Mông Phụ thờ Phùng Hưng, nhà
thờ họ Giang, chùa Mía, một số ngôi nhà cổ 200 – 400 năm tuổi…

Làng cổ Phước Tích (Huế) và một số làng cổ
khác ở miền Trung còn giữ khá nguyên vẹn những dấu ấn cổ xưa với những
nhà thờ họ, nhà rường cổ, hàng rào chè tàu uốn lượn theo trục đường
làng, ngõ xóm và lối đi vào từng nhà.

Làng nghề

Hiện còn nhiều làng nghề làm ra các sản
phẩm thủ công như mây tre đan, gốm sứ, sản phẩm từ cói, điêu khắc gỗ,
sơn mài, thêu ren, điêu khắc đá, dệt thủ công, giấy, tranh nghệ thuật,
vàng bạc, tranh dân gian… Các làng nghề truyền thống hầu hết tập trung
ở vùng đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định…
Một số ít rải rác ở các vùng cao, miền Trung và miền Nam.

Một số làng nghề nổi tiếng: làng gốm Bát
Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng mây tre đan Phú Vinh, làng khảm trai
Chuôn Ngọ, làng sơn mài Hạ Thái, làng gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), làng đá mỹ
nghệ Non Nước (Đà Nẵng), làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), làng nghề kẹo
dừa (Bến Tre)…

Chợ quê, chợ phiên

Ở tất cả các bản làng nông thôn Việt Nam
nơi đâu cũng có chợ quê và chợ phiên (họp vào những ngày cố định theo
chu kỳ trong tháng hoặc trong năm theo âm lịch) buôn bán nông sản địa
phương.

Văn hóa tâm linh và lễ hội

Đời sống tín ngưỡng ở Việt Nam phát triển
khá mạnh với hàng nghìn điểm di tích và hàng trăm lễ hội được tổ chức
hàng năm. Lễ hội thu hút hầu như tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, tầng
lớp xã hội và tôn giáo khác nhau. Tập trung vào dịp đầu năm âm lịch, các
lễ hội lần lượt diễn ra trong suốt năm ở khắp mọi miền đất nước. Việt
Nam là nước duy nhất trên thế giới có lễ hội độc đáo thờ cúng tổ tiên
chung của dân tộc Việt, đó là lễ hội đền Hùng.

Nhiều lễ hội cổ truyền lớn nhỏ trải rộng
khắp đất nước suốt cả năm đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín
ngưỡng, tâm linh của người Việt Nam. Lễ hội lưu truyền từ thế hệ này qua
thế hệ khác. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng. Lễ hội
gắn liền với văn hóa làng xã, vùng đất như một thành tố không thể thiếu
vắng trong đời sống cộng đồng.

 Nghệ thuật biểu diễn

Việt Nam có một số loại hình nghệ thuật
biểu diễn đặc sắc như rối nước, hát quan họ, chèo, tuồng, nhã nhạc cung
đình Huế, cải lương, ca trù, hát xoan, hát chầu văn, đờn ca tài tử, dân
ca các vùng… Từ sự thanh tao trong không gian ca trù, đến nét duyên
dáng của người quan họ, tới chất hoang dã đại ngàn trong vũ điệu cồng
chiêng Tây Nguyên và sự ung dung nhàn tản của đờn ca tài tử Nam Bộ.

Thưởng thức ẩm thực Việt Nam

Thế giới bắt đầu biết đến nhiều hơn về ẩm
thực Việt Nam – ẩm thực của sự thanh khiết, nhẹ nhàng và tinh tế. Văn
hóa và phong cách sống của người dân Việt ở ba miền Bắc – Trung – Nam
được thể hiện rõ nét trong văn hóa ẩm thực của từng miền. Điều quan
trọng nhất đối với tất cả du khách là họ có thể dễ dàng thưng thức các
món ăn Việt từ đơn giản, dân dã đến cầu kỳ, cao cấp ở mọi nơi trên đất
nước để cảm nhận văn hóa và phong cách sống của người dân địa phương.

Mỗi vùng quê ở Việt Nam đều có những món
ăn đặc sản độc đáo. Các món ăn của Việt Nam đặc trưng với nhiều rau
xanh, kết hợp với nhiều loại gia vị và có nước chấm riêng.

Ẩm thực ở phía Bắc tinh tế với những món
đặc trưng như: phở, bún chả, bún riêu cua, bún ốc, bún thang, xôi gà,
chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây, bánh cuốn, nem…, đặc biệt món nem (chả
giò) của Việt Nam đã được CNN bình chọn là món ăn đường phố nổi tiếng
nhất châu Á. Ẩm thực miền Trung cầu kỳ với những món ăn cung đình và các
món ăn thường được nhắc đến như các món chè, bánh Huế, bún bò Huế, mỳ
Quảng, bánh tráng cuốn thịt Đà Nẵng, bánh canh… Ẩm thực Nam Bộ với các
món ăn dân dã như lẩu, đồ nướng hải sản, hủ tiếu, bánh xèo, gỏi cuốn… và
vô vàn các loại trái cây nhiệt đới thơm ngon.

Đặc biệt, đất nước Việt Nam có ưu thế bờ
biển trải dài nên các món ăn từ biển phong phú và hấp dẫn hơn bất cứ nơi
nào khác. Từng vùng từng miền có những cách chế biến khác nhau nhưng
những món ăn chế biến từ nguồn hải sản như tôm hùm, bào ngư, cua bể,
mực, các loại tôm, cá tươi ngon cũng là một sản phẩm du lịch đáng tự hào
của các khu du lịch, khách sạn ven biển.

Bảo Ngọc

Tạp chí Du lịch

Bài viết được đề xuất