Du lịch về nguồn tại Việt Nam – thực trạng và giải pháp

Du lịch về nguồn là một hành trình văn hóa hết sức thiết thực đối với mỗi người, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đến những di tích lịch sử cách mạng, văn hóa không chỉ đơn giản tham quan hay vui chơi mà còn là cơ hội để mỗi người lắng lòng lại, nghĩ về thế hệ cha ông đã hy sinh, cống hiến cả đời mình cho đất nước.

Du lịch về nguồn mang một ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ tương lai. Hiểu thực trạng du lịch về nguồn ở Việt Nam để có những giải pháp thỏa đáng là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ngày nay, du lịch được nhiều quốc gia trên thế giới xem là một ngành
kinh tế mũi nhọn, trong đó có Việt Nam. Hai yếu tố quan trọng hình thành
nên một loại hình du lịch, đó là: yếu tố về  “cung trong du lịch” (về
tài nguyên du lịch hay còn gọi là điểm đến du lịch, về chính sách của
Chính phủ, về việc phát triển du lịch, yếu tố thị trường du lịch, yếu tố
khai thác du lịch từ các doanh nghiệp…); yếu tố “cầu trong du lịch”
(yếu tố du khách). Có nhiều loại hình du lịch đã và đang được khai thác,
như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thám hiểm, du lịch sinh thái, du lịch
về nguồn (DLVN)… Trong đó, DLVN là một hành trình văn hóa hết sức thiết
thực đối với mỗi người, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đến những di tích
lịch sử cách mạng, văn hóa không chỉ đơn giản tham quan hay vui chơi,
mà còn là cơ hội để mỗi người lắng lòng lại, nghĩ về thế hệ cha ông đã
hy sinh, cống hiến cả đời mình cho đất nước. Có thể nói, DLVN mang một ý
nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ tương lai.

Đặc điểm, vai trò và ý nghĩa của du lịch về nguồn

DLVN phù hợp với tất cả các đối tượng vì nó mang nhiều giá trị và mục
đích khác nhau. Đối tượng của DLVN rất đa dạng, phong phú: lãnh đạo cấp
cao của Đảng và Nhà nước, các tổ chức của Đảng, đoàn viên Đoàn thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh; cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan và
ban, ngành; Hội Cựu chiến binh và những người cao tuổi đã về hưu; công
nhân viên thuộc các công ty, xí nghiệp tư nhân và cổ phần; thành phần
nằm trong hệ thống giáo dục, bao gồm giảng viên của các trường từ trung
cấp đến đại học, các giáo viên từ bậc mầm non đến trung học phổ thông
cũng như các em học sinh và sinh viên. Đồng thời, còn có sự tham gia
đông đảo của người dân Việt Nam trên khắp cả nước.

Tài nguyên của DLVN được hình thành từ các cuộc kháng chiến: chống
thực dân Pháp (1858 – 1954); Đế quốc Mỹ (1954 – 1975); các cuộc chiến
tranh biên giới Tây Nam và Tây Bắc (1978 – 1979); xung đột Việt – Trung
(1979 – 1991)… của dân tộc Việt Nam. Các di tích lịch sử cách mạng và
kháng chiến được phân bố trên khắp đất nước Việt Nam. Tính đến năm 2020,
Việt Nam có hơn 41.000 di tích, danh lam, thắng cảnh, trong đó có hơn
4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được
xếp hạng cấp tỉnh. Mật độ và số lượng di tích nhiều nhất ở 10 tỉnh vùng
đồng bằng sông Hồng (chiếm 56% số di tích quốc gia và 46% tổng số di
tích). Trong số di tích quốc gia, có 112 di tích quốc gia đặc biệt và
trong đó có 8 di sản thế giới1.

DLVN ra đời để phục vụ nhu cầu thực tế của du khách nên tùy vào mỗi
đối tượng có những mục đích khác nhau. Đối với du khách là cựu chiến
binh, họ tham gia “tour” là để tìm lại những ký ức chiến tranh một thời
mà họ đã đi qua, tiêu biểu nhất là thăm lại chiến trường xưa, nơi họ
từng tham gia chiến đấu; tưởng nhớ một thời khói lửa; tưởng nhớ các đồng
đội đã hy sinh… Bên cạnh đó, còn là dịp để các cựu chiến binh nhìn ngắm
quê hương, đất nước đổi mới sau bao nhiêu năm hòa bình và được tham
quan, trải nghiệm tại các danh lam, thắng cảnh khác của Việt Nam.

Tại các điểm di tích có nhiều hoạt động được diễn ra và đó cũng là
mục đích mà du khách tìm đến. Đối với du khách là học sinh, sinh viên,
công nhân viên chức cho tới du khách là người dân, họ cũng tìm đến chiến
trường xưa, mục đích chính là để trải nghiệm và tìm hiểu thực tế về
những cuộc chiến mà họ chỉ được nghe, được xem qua báo chí, sách, truyền
hình. Họ cũng tìm đến các tượng đài, nghĩa trang để thắp hương, dâng
hoa và làm lễ tạ ơn đối với những anh hùng đã hy sinh cho cuộc sống hòa
bình của dân tộc. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn cao cả của
người dân Việt Nam với ý niệm “uống nước nhớ nguồn” và “ăn quả nhớ kẻ
trồng cây”. Tại các điểm di tích là đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ
hay lăng mộ các nhà yêu nước, anh hùng dân tộc… thường diễn ra các hoạt
động kết nạp Đảng và kết nạp Đoàn cho những thanh niên ưu tú. Các hoạt
động với mục đích báo công về những thành tích đã đạt được của cá nhân,
tập thể trong những năm tháng không ngừng học tập và lao động nhằm khích
lệ đối với cá nhân hoặc tập thể để họ phấn đấu tốt hơn  trong tương
lai.

Đáng nói hơn, nếu như trước đây, “tour” DLVN chủ yếu dành cho các cựu
chiến binh, gia đình cách mạng, thân nhân liệt sỹ… thì những năm gần
đây, loại hình du lịch này bước đầu thu hút cả giới trẻ. Chuyến DLVN sẽ
cung cấp cho du khách một lượng kiến thức sống động về lịch sử, con
người, những địa danh và giúp du khách thấu hiểu, thấm thía hơn giá trị
của hòa bình, tự do. Đến với những di tích lịch sử cách mạng, du khách
không chỉ đơn thuần là tham quan, tìm hiểu mà còn là cơ hội để thành tâm
tưởng nhớ về thế hệ cha ông đã hy sinh, cống hiến cho đất nước. DLVN
cũng là dịp tốt để tìm hiểu lịch sử cũng như khơi dậy lòng yêu nước,
niềm tự hào dân tộc, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. DLVN,
vì thế còn là một hành trình văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhắc
nhở đến những địa danh, những con người và những dấu ấn đã từng làm nên
lịch sử hào hùng của dân tộc. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc
giáo dục các giá trị truyền thống cho thế hệ tương lai.

Tình hình hoạt động thực tế một số điểm du lịch về nguồn tại Việt Nam

Dựa trên cơ sở chính sách và định hướng phát triển du lịch chung của
cả nước, từng tỉnh cũng có kế hoạch và định hướng phát triển du lịch tại
các điểm DLVN của địa phương. Thực tế cho thấy, những tỉnh, thành phố
sở hữu các di tích lịch sử cách mạng đã và đang đón tiếp du khách với số
lượng tăng dần theo từng năm.

Khu vực miền Bắc với trung tâm du lịch là Thủ đô Hà Nội, nơi đây sở
hữu những di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng và là điểm kết nối với
toàn vùng nên tạo ra một sự liên kết chặt chẽ cho loại hình du lịch này.
Từ đó, thúc đẩy DLVN phát triển một cách vượt bậc trong nhiều năm qua.
Cụ thể: tham quan khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một địa chỉ thu
hút nhiều du khách. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, đến
thời điểm tháng 8/2019 đã đón tiếp 59.377.171 lượt người, trong đó có
gần 11 triệu lượt khách quốc tế của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ
và tổ chức quốc tế. Tại khu di tích Phủ Chủ tịch đã có hơn 80 triệu lượt
người đến tham quan Khu di tích, trong đó có khách nước ngoài đến từ
hơn 170 quốc gia. Mỗi năm, Khu di tích đón hơn hai triệu lượt khách.
Trung bình mỗi năm có hơn 3.000 đoàn với hơn 100.000 lượt người được
nghe thuyết minh, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ2.
Ngoài ra, tại tỉnh Cao Bằng, lượng khách đến tham quan di tích Pắc Pó
đã tăng lên theo hằng năm (năm 2019, lượng khách du lịch đến Cao Bằng
tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2018 với 736.018 lượt khách)3.
Tỉnh Thái Nguyên với khu di tích ATK Định Hóa; tỉnh Tuyên Quang với khu
di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào; tỉnh Điện Biên với những điểm di
tích thuộc quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ…

Khu vực miền Trung với các địa điểm DLVN thu hút lượng khách tham
quan, như: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (huyện Nam
Đàn, tỉnh Nghệ An); di tích Ngã Ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh); khu mộ Đại
tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình); khu tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng
(tỉnh Quảng Nam). Tỉnh Quảng Trị được mệnh danh là “Bảo tàng” sinh động
nhất về di tích chiến tranh và là địa phương duy nhất tại Việt Nam phát
triển mô hình du lịch DMZ (Demilitarized Zone – du lịch vùng phi quân
sự) với: sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, hàng rào điện tử
McNamara, địa đạo Vịnh Mốc, sân bay Tà Cơn, nhà tù Lao Bảo, Dốc Miếu,
đường mòn Hồ Chí Minh, đảo Cồn Cỏ… đã và đang trở thành “thương hiệu” du
lịch của Quảng Trị. Mô hình du lịch độc đáo này ngày càng thu hút một
lượng lớn du khách tới tham quan, khám phá, bao gồm cả du khách trong
nước và quốc tế. Các tỉnh miền Trung khác cũng có những điểm di tích thu
hút hàng vạn du khách đến viếng thăm.

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: baotanghochiminh.vn

Khu vực phía Nam, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình
Phước, Bình Dương và Đồng bằng sông Cửu Long… sở hữu nhiều di tích lịch
sử cách mạng kháng chiến thu hút khách du lịch đến viếng thăm trong
những năm vừa qua. Tại TP. Hồ Chí Minh có những di tích nổi tiếng, như:
Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, 18 Thôn Vườn Trầu, Khu Rừng Sát
Cần Giờ, Bến Nhà Rồng và đặc biệt là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Lượng khách tham gia DLVN tăng lên theo từng năm: tại TP. Hồ Chí Minh,
trong 9 tháng đầu năm 2019, các di tích ở Trung ương Cục đã đón 43.000
lượt khách đến tham quan và tăng 6% so với năm trước4; tại Bà
Rịa – Vũng Tàu, năm 2019 Côn Đảo đã đón 393.770 lượt khách du lịch,
tăng 31% kế hoạch, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 1.555 tỷ đồng5.

Khu vực Tây Nguyên có 2 di tích được du khách đến thăm viếng nhiều
nhất đó là di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột tại thành phố Buôn Ma Thuột của
tỉnh Đắk Lắk và khu di tích chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh của tỉnh Kon
Tum.

Điểm mạnh của DLVN là sự phong phú và đa dạng của điểm đến. Ngoài số
lượng di tích lớn, các di tích được phân bố rộng khắp Việt Nam, đây là
lợi thế cũng như tiềm năng phát triển du lịch nói chung và DLVN nói
riêng. DLVN với nhiều chủ đề, như: thăm lại chiến trường xưa, tham quan,
học tập, trải nghiệm không gian lịch sử kháng chiến… ngoài ra, các sự
kiện lớn cũng được tổ chức tại các di tích vào những ngày lễ, ngày kỷ
niệm, ngày chiến thắng là hoạt động nổi bật tạo sự hấp dẫn với Nhân dân
và du khách trên cả nước. Tính liên kết giữa các điểm DLVN và các danh
thắng khác tạo thành một “tour”, tuyến du lịch hoàn thiện và tăng thêm
thú vị cho du khách trong chuyến tham quan của mình. Bên cạnh đó, DLVN
đang đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách: không chỉ dừng lại ở
nhu cầu cơ bản như đi lại, ăn uống hay nghỉ ngơi mà du khách còn mong
muốn thỏa mãn về mặt tâm lý và xã hội. DLVN là hình thức du lịch vừa có ý
nghĩa vui chơi giải trí vừa có ý nghĩa học tập, giáo dục và nâng cao ý
thức hệ của toàn dân và đây là loại hình giúp du khách thỏa mãn nhu cầu
du lịch của mình.

Tuy vậy, DLVN cũng còn những hạn chế cần sớm được khắc phục, như:
chưa đồng bộ trong việc trùng tu và tôn tạo di tích; nguồn nhân lực chưa
đáp ứng với yêu cầu hiện tại (đội ngũ nhân viên mỏng, chưa chuyên
nghiệp; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di tích và phục vụ du lịch
còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong phục vụ du lịch); cơ sở
hạ tầng còn nhiều hạn chế; thiếu sự gắn kết giữa các cấp, địa phương và
cư dân sở tại dẫn đến việc du lịch phát triển không kiểm soát, có thể
ảnh hưởng đến đời sống và văn hóa xã hội của địa phương; khả năng của
doanh nghiệp lữ hành trong tổ chức “tour” DLVN còn nhiều vấn đề cần phải
xem xét. Bên cạnh đó, việc truyền thông còn cục bộ; chưa có chương
trình truyền thông tổng thể DLVN của cả nước…

Những nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc đánh giá chưa đúng tiềm
năng và giá trị của di tích mang lại trong du lịch của từng địa phương.
Trình độ khai thác và phục vụ trong du lịch tại những địa phương có di
tích chưa đáp ứng nhu cầu của du lịch. Nguồn tài chính dành cho tôn tạo,
trùng tu và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Khả năng liên kết giữa
các điểm du lịch, các vùng miền và gắn kết du lịch ở địa phương với các
doanh nghiệp du lịch chưa cao. Ngoài ra, di tích chưa thu hút đông đảo
khách du lịch là do thiếu các hoạt động du lịch hoặc dịch vụ bổ sung
khác để tăng sự thích thú của du khách khi tham quan di tích.

Đề xuất giải pháp phát triển du lịch về nguồn tại Việt Nam

DLVN là một hành trình văn hóa hết sức thiết thực đối với mỗi người,
mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Để DLVN phát triển bền vững, đáp ứng yêu
cầu trong chiến lược phát triển ngành Du lịch Việt Nam đúng định hướng
của Đảng và Nhà nước cùng với nhu cầu của du khách và Nhân dân trong và
ngoài nước, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, đồng bộ hóa trong trùng tu và tôn tạo. Việc làm này
là cần thiết để du khách cảm thấy sự cân bằng giữa các di tích và không
có cảm giác thiếu sự quan tâm của chính quyền với các di tích. Việc đồng
bộ hóa trong việc trùng tu và tôn tạo sẽ góp phần phát triển DLVN nói
riêng và phát huy các giá trị tốt đẹp từ di tích nói chung. Ngoài ra,
đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên
ngành Du lịch để khai thác một cách tối ưu các điểm di tích.

Hai là, tăng sự liên kết giữa các cấp, các ngành và doanh
nghiệp du lịch mang tính bền vững cho sự phát triển DLVN. Với việc liên
kết chặt chẽ giữa các bên có liên quan sẽ giúp thương hiệu của di tích
được nhận dạng tốt hơn và đặc biệt là DLVN sẽ phát triển đúng hướng.
Việc liên kết giữa các di tích và doanh nghiệp lữ hành sẽ bảo đảm được
nguồn khách ổn định, tăng doanh thu và giảm được các hạn chế trong công
tác phục vụ du khách.

Ba là, xây dựng nội dung theo chủ đề, phong phú và đa dạng
nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, sinh hoạt văn hóa của du khách
nói riêng và Nhân dân nói chung, để di tích đúng nghĩa là trường học,
là nơi giáo dục và là nơi phổ biến tri thức khoa học. Bên cạnh đó, việc
quảng bá và xúc tiến phát triển DLVN phải đồng bộ, có chương trình cụ
thể và mang tầm quốc gia. Khai thác lợi thế của nền tảng truyền thông du
lịch có sẵn để quảng bá DLVN và ứng dụng với sự phổ biến của phương
tiện truyền thông hiện nay. Hoạt động xúc tiến, quảng bá DLVN phải bắt
kịp với xu hướng để thu hút được sự chú ý của du khách trong và ngoài
nước.

Bốn là, đào tạo và xây dựng đội ngũ nhân viên làm du lịch
tại các điểm DLVN có trình độ, năng lực và chuyên môn vững vàng để tạo
nên giá trị cao hơn của di tích, từ đó, nâng cao tinh thần dân tộc và
lòng yêu nước của Nhân dân. Đội ngũ này chính là lực lượng nòng cốt,
đóng vai trò quyết định trong việc phát triển du lịch, trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn.

Năm là, giáo dục ý thức giữ gìn và bảo vệ di tích của cư dân
sở tại. Giúp cư dân sở tại nhìn thấy được lợi ích từ du lịch mang lại
và khuyến khích họ tham gia phục vụ du lịch để tăng thu nhập. Hỗ trợ vốn
và kiến thức để người dân mở các hoạt động kinh doanh, các dịch vụ bổ
sung, như: bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương và các dịch vụ khác có
liên quan, tạo công ăn việc làm cho cư dân sở tại.

Chủ trương và chính sách của Nhà nước là giữ gìn, tôn tạo và phát huy
giá trị của các di tích để khai thác phục vụ cho mục đích chính trị, xã
hội và kinh tế. DLVN vừa là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn lớn lao,
vừa để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, để phát huy giá trị đích
thực của DLVN cần sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện đồng
bộ nhiều giải pháp để DLVN phát triển bền vững và đúng hướng.

Chú thích:
1. Di tích Việt Nam. Bách khoa toàn thư mở. https://vi.wikipedia.org, ngày 19/10/2021.
2. Nơi tụ hội, lan tỏa tư tưởng, tâm hồn, cốt cách Hồ Chí Minh. https://nhandan.vn, ngày 08/9/2019.
3. Cao Bằng: Tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch đạt 34%. https://vietnamtourism.gov.vn, ngày 05/7/2019.
4. Du lịch về nguồn cuối dãy Trường Sơn. https://www.sggp.org.vn, ngày 29/01/2020.
5. Năm 2019, gần 400 ngàn lượt khách du lịch đến Côn Đảo. https://vietnamtourism.gov.vn, ngày 16/12/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Phát triển du lịch về nguồn. http://joumal.hcmue.edu.vn, ngày 28/8/2021.
2. Lê Quốc Khánh. Nghiên cứu phát triển du lịch thăm chiến trường xưa tại Quảng Trị. Luận văn thạc sỹ Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 2012.
3. Phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến. https://hanoimoi.com.vn, ngày 30/6/2019.
4. Di tích cách mạng – Bằng chứng của sự thay đổi. dsvh.gov.vn, ngày 20/8/2021.
5. Đề tài nghiên cứu hoạt động du lịch về nguồn tại Việt Nam từ năm 2003 – 2018 của nhóm tác giả Mã số CS-35-18/2018.

ThS. Nguyễn Thành Nam
Đại học Hoa Sen

Bài viết được đề xuất