Việt Nam đã vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023 nhưng các chuyên gia cho rằng “rất khó để nói du lịch năm nay thành công rực rỡ”. – Du lịch
Tổng số khách du lịch quốc tế năm nay ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt xa con số đặt ra hồi đầu năm là 8 triệu lượt và đạt mục tiêu điều chỉnh vào tháng 10 là 12,5-13 triệu lượt. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch đầu năm. Tổng thu du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch và bằng 93% so với năm 2019, theo dữ liệu Cục Du lịch Quốc gia công bố hôm 21/12.
Theo Phó Cục trưởng Du lịch Phạm Văn Thủy, hình ảnh du lịch Việt được nâng cao, định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới trong năm nay. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tại lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới 2023, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu”. Nhiều thành phố, doanh nghiệp Việt nhận giải thưởng ở nhiều hạng mục danh giá khác.
Việt Nam hoàn thành mục tiêu đặt ra và đạt nhiều giải thưởng quốc tế nhưng theo nhiều chuyên gia “rất khó để nói du lịch năm nay thành công rực rỡ”.
Trong cuộc họp hôm 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét “du lịch Việt Nam đi trước về sau” khi Việt Nam mở cửa sớm so với nhiều nước trong khu vực nhưng lại chưa thành công trong việc hút khách quốc tế.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel kiêm Phó chủ tịch CLB Du lịch thủ đô, lượng khách quốc tế và doanh thu được coi là “thước đo thành công” của hầu hết ngành du lịch các nước. “Khách quốc tế đến mang theo ngoại tệ, đóng góp quan trọng cho GDP đất nước”, ông Đạt nói. Năm 2019, năm hoàng kim của du lịch Việt, có 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 726.000 tỷ đồng, đóng góp trực tiếp 9,2% GDP. Trong đó, tổng thu từ khách quốc tế đạt 421.000 tỷ đồng, chiếm 55,7%, theo Cục Du lịch quốc gia.
Dù Việt Nam đặt ra mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, cao gấp 1,6 lần tổng 5 triệu lượt khách năm 2022, ông Đạt cho rằng cần nhìn vào chỉ số phục hồi so với trước dịch để đánh giá sự thành công. Nếu đặt theo tham chiếu này, Việt Nam đặt mục tiêu phục hồi bằng 44% so với năm 2019. “Con số đó thấp”, ông Đạt nói.
Trong khi đó, Malaysia đã phục hồi hoàn toàn so với trước dịch khi đạt mốc 26 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. Thái Lan trong 11 tháng đón hơn 23 triệu lượt khách và đặt mục tiêu phục hồi 75% so với cùng kỳ 2019, theo Tổng cục Du lịch Thái Lan.
“Chúng ta thua Thái Lan, Malaysia trong việc phục hồi so với trước dịch”, CEO Lux Group Hà Phạm, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch sang trọng, nói.
Ông Hà cho rằng Thái Lan, Malaysia “có chiến lược phục hồi tốt”, trong khi đó các doanh nghiệp du lịch, khách sạn tại Việt Nam “đã trải qua một năm ảm đạm”. “Chúng ta thiếu các chiến lược ngắn, trung và dài hạn”, ông Hà nói.
Năm 2022, du lịch nội địa bùng nổ nhờ “du lịch trả thù”. Theo ông Đạt, du lịch trả thù năm ngoái có 3 kiểu khách: những người bức bối vì phải ở nhà trong dịch quá lâu, khách đi trừ nợ và khách MICE. Khách đi trừ nợ là những khách đã đặt tiền mua tour đi du lịch trong năm 2020 nhưng chưa kịp đi do dịch bệnh bùng phát. Do đó khi Việt Nam mở cửa du lịch vào tháng 3/2022, một lượng lớn khách đi trừ nợ đã đổ xô đi du lịch. Năm 2022 các công ty dịch vụ “bội thu” từ lượng khách du lịch trả thù này, theo tiết lộ của nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Năm 2023 lượng khách nội địa vượt năm 2022 nhưng số khách đi tour giảm mạnh do kinh tế suy thoái trên toàn cầu. Khách đi theo hình thức tự túc hoặc mua một phần tour như combo phòng và khách sạn. Thay vì đi dài ngày và xa, khách chọn các chuyến đi trong ngày, ngắn ngày và các điểm đi gần. Chi tiêu dành cho du lịch cũng tiết kiệm hơn. Các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực dịch vụ gặp khó khăn do lượng khách tour giảm mạnh. Một chuyên gia du lịch thuộc CLB Du lịch Hà Nội tiết lộ lượng khách đi tour tại nhiều công ty du lịch giảm tới 50% so với năm 2022.
“Nếu nói về thành tựu của du lịch Việt Nam trong năm nay có lẽ đó là chính sách visa”, ông Hà nói.
Chính phủ đã hỗ trợ ngành du lịch bằng cách cấp e-visa cho công dân các nước, vùng lãnh thổ. Thời hạn e-visa được nâng từ 30 lên 90 ngày, với số lần nhập, xuất cảnh không giới hạn từ 15/8. Công dân của nước mà Việt Nam đơn phương miễn thị thực được tăng thời gian tạm trú từ 15 lên 45 ngày; được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Theo ông Hà, du lịch Việt Nam “đã rất đáng tiếc” khi chưa thể tận dụng tối đa chính sách để thu hút khách cũng như tăng mức độ chi tiêu của khách du lịch. “Đáng lẽ ra chúng ta nên giữ chân được khách lâu hơn và khiến khách móc hầu bao chi tiền nhiều hơn”, ông Hà nói.
Còn với ông Đạt, điều đáng tiếc nhất của ngành du lịch trong năm qua là đã bỏ lỡ cơ hội quảng bá Việt Nam là “nơi nhất định phải đến sau dịch” với khách quốc tế. Sau dịch, người dân sẽ ưu tiên du lịch nội địa, tiếp theo là các điểm đến gần, an toàn, chính sách cởi mở. “Đáng lẽ Việt Nam nên đẩy mạnh quảng bá là điểm đến thân thiện, an toàn cũng như chính sách visa nới lỏng để khách quốc tế sẽ chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên du lịch lại”, CEO AZA Travel nói.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa, ông Đạt cho rằng ngành du lịch cần mở thêm các trung tâm xúc tiến, quảng bá ở những thị trường trọng điểm như top 10 điểm đến gửi khách lớn nhất đến Việt Nam. “Thái Lan đang làm điều này rất tốt khi có 29 văn phòng đại diện trên thế giới”, ông Đạt nhận xét. Các văn phòng này có chức năng nghiên cứu sở thích của du khách tại từng thị trường nguồn từ đó giúp quốc gia định hướng được sản phẩm cần và thu hút lượng lớn du khách ghé thăm.
“Chúng ta cũng cần xúc tiến du lịch một cách hiệu quả và thông minh”, ông Đạt nói thêm. Việt Nam nên lựa chọn hình thức quảng bá ở từng thị trường khác nhau. “Nhu cầu khách Mỹ khác khách Tây Âu, thị hiếu khách Nhật khác khác Hàn”, ông Đạt cho hay.
Hiện tại, chiến dịch quảng bá du lịch của Việt Nam với thị trường quốc tế vẫn được đánh giá “mờ nhạt”, “thiếu sự hấp dẫn”. Phần lớn khách quốc tế đến Việt Nam không phải thông qua các kênh quảng bá chính thức mà qua mạng xã hội, các KOLs (những người có tầm ảnh hưởng trên mạng) review. “Nhiều khách hàng của tôi nói rằng họ biết đến Việt Nam hay chỗ này, chỗ kia nổi tiếng tại các tỉnh thành là nhờ xem các video mà người khác đi về và đăng lên”, ông Đạt chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhân sự chất lượng cao trong ngành du lịch cũng là vấn đề cấp bách cần giải quyết. Sau dịch nhiều người làm lâu năm trong ngành đã đổi nghề dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự và chất lượng nhân sự không cao do tuyển mới nhiều.
“Chúng ta cũng cần tái cấu trúc thị trường”, ông Đạt nói. Việt Nam cần định vị lại thương hiệu để du khách biết đến là một điểm đến du lịch sang trọng, giàu văn hóa và di sản, thay vì điểm đến giá rẻ. Phân khúc lại khách hàng cũng là điều cần làm tiếp theo.
Khách Trung Quốc đến Việt Nam năm 2019 chiếm hơn 30% trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, hầu hết đều đi theo hình thức tour 0 đồng hoặc giá rẻ khiến du lịch Việt không thu được nhiều tiền. Sau dịch, Việt Nam cần hướng tới phân khúc khách Trung Quốc cao cấp, chi tiêu nhiều.
Theo các chuyên gia, các tour 0 đồng cần hạn chế hoặc bỏ hẳn. Một trong các hệ lụy của hình thức tour này là khách bị dẫn đi mua sắm nhiều hơn là tới các điểm tham quan, khiến họ không có nhiều ấn tượng về Việt Nam và sẽ không quay lại.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần quản lý tốt điểm đến; thu hút khách từ các thị trường mới và giàu có như Trung Đông, New Zealand, Australia, Bắc Âu; quy hoạch để phát triển kinh tế đêm một cách hiệu quả; tạo ra các sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng vùng miền. Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho biết cần đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm để dần xóa đi quan điểm du lịch theo mùa.
Với ông Hà, điều cần nhất hiện nay là “cần có nhạc trưởng để quy du lịch về một mối” và sớm đưa ra chiến lược cho năm sau. “Thái Lan đã vạch ra chiến lược rõ ràng cho năm tới từ tháng 11. Chúng ta vẫn chưa có chiến lược, cũng chưa biết cần tập trung vào thị trường khách nào trong năm tới khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng”, ông Hà cho hay.
Phương Anh