Giấc mơ Pháp thành ác mộng với khách Mỹ

Joanna đi mua đồ trong siêu thị tại Pháp. Ảnh: CNN

Hai vợ chồng Kierklo dự định dành phần đời còn lại nghỉ dưỡng tại Pháp nhưng sau một năm họ đành quay về Mỹ. – Du lịch

“Không có gì vui” là nhận xét của Joanna McIsaac-Kierklo, 74 tuổi và Ed Kierklo, 75 tuổi về thời gian sống tại Pháp. Hiện tại, họ thông báo sắp quay lại Mỹ.

“Chúng tôi phải vật lộn mỗi ngày khi sống ở đây, chẳng có niềm vui nào”, Joanna nói.

Joanna và chồng là những người đam mê du lịch, dành phần lớn thời gian để đi khắp thế giới và kết hôn khi bước qua tuổi 50. Trong 15 năm đầu kết hôn, họ buôn bán bất động sản, kiếm được khoản tiền đủ để đi du lịch và có thể sống ở bất kỳ nơi nào mong muốn.

Năm 2011, họ chuyển đến London, Anh, sống và dành phần lớn thời gian rảnh rỗi đi khắp châu Âu. Sau đó, nhà Kierklo nhận thấy cuộc sống ở Anh đắt đỏ nên muốn tìm kiếm nơi ở mới. Họ sống hai tháng tại thành phố Nimes, miền Nam nước Pháp, và có ấn tượng tốt về nơi này vì người dân lịch sự, chu đáo, không có bạo lực súng đạn.

Joanna đi mua đồ trong siêu thị tại Pháp. Ảnh: CNN

Joanna đi mua đồ trong siêu thị tại Pháp. Ảnh: CNN

Vợ chồng khách Mỹ tìm thuê một căn hộ tại Nimes và xin thị thực lưu trú dài hạn. Tháng 10/2023, nhà Kierklo bay đến Nimes, nơi có dân số khoảng 137.000 người và xây dựng cuộc sống mới. Họ vẫn giữ lại căn hộ có giá thuê phải chăng ở San Francisco để đề phòng trường hợp mọi thứ không diễn ra đúng kế hoạch.

Vài tháng đầu, cuộc sống diễn ra đúng ý của vợ chồng Joanna. Sau đó, cặp khách liên tiếp gặp khó trong giải quyết các vấn đề tưởng chừng đơn giản, như mở tài khoản tại ngân hàng. Mặc dù Pháp nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú, Joanna nhanh chóng nhận ra mọi thứ không như tưởng tượng.

“Mọi người khen pate, bánh ngọt, bánh mì Pháp nhưng ai ăn được như thế cả ngày chứ”, bà nói.

Tìm bác sĩ để được chăm sóc sức khỏe cũng tương tự. Họ đã đến gặp 6 bác sĩ da liễu tại thành phố, nhưng phòng khám đều quá tải và không tiếp nhận thêm bệnh nhân mới.

Joanna và chồng chụp ảnh tại căn nhà ở San Francisco vào năm 2023, trước khi chuyển sang Pháp. Ảnh: CNN

Joanna và chồng chụp ảnh tại căn nhà ở San Francisco vào năm 2023, trước khi chuyển sang Pháp. Ảnh: CNN

Khó khăn dồn dập khiến mỗi ngày trôi qua của Joanna càng trở nên tồi tệ hơn. Bà nhận thấy mọi thứ ở vùng đất mới quá khó để giải quyết. Khi phàn nàn với hàng xóm để tìm hướng giải quyết, Joanna nói họ chỉ nhún vai và cho biết đây là nước Pháp, mọi thứ vốn như vậy.

Tại Mỹ, vợ chồng Joanna có nhiều mối quan hệ xã hội. Họ chưa thể làm được điều tương tự ở Pháp. Ngoài trao đổi với người dân khi mua hàng trong siêu thị, bà chủ yếu chỉ nói chuyện với chồng. Joanna từng không nói chuyện với bất kỳ ai trong ba tháng. Bà nhận ra kết bạn ở nơi mới rất khó. Hàng xóm là những người kín tiếng, sống nguyên tắc. Họ tốt bụng nhưng không hòa đồng.

Sau đó, Joanna và chồng chuyển đến Montpellier, thành phố nằm phía tây nam gần bờ biển Địa Trung Hải vào tháng 10. Họ thích cuộc sống mới nhưng cũng nhận ra rằng Pháp có thể là nơi không phù hợp để sống đến những ngày cuối đời. “Tôi yêu nước Pháp, chỉ là không nên sống ở đây”, Joanna nói.

Họ bắt đầu nhớ những điều giản dị ở Mỹ: bạn bè, căn hộ thân thuộc. Joanna thừa nhận có những thứ họ không thích ở Mỹ và khi trở về, những điều đó vẫn không thay đổi. Nhưng họ vẫn muốn được trở về nhà.

“Chúng tôi có chuyến bay về Mỹ vào tháng 1 sang năm và có thể sẽ không quay lại”, Joanna nói.

Anh Minh (Theo CNN)


Bài viết được đề xuất