Bình Định- Thủ môn Đặng Văn Lâm và đồng đội ở CLB Topenland Bình Định đến Bảo tàng Quang Trung và “rước lộc giếng cổ” cầu mong điềm lành. – Du lịch
Chiều mùng 6 Tết (ngày 27/1), 28 cầu thủ của CLB bóng đá Topenland Bình Định và ban huấn luyện đã đến dâng hương – dâng hoa ở Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn trước khi làm lễ xuất quân cho mùa giải V-League 2023.
Theo thông tin từ CLB Topenland Bình Định, các cầu thủ được giới thiệu đến giếng nước cổ của ba anh em Tây Sơn – Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ – lấy lộc đầu năm. Thủ môn Đặng Văn Lâm, hậu vệ Hồ Tấn Tài và nhiều cầu thủ khác tỏ ra thoải mái và thích thú khi dùng gàu múc nước.
“Rước lộc giếng cổ” là một hoạt động thuộc phần hội diễn ra hai ngày mùng 5 và 6 Tết trong lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2023) ở Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn). Giếng nằm bên phải điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, cạnh một cây me cổ, có gầu và gáo dừa cho du khách.
Theo tư liệu của Bảo tàng Quang Trung, giếng nước và cây me là di vật trong vườn nhà xưa của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Khi ông Nguyễn Phi Phúc (Hồ Phi Phúc), cha của ba anh em nhà Tây Sơn, từ quê vợ sang định cư tại làng Kiên Mỹ gần bến Trường Trầu để thuận lợi cho buôn bán, ông đã trồng cây me và đào giếng nước này.
Giếng nước khi ấy được ghép bằng đá ong, không có vữa hồ, không có thành, sâu khoảng 8 m, đường kính gần một mét. Đây là giếng nước đầu tiên của làng Kiên Mỹ, nên được xem là giếng làng, nước trong và mát.
Ngôi nhà cạnh giếng nước, cây me cũng là nơi ba anh em nhà Tây Sơn chào đời. Theo truyền thuyết, ba ông thường tập võ dưới gốc me, khi mệt thì ngồi bên giếng. Từ đây, Nguyễn Huệ đã chủ trì những cuộc bàn luận quốc sự cùng văn thần võ tướng. Sự nghiệp bắt nguồn từ giếng nước, gốc me. Sau này khi nhà Tây Sơn không còn, vua Gia Long đã tìm cách xóa hết dấu vết của vương triều Tây Sơn. Cây me và giếng nước là những di vật hiếm hoi không bị phá hủy.
Để thể hiện lòng biết ơn nhà Tây Sơn, năm Minh Mạng thứ 3 (1823), người dân đã góp công xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà cũ của ông Nguyễn Phi Phúc để bí mật thờ 3 anh em nhà Tây Sơn nhưng lấy tên là đình Kiên Mỹ, thờ thành hoàng nhằm che mắc chính quyền.
Năm 1958, người dân địa phương xây dựng lại ngôi đình ngay trên nền cũ, lấy tên đền thờ Tây Sơn. Khi đất nước thống nhất, Bảo tàng Quang Trung được xây bên cạnh khu di tích đền thờ.
Năm 1979, Khu Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, cây me, giếng nước được xếp hạng di tích Quốc gia. Điểm đặc biệt và giá trị của di tích không nằm ở kiến trúc mà nằm ở giá trị lịch sử và nhân văn, khi người dân vẫn bí mật thờ ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ sau cuộc trả thù của triều Nguyễn.
Đến nay, giếng nước cổ cùng cây me vẫn là những hình ảnh in đậm trong tâm thức của người dân nơi đây. Do vậy, người địa phương quan niệm uống nước giếng sẽ được bình an, may mắn.
Đứng cùng dòng người xếp hàng chờ được múc nước giếng, anh Trương Định, người Bình Định, cho biết háo hức được uống một ngụm. Sau khi uống, anh dùng nước giếng rửa mặt, chỉnh trang lại quần áo tươm tất, rồi bước vào điện thờ dâng hương. Một số người cầm thêm chai để mang nước giếng cổ cho gia đình, với ý nghĩa cầu an, cầu lộc.
Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết với giếng nước, bảo tàng đã xây thêm thành và hàng rào bảo vệ xung quanh. Còn cây me được tưới nước, bón phân định kỳ, cắt tỉa những cành khô, làm sạch các hốc cây để tránh mối mọt.
Từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, bảo tàng Quang Trung hút 32.000 lượt khách tham quan. Lễ hội ở đây gồm các nghi thức dâng hương hoa cho ba anh nhà Tây Sơn, song thân, cùng văn thần võ tướng; các trò chơi dân gian, hát bài chòi… và không thể thiếu “rước lộc giếng cổ”.
Thạch Thảo