Giới trẻ Trung Quốc làm ‘mông sắt’ để đi du lịch

Các du khách mông sắt giống Lin chụp ảnh lưu niệm trước đoàn tàu đến Tây Tạng, được Lin chụp hồi đầu năm. Ảnh: CNN

Lin En có thể đến Kazakhstan từ Trung Quốc sau 6 giờ bay, nhưng nam du khách lại chọn ngồi xe buýt ba ngày để chi phí rẻ hơn. – Du lịch

Chuyến buýt từ Tân Cương đến Astana, thủ đô Kazakhstan, không có gì đặc biệt để giúp Lin En, du khách 23 tuổi người Trung Quốc, tăng tính trải nghiệm. Thậm chí, hành trình còn khiến anh mệt mỏi vì phải ngồi thẳng trên ghế cứng suốt ba ngày mới đến nơi. Dù vậy, nếu cho chọn lại, anh vẫn ngồi xe buýt thay vì đi máy bay.

Lin là một trong số hàng triệu người Trung Quốc ngày nay có biệt danh “mông sắt” – những du khách chấp nhận mệt mỏi, ngồi nhiều tiếng trên ghế cứng của xe buýt, tàu hỏa để đi du lịch. Đa số du khách mông sắt còn rất trẻ hoặc mới tốt nghiệp đại học. Điểm chung của họ là nhiều thời gian, ít tiền. Phương châm của họ là: “Những người có mông sắt tận hưởng thế giới trước”.

Các du khách mông sắt giống Lin chụp ảnh lưu niệm trước đoàn tàu đến Tây Tạng, được Lin chụp hồi đầu năm. Ảnh: CNN

Các du khách “mông sắt” chụp ảnh lưu niệm trước đoàn tàu đến Tây Tạng, Lin chụp hồi đầu năm. Ảnh: CNN

Tình hình kinh tế ảm đạm, nhu cầu tiêu dùng thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên Trung Quốc hiện nay là nguyên nhân giới trẻ có xu hướng đi du lịch tiết kiệm tối đa nhiều hơn.

“Du lịch kiểu mông sắt cho phép tôi đến nhiều nơi mà không cần nhiều tiền”, Peng Fei, 27 tuổi, tự nhận là một “mông sắt” chia sẻ.

Nhiều du khách “mông sắt” cho biết dù phải mất nhiều thời gian di chuyển, họ vẫn tận hưởng chuyến đi như kết bạn trên đường, thưởng thức các món ngon địa phương trong thời gian dừng chân. Nhưng để có được các trải nghiệm du lịch kể trên, trước hết họ cần sống sót sau lịch trình di chuyển quá mệt mỏi, vất vả như vậy.

Cảnh đồng cỏ phía Bắc Tây Tạng trong chuyến đi tàu của Lin En đến Lhasa và được anh chụp lại. Ảnh: CNN

Cánh đồng cỏ phía Bắc Tây Tạng trong chuyến đi tàu của Lin En đến Lhasa. Ảnh: CNN

Chuyến buýt của Lin En bắt đầu từ 6h, trừ vài lần xe buýt dừng lại để khách xuống nghỉ ngơi, Lin ngồi tổng cộng 46 tiếng trên xe. Anh hầu như không ngủ được trong hành trình dài vì đau lưng. “Tôi thức trắng đêm, đến sáng hôm sau thì kiệt sức”, anh nói. Mỗi phút ngồi xe với Lin là một cực hình. Anh thậm chí còn mong sớm đến nơi hơn cả tài xế. Chuyến quay về, Lin bị ốm.

Đây không phải lần đầu Lin thực hiện các chuyến đi như vậy. Trong chuyến tàu hồi đầu năm kéo dài 53 tiếng từ Quảng Châu đến Lhasa, Lin đã nhìn thấy cao nguyên Tây Tạng rộng lớn, sa mạc Gobi nổi tiếng và những dãy núi hùng vĩ ở cự ly gần. Với chàng trai trẻ, mọi thứ đều vô cùng hấp dẫn vì đây là những khung cảnh khách đi máy bay không thể nhìn thấy. Từ cuối năm ngoái đến nay, Lin đã thực hiện 10 chuyến tương tự, ngồi khoảng 300 giờ trên xe buýt, tàu hỏa.

Bên trong chuyến xe Lin đi từ Tân Cương đến Astana. Ảnh: CNN

Bên trong chuyến xe Lin đi từ Tân Cương đến Astana. Ảnh: CNN

Một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất của anh là hành trình 20 tiếng Côn Minh (Trung Quốc) – Huay Xai (Lào). Lin gặp một nhóm công nhân đang trên đường đến khu Tam Giác Vàng nằm ở biên giới Thái Lan – Lào – Myanamar, một trung tâm buôn bán ma túy khét tiếng, để tìm việc. Họ nói sợ khi đến đó làm nhưng vẫn lựa chọn vì phải nuôi gia đình.

Peng Fei, một mông sắt khác, đã chi 10.000 tệ (1.400 USD) để ghé 7 quốc gia, từ Kazakhstan đến Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu bằng xe buýt. Chuyến bay duy nhất là từ Uzbekistan đến UAE với giá 300 tệ (42 USD).

Fei có mức lương khá nhưng cảm thấy nhàm chán nên đã nghỉ việc để đi du lịch nhằm tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Trong các chuyến đi, cô có cơ hội làm quen với nhiều người cùng chí hướng. Đó là những người trẻ mới tốt nghiệp chưa vội tìm việc ngay hoặc sinh viên đại học nghỉ một năm để đi khám phá thế giới.

“Tôi muốn khám phá thế giới càng nhiều càng tốt khi còn trẻ”, Fei nói vì e ngại khi về già sẽ không thể làm du khách mông sắt được nữa.

Anh Minh (Theo CNN)


Bài viết được đề xuất