Hải Vân Quan: Gần 200 năm lưu dấu ấn lịch sử về một thời kỳ rực rỡ, nay là điểm dừng chân hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua

Đèo Hải Vân quanh co sườn núi, mở ra tầm nhìn xa về phía vịnh Đà Nẵng. Hải Vân Quan và tháp súng cũ là điểm dừng chân để nhiều du khách dạo bước ngắm cảnh, lưu giữ những bức ảnh đẹp giữa mây trời và nắng gió Hải Vân. 
ĐIỂM DỪNG CHÂN HẤP DẪN  KHÔNG THỂ BỎ QUA
 
Đèo Hải Vân là bức tường thành tự nhiên ban tặng. Những ngày tháng Hai mùa xuân ẩm ướt đón hoa ngãi (loài hoa rừng đặc trưng, gọi là hoa ngải của nơi này) nở rộ trên cung đường đèo hay nắng vàng ươm tháng Sáu mùa hè, Hải Vân Quan vẫn luôn sừng sững dãi dầu mưa nắng.
 
Ảnh: ryanphamphotozone, 
 
Những ngọn núi xanh uốn mình và gấp khúc chạy dọc như gấp khúc về phía biển Đông vậy. Nơi Hải Vân Quan ngự trị vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, với những chuyến tàu quanh co uốn lượn bên sườn núi… Chẳng phải đây xứng danh “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” đấy sao?
 
Ảnh: denisphatnguyen, 
Từ một căn cứ quân sự khi xưa, một cửa ải nơi hiểm trở, cheo leo, đèo Hải Vân cùng với Hải Vân Quan đã trở thành thắng cảnh lừng danh thu hút du lịch… nối liền hai khu du lịch nổi tiếng là biển Lăng Cô (Huế) và Xuân Thiều (Đà Nẵng).
Đã có thời gian dài, Hải Vân Quan bị sự bào mòn của mưa nắng bão bùng đã xuống cấp trầm trọng. Tưởng chừng như thành lũy trọng yếu bậc nhất dưới thời Nguyễn rơi vào lãng quên và bỏ mặc cho đến tận tháng 4/2017, Hải Vân Quan mới được công nhận là Di tích cấp quốc gia.
Ngày 19/12/2021, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã “bắt tay nhau” khởi công dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân Quan. 
Ảnh: Kinh đô Huế (Di tích Hải Vân Quan được phục dựng về gần nguyên trạng thành lũy phòng thủ thời Nguyễn)
Việc trùng tu, tôn tạo của Hải Vân Quan vào năm 2021 có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn chứng nhân lịch sử, nuôi dưỡng giá trị văn hoá vô giá cho muôn đời sau đồng thời kích cầu du lịch phát triển. 
HẢI VÂN QUAN XƯA THÀNH LŨY HUYẾT MẠCH TRÊN CON ĐƯỜNG THIÊN LÝ
Di tích Hải Vân Quan tọa trên sườn non cao 490m so với mực nước biển, nằm trên địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng.
 
Ảnh: bichngoc
Từng là cửa ải quân sự quan trọng
Đèo Hải Vân, còn được gọi là Ải Vân, Ngãi Lãnh, Ải Vân Sơn, Ải Lĩnh hay đèo Mây. Sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép rằng: “Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam”. 
Ảnh: TTT Online
Trong Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục, Nxb Văn học, 2003, tr.76 có dẫn vào thời Nguyễn, đèo Hải Vân là “chỗ giáp giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. Phía Bắc chân núi giáp vực biển có hang Dơi, tục gọi là bãi Tiêu. Tương truyền xưa có thần sóng, thuyền đi qua đó thường bị lật chìm, nên ngạn ngữ có câu:
“Đường bộ thì sợ Hải Vân
Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi
Đèo Hải Vân cùng biển xanh bao la đã trải qua nhiều sóng gió lịch sử, đã chứng kiến bao đổi thay của đất nước. Nơi đây, không chỉ là ranh giới địa lý mà còn phân vùng khí hậu rõ rệt. Phía Bắc thường có thời tiết mát và ẩm ướt, phía Nam lại ấm nắng.
 
Ảnh tư liệu: Đường đèo nhìn từ Hải Vân Quan hướng đi Huế
Thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quân sự quan trọng vào kinh đô Huế. Bởi vậy, ngày ấy, Hải Vân Quan được vua Minh Mệnh lưu tâm và dốc lòng xây dựng, tu bổ đặc biệt.
Cuốn Đại Nam thực lục (bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm mới hoàn thành), phần Tiền biên, Quyển 1 có ghi: “Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đây, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao dăng sài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển”. Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng” rồi xây kho tàng chứa lương thực ở đây.
 
 
Ảnh tư liệu: Cổng Huế nhìn từ trong quan ải trên đèo Hải Vân (ảnh chụp giai đoạn 1920-1929)
Cũng trong Đại Nam thực lục, chép rằng, tháng Hai năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mệnh xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh núi Hải Vân, “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan, ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân quan”, ngạch sau viết sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cửa trước cao và dài đều 15 thước (khoảng 6 mét), ngang 17 thước 5 tấc; cửa sau cao 15 thước, dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc; cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau”. 
 
 
 
 
Ảnh: Travellive (Ảnh trái: Hải Vân quan, ảnh phải: Thiên hạ đệ nhất hùng quan, lạc khoản bên góc trái)
Lạc khoản (Dòng chữ viết nhỏ để tên họ và ngày tháng ở trên các bức họa hay các bức đối trướng) một bên góc còn ghi “Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo” (tức là làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7).
Công trình xây dựng trong vài tháng, do phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam cùng thuê dân làm. Sau đó, vua “Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy ( súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, súng phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng). Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quảng hạt Quảng Nam”.
Địa thế phong thủy hữu tình trên Con đường Thiên lý huyết mạch
Đường bộ Bắc Nam, hay đường Thiên lý được xây dựng vào năm 1375 dưới thời Trần, nối liền Thăng Long tới Tây Đô (Thanh Hóa). Năm 1402, con đường được nối tiếp đến Châu Hóa (Huế). Vào thời nhà Nguyễn, năm 1809, vua Gia Long đại tu đường từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Đến năm 1835, vua Minh Mệnh ra lệnh sửa sang lại con đường Thiên lý từ Bắc vào Nam, đặc biệt là đoạn Huế – Gia Định – Nam Vang.
 
Ảnh tư liệu: Đèo Hải Vân năm 1938-1939
Đường Thiên lý chủ yếu dành cho quan lại sử dụng nên vẫn được gọi với tên khác là Con đường Cái quan. Con đường huyết mạch nối liền hai miền Nam Bắc phải băng qua nhiều sông suối, núi rừng cheo leo, hiểm trở. Đâu chỉ vậy, trải qua nhiều thiên tai, mưa lũ, đường cũng hư hại đi nhiều. Việc bảo dưỡng con đường gặp nhiều khó khăn nhưng nhà Nguyễn vẫn dành nhiều tâm huyết giữ cho con đường thông suốt.  
Và Hải Vân Quan cũng là một trong những trạm nghỉ. Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử, những phát lộ dấu tích cũ của con đường Thiên lý qua Hải Vân Quan đã làm rõ nét thêm về quá trình hình thành, biến đổi trong lịch sử của con đường huyết mạch cũng như ý nghĩa quan trọng của di tích Hải Vân Quan.
 
Dấu tích đoạn đường Thiên lý qua Hải Vân Quan. Ảnh: baotanglichsu 
 
Ảnh: Hans-Peter Grumpe (Ảnh chụp một góc vịnh Lăng Cô ở chân đèo Hải Vân)
Năm 1826, người Pháp cũng xây dựng một căn cứ tên Đồn Nhất để bảo vệ nơi chiến lược. Sau này, khi quay lại năm 1926, Pháp cải tạo thành cứ điểm với tường cao, lô cốt và 2 trung đội canh giữ.  

Bài viết được đề xuất