Hồn Việt: Bài 1: Tình ruột thịt, nghĩa đồng bào

Khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo là cội nguồn sức mạnh, giúp đất nước ta vượt qua mọi khó khăn. Ảnh: MỸ HÀ

Nước
ta là một nước đa dân tộc, đa tôn giáo nhưng tất cả đều thống nhất chặt
chẽ trong một khối đại đoàn kết toàn dân; từ đó làm nên sức mạnh vô
song để vượt qua mọi thử thách gian nan trong quá trình dựng nước và giữ
nước.

Vì sao lại có sự đoàn kết, tương thân tương ái ấy?

Theo
chứng tích của khảo cổ học, người Việt đã sinh sống trên mảnh đất này
từ hàng vạn năm, trải qua các nền văn hóa phát triển rực rỡ như văn hóa
Tràng An (Ninh Bình) khoảng 25000 năm trước; văn hóa Sơn Vi (Phú Thọ)
23000 năm, văn hóa Hòa Bình 15000 năm, văn hóa Đông Sơn 4000 năm, văn
hóa Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) và văn hóa Óc Eo (An Giang) hơn 2000 năm
trước… Trong quá trình đó, cùng với người bản địa, đã có những cuộc di
dân cơ học từ bốn phương quây tụ ở mảnh đất đầy nắng ấm và biển sáng,
mưa gió và lòng người hòa thuận này, để trở thành Tổ quốc, thành đại gia
đình Việt Nam.

Trong mọi danh xưng, dù là Tổ quốc, quốc gia, hay
thân mật hơn là “làng nước”, người Việt bao giờ cũng tôn thờ cộng đồng
như một giá trị thiêng liêng. Tính cộng đồng, sự cần thiết của cộng đồng
ăn sâu vào tâm thức, vào lời ăn tiếng nói hằng ngày. Từ việc đẵn một
cây gỗ to về làm nhà đến đuổi con hổ dữ… đều cần đến anh em, làng xóm.
Lúa nước là phương thức sản xuất chủ yếu, cần đến hình thức đổi công,
cần đến nguồn nước tưới tiêu chung, lấy nước qua ruộng của nhau, mượn
trâu bò, nông cụ, thăm đồng hộ nhau…, nên tạo ra sự cố kết chặt chẽ, lâu
dài.

Một dân tộc sinh ra và gắn kết với nhau, không phải chỉ
bởi sống cùng nhau trên một vùng đất, mà còn phải dựa trên một nền tảng
tinh thần. Người Việt đã sáng tạo ra một truyền thuyết, một đức tin đẹp
đẽ: Truyền thuyết về Mẹ Âu Cơ, về Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh được
một bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra trăm người con. Năm mươi người con
theo cha xuống biển, năm mươi người con theo mẹ lên rừng… Không người
Việt nào không nhận mình là “con Rồng cháu Tiên”.

Sau màu sắc
huyền thoại ấy là một thực tế, một khát vọng: Từ muôn đời nay, người
Việt – dù là dân tộc nào, sống ở miền ngược cũng như miền xuôi – đều là
anh em một nhà, đều là ruột thịt. Chỉ tiếng Việt, người Việt mới có thân
yêu hai tiếng “đồng bào”, nghĩa là cùng một bọc. Từ bao đời nay, tình
thương yêu đùm bọc ấy được truyền dạy, củng cố: Anh em như thể chân tay/
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần; Chị ngã em nâng; Sảy cha còn chú, sảy
mẹ bú dì…

Trong quá trình hình thành cộng đồng 54 dân tộc ở Việt
Nam, không chỉ có người bản địa, mà người Việt cũng đã tiếp thu các tộc
người từ nơi khác đến. Xa gần đến đều được đùm bọc, sẻ chia. Ở Cẩm
Xuyên (Hà Tĩnh) có tên làng Nhượng Bạn, thể hiện sự bao dung, nhường đất
ở, giúp đỡ ban đầu của người cũ dành cho người mới đến chứ không phải
“ma cũ bắt nạt ma mới”. Thương người sống, thương cả ma. Đến như người
thua trận như quan quân Sầm Nghi Đống còn được lập đền thờ thì thấy lòng
nhân ái, sự bao dung của dân ta lớn đến mức nào. Văn chiêu hồn của
Nguyễn Du viết Thương thay thập loại chúng sinh/ Hồn đơn phách chiếc
lênh đênh quê người. Ở chiều ngược lại, những người mới đến như họ Vũ,
họ Trần, họ Hồ, như các tộc H’Mông, Dao, Ê Đê, Ba Na… đều đóng góp cho
cộng đồng những chất lượng mới. Và tất cả cùng bảo ban nhau Bầu ơi
thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. “Giàn” ấy
chính là làng, là nước, là Tổ quốc.

Chúng tôi thấy số lượng ca
dao, tục ngữ của mọi dân tộc anh em đều dành sự ưu trội cho kinh nghiệm
sản xuất, cho tình yêu lứa đôi và đặc biệt là không nguôi nói về tinh
thần đoàn kết, sức mạnh của sự đoàn kết. Nếu người Kinh nói Một cây làm
chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao thì người Tày nói Tiền
bạc như đất cỏ/ Tình cảm anh em quý hơn nghìn vàng; người Thái nói Vỗ
tay cần nhiều ngón/ Bàn kỹ cần nhiều người; Bản mạnh vì sức dân/ Mường
giàu vì nhiều người họp lại; người Ê Đê nói Trồng cây phải hỏi chú bác/
Đừng như con hươu trong rừng/ Với cặp sừng giậm chân một mình…

Việt
Nam là một đất nước tươi đẹp, là “thiên đường ẩm thực”, là nơi đáng
sống, đặc biệt là nơi có những giá trị văn minh, văn hóa mà nhân loại
vẫn hằng khát vọng, nhất là tình người sâu sắc trong gia đình, trong
cộng đồng. Nền văn hiến Việt Nam là một nền văn hiến thống nhất, được
bồi đắp không ngừng qua mọi thời kỳ lịch sử, là một nền văn hiến không
chỉ nhận thức thế giới, mà còn kiến tạo nên một thế giới tình thương. Cá
nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xã, đất nước là một thể thống
nhất, không thể tách rời. Người Việt từ lâu đã hiểu rằng: cả cộng đồng
đều chăm lo cho sự phát triển của cá nhân (thí dụ: cả nhà, cả làng đều
dồn sức cho một người có khả năng học tập, thành đạt; cả mấy làng đều
nuôi Thánh Gióng). Từ trong máu thịt của mỗi người, đều nuôi chí vì nhà,
vì nước; đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng và không coi đấy là một
sự hy sinh, thiệt thòi mà chính là niềm hạnh phúc.

Nghĩa tình-giá trị nổi bật làm nên sức mạnh của dân tộc

Sâu
xa và cảm động biết bao, khi mới giành chính quyền, Chủ tịch nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã viết bài kêu gọi “Sẻ cơm nhường áo”
đăng trên Báo Cứu Quốc số ra ngày 28/9/1945: “Lúc chúng ta nâng bát cơm
mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin
đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày
nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để
cứu dân nghèo” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H.
2011, tr.33). Tại buổi khai mạc lễ phát động phong trào cứu đói được tổ
chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bác Hồ đã đem phần gạo nhịn ăn của mình
đóng góp trước tiên.

Bạn đọc trẻ hiện nay còn nhớ, trong đại dịch
Covid-19, có bệnh nhân số 91, đó là phi công người Anh Stephen bị mắc
Covid-19 khiến phổi bị xơ hóa. Cùng với sự tận tụy, tài giỏi của cán bộ y
tế, Chính phủ và rất, rất nhiều người Việt Nam lo lắng cho ông, hàng
chục người đã tự nguyện hiến phổi của mình một cách vô tư, không một
chút vụ lợi. Khi ra viện, ông xúc động nói: “Nếu ở một nơi nào khác trên
Trái đất này, hẳn tôi đã chết. Tôi thấy mình vô cùng may mắn được chữa
trị ở Việt Nam. Tự đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn Việt Nam”…

Thử
vận dụng cách nhìn, lối suy nghĩ như trong bộ sử thi đồ sộ “Đẻ đất, đẻ
nước” thì một dân tộc giàu nhân ái, lấy yêu thương con người làm lẽ
sống, đẻ ra cái gì? Đẻ ra nghệ thuật của yêu thương.

Nghệ thuật
của yêu thương đẻ ra những con người biết yêu thương, đùm bọc nhau nhiều
hơn nữa; biết gìn giữ lấy cội nguồn; thiêng liêng quê hương nơi chôn
rau, cắt rốn; thiêng liêng mồ mả tổ tiên; thiêng liêng cháu con… Và như
thế đẻ ra sự thiêng liêng Tổ quốc, thiêng liêng nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc;
nhu cầu tự thân phấn đấu xây dựng cuộc sống tương lai ngày mai phải tốt
đẹp hơn hôm nay để cháu con được hưởng. Dòng họ nào, dân tộc nào trong
đại gia đình dân tộc Việt Nam cũng sắt son một tâm nguyện, một ý chí:
Ông cha khai cơ, mở nghiệp, con cháu gìn giữ, đắp bồi; nhắc nhau trồng
xanh cây đức, cây nhân, cây nghĩa…

Và như vậy, đẻ ra sức mạnh vô song, đẻ ra sự phát triển sáng tươi, bền vững.

(Còn nữa)

(★) Theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t1, tr111-112.

Nguyễn Sĩ Đại

Nguồn: Báo Nhân Dân

Bài viết được đề xuất