Hướng dẫn viên Việt kể những kỷ niệm nhớ đời khi đưa khách đến Mỹ

Anh Nguyễn Thành Phước hiện là hướng dẫn viên tại công ty Vietravel. Ảnh: NVCC.

Anh Phước cho biết, có nhiều du khách chỉ nghe theo người thân ở Mỹ, không tuân thủ các quy định được hướng dẫn viên phổ biến. – Du lịch

Hành trình khám phá nước Mỹ hiện khá phổ biến với du khách Việt, được nhiều công ty tổ chức tour. Dưới đây là những câu chuyện không thể quên của hướng dẫn viên (HDV) Hồ Thành Phước, 31 tuổi, trong những lần dẫn khách đi Mỹ.

Anh Nguyễn Thành Phước hiện là hướng dẫn viên tại công ty Vietravel. Ảnh: NVCC.

Anh Hồ Thành Phước, hiện là hướng dẫn viên tại công ty Vietravel. Anh bắt đầu nghề hướng dẫn viên từ 21 tuổi. Mùa hè cách đây 3 năm, anh Phước lần đầu đưa khách đi Mỹ. Ảnh: Vietravel.

Khách không theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên

Vào buổi sáng ở New York, đoàn chúng tôi có lịch trình đi thăm tượng Nữ thần Tự do. Trong lúc đợi lên tàu sang đảo Liberty, tôi đã dặn kỹ các thành viên phải đợi HDV đến rồi cả đoàn cùng nhau tham quan. Mỗi chuyến tàu cách nhau 20 phút nên chúng tôi phải chia nhau ra thành từng nhóm nhỏ.

Tuy nhiên, trong đoàn có một thành viên cố tình tách đoàn đi một mình. Du khách này tự ý lên tàu rồi sang đảo. Lúc từ đảo Liberty quay về, người này cũng không đi cùng đoàn. Tôi nhiều lần gọi điện, nhắn tin nhưng vẫn không thấy hồi âm.

Đến khi cả đoàn không đợi được nữa, tôi gửi một tin nhắn với nội dung thông báo đoàn sẽ đi trước và du khách phải tự đi về bằng taxi, kèm giá tiền đi từ điểm tham quan về khách sạn khoảng 90 USD. Sau tin nhắn này khoảng vài phút, người này xuất hiện ở vị trí đoàn đang đợi.

Những ngày sau đó, chúng tôi đi tham quan nhiều nơi và du khách này bắt đầu nghe theo sự chỉ dẫn của HDV. Trường hợp này khiến tôi rút ra nhiều kinh nghiệm trong cách cư xử với du khách của mình.

Trong hành trình khám phá mùa thu nước Mỹ năm ngoái, một du khách có người thân tại California. Khách này đã chủ động xin HDV gặp gỡ và đi ăn tối cùng người thân khi đoàn kết thúc lịch tham quan. Trước ngày khởi hành, HDV nhắc những thứ có thể và không thể mua để mang về Việt Nam. Nhưng du khách không nghe theo và mua một chiếc xe cân bằng, dù đây là hàng không thể ký gửi cũng không thể xách tay.

Trước khi ra sân bay, du khách còn khăng khăng người thân sống ở Mỹ lâu năm nên rõ luật, chiếc xe có thể cho vào thùng rồi ký gửi về Việt Nam. Tôi lúc đó không thể nói thêm được gì. Đến khi ra sân bay, hải quan từ chối và món đồ phải để lại Mỹ thì hành khách mới bắt đầu hỏi tôi hướng giải quyết.

Món hàng sau đó được gửi về Việt Nam bằng đường tàu biển. Tiền gửi tàu đắt hơn tiền mua chiếc xe gấp nhiều lần. Vì vậy, tôi khuyên du khách đi tour nên tuân thủ các hướng dẫn của HDV để không phải gặp sự cố tương tự.

Hành lý bị “delay” một đêm

Lần khác, đoàn khách tôi đưa từ Việt Nam đến Los Angeles phải chờ làm thủ tục hải quan 10 phút do nguồn điện bị trục trặc. Khi đến băng chuyền lấy hành lý, cả đoàn 15 người, không một ai thấy đồ đạc của mình. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy bối rối, không biết phải làm gì tiếp theo, bởi nếu thất lạc hành lý thông thường chỉ diễn ra với một hoặc hai trường hợp.

Theo lịch trình, sau khi hạ cánh, chúng tôi lên xe để di chuyển đến Las Vegas, đoạn đường dài khoảng 500 km. Tuy nhiên, vì lo lắng mà vài du khách không chịu đi. Vừa điền thông tin để gửi cho hãng hàng không, tôi phải vừa trấn an những du khách này. Đến khoảng 12h đêm, cả đoàn có mặt ở Las Vegas và nhận phòng.

Lúc này, chúng tôi phát hiện ra, phòng ở khách sạn không có bàn chải đáng răng hay xà phòng. Sau này, tôi mới biết nhiều khách sạn 4 sao có sòng bài hạn chế tiện nghi trong phòng, vì muốn du khách ra ngoài và sử dụng dịch vụ của họ. Hôm đó, 2h sáng, tôi đi ra ngoài để mua bàn chải cho khách.

Hành lý được hãng bay chuyển từ Los Angeles đến vào hôm sau bằng một chuyến bay nội địa. Các hoạt động tham quan tiếp theo diễn ra bình thường. Nhưng đây là kỷ niệm tôi không bao giờ quên được trong nghề của mình.

Hoạt động tham quan bị huỷ vào phút chót

Điểm nhấn trong hành trình khám phá Chicago – Boston dài 8 ngày là ngồi thuyền khám phá thác Niagara, nằm trên biên giới giữa hai quốc gia Canada và Mỹ.

Thác Niagara là một trong những điểm dừng chân nổi tiếng tại Mỹ. Ảnh: NVCC.

Thác Niagara là một trong những điểm dừng chân nổi tiếng tại Mỹ. Ảnh: Ảnh: Thành Phước.

Sáng hôm đó, cả đoàn đều háo hức với trải nghiệm này nhưng khi đến nơi, chúng tôi được thông báo tàu không chạy nữa. Vé và tất cả dịch vụ đã được Vietravel chuẩn bị đầy đủ nhưng đơn vị khai thác cho biết điều kiện thời tiết không cho phép. Băng tan kèm gió nhiều vào thời gian đó gây ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách.

Tôi cũng bất ngờ nhưng đã chủ động đổi lịch trình và rất may được công ty chấp thuận. Tôi dẫn khách đến một số địa điểm gần thác có góc chụp ảnh ít người biết. Từ ngồi thuyền khám phá thác, du khách chuyển sang ngồi xe điện để tham quan công viên gần bên.

Dù có sự cố, tôi lại nhận được phản hồi vui vẻ từ cả đoàn vào ngày hôm đó. Đây không chỉ là kinh nghiệm đắt giá khi lên tour mà còn khiến tôi cảm thấy hạnh phúc với công việc của bản thân.

Phong Vinh ghi

Chuyên mục Tư vấn được cộng tác với các hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm của Vietravel nhằm mang tới cho độc giả những kinh nghiệm hữu ích, gợi ý đi đâu, ăn gì và lưu ý trên đường du lịch.

Bài viết được đề xuất