Với Uy Di, tận mắt chứng kiến lửa xanh trong lòng hồ axit Ijen, ngắm bình minh từ núi lửa Bromo, dự lễ hội của dân đảo Java là những trải nghiệm thực sự ở Indonesia. – Du lịch
Vào một ngày giữa tháng 8, Uy Di, TP HCM, bắt đầu hành trình khám phá núi lửa Bromo và hồ axit Ijen mà không phải tour đến đảo Bali thuần túy. Việt Nam không có bay thẳng đến Surabaya, một tỉnh phía đông đảo Java, Di phải thực hiện nối chuyến từ Bali. Khởi hành từ sáng sớm, máy bay hạ cánh Surabaya đã 18h.
Núi lửa Bromo và lòng hồ axit Ijen
Sau khi trả phòng khách sạn, cô ngồi xe 6 tiếng để đến vườn Quốc gia Bromo Tengger Semeru trên độ cao tầm 2.100 m. Đây là khu bảo tồn duy nhất ở Indonesia có dải cồn cát Tengger, bên kia là miệng núi lửa Tengger có từ thời cổ đại với 4 miệng núi lửa hình nón. Cứ đến chiều sương mù sẽ bao phủ khắp nơi dù ban ngày ánh nắng có gay gắt thế nào. Di được hướng dẫn viên địa phương đưa đến làng Tengger, một tộc người có quan hệ mật thiết với núi lửa Bromo.
Vùng chân núi là khu vực được phân loại rừng mưa nhiệt đới phía nam Semeru, đông Semeru (Burno) và tây Semeru (Patok Picis). Đây là nơi chứa các loài thực vật như dâu tằm, đào lộn hột, thiến thảo… Ngoài ra còn có các cây dây leo như chi mây, hồ tiêu, dương xỉ, thu hải đường và các loài cây khác thuộc họ ráy, hòa thảo, gừng… Khu vực này cũng có 225 loài phong lan.
Di kết thúc ngày thứ hai lúc 21h, ăn tối và chợp mắt để 1h sáng di chuyển đến địa điểm ngắm bình minh. Di mong điều này từ trước chuyến đi nên cô thấp thỏm đợi những điều thú vị sẽ diễn ra vào ngày thứ ba của hành trình.
Ở đây, nếu may mắn bạn có thể nhìn thấy “milky way” – dải ngân hà, theo cách gọi của những người mê trekking. Và hôm đó, Di được tận mắt nhìn thấy sao băng.
Trời về đêm, nhiệt độ xuống tầm 10 độ C. Hơi ấm từ lửa trại và tách milo nóng làm cô thấy ấm người, tỉnh táo. Bình minh bắt đầu ló trên rặng Tengger, núi lửa Bromo hiện ra uy nghi hùng vĩ nhưng không kém phần lãng mạn. Trong hành trình đến đây, còn có thêm 8 người Việt Nam khác, tất cả tiếp tục di chuyển bằng xe jeep tầm 3,8 km đến sa mạc đen. .
Đường lên miệng núi lửa chỉ có một. Khách đến đây có thể băng qua sa mạc đen bằng ngựa với giá 200.000 Rupiah (315.000 đồng một người) và mua hoa cầu nguyện, thả vào miệng núi lửa với giá 30.000 Rupiah (khoảng 50.000 đồng). Cô trải qua nửa ngày để quan sát ngọn núi lửa như ao ước, sau đó ăn sáng trên đường về homestay, trước khi di chuyển đến thành phố Banyuwangi để thăm hồ axit Ijen.
Trái ngược với một Bali nổi tiếng với biển xanh cát vàng và những khu nghỉ dưỡng sang chảnh, Đông Java lại được biết đến với những ngọn núi lửa và hồ axit lớn nhất thế giới, thu hút dân du lịch mạo hiểm và những kẻ thích chinh phục. Di như đang mơ vì trước khi đến Indonesia, đâu đâu cũng chỉ có những hình ảnh về đảo Bali.
Ngày thứ tư, chuyến đi đến hồ axit Ijen bắt đầu từ 1h sáng. Cô phải đi bộ một đoạn đường dốc dài 3 km. Đích đến là lòng núi, nơi Di chìm vào ánh lửa xanh từ lưu huỳnh và sau đó trèo lên trên để bắt kịp bình minh. Sau 6 tiếng di chuyển từ Surabaya đến Banyuwangi, có tầm 3-4 tiếng để nghỉ ngơi ở khách sạn trước khi lên đường đến hồ axit Ijen. Phải xuất phát đúng giờ vì muộn nhất cũng sẽ mất 3 tiếng để lên đến miệng núi, trong khi đã mất tầm một tiếng rưỡi di chuyển từ homestay đến khu vực núi Ijen.
Khi đến nơi, người dẫn đường phát mặt nạ phòng độc. Cô bất ngờ khi có rất nhiều đoàn người cùng trekking vào lúc 1h sáng ở đây. Vậy là Di có thêm động lực bước tiếp. Trời tối, bạn sẽ không thấy được gì ở nơi núi rừng này nhưng cứ yên tâm vì ánh đèn đội đầu và đèn pin của đoàn người đủ thắp sáng đường đi cho bạn.
Lên đến nơi, Di lập tức bị thu hút bởi những ngọn lửa xanh. Ban đầu Di nghĩ đốm lửa cháy ngùn ngụt nhưng hoá ra là lửa cháy trên các vết nứt của quặng lưu huỳnh. Cảnh vật thật kỳ thú nhưng cũng không kém phần ma mị, huyền ảo.
Theo lời của người dẫn đường, trước đó lửa cũng cháy to hơn nhưng vì quá nguy hiểm cho du khách nên người dân ở đây mới phân công nhau tưới nước vào quặng để làm dịu ngọn lửa, nhờ đó du khách mới đến gần được. Sau khi trèo lên miệng núi, cô còn phải trèo thêm 40 phút nữa để xuống đáy hồ. Đường leo xuống không xa nhưng gồ ghề khó đi.
Trời gần sáng, ngọn lửa cũng yếu dần rồi tắt đi. Lúc này mình cần phải trèo lên cho kịp thấy bình mình. Tối và sáng ở đây như hai thế giới khác biệt như địa ngục và thiên đàng. Đêm tối ma mị, ẩn chứa bất an bấy nhiêu thì sáng sớm cứ như tiên cảnh. Mặt trời lên làm lộ rõ mặt hồ xanh biếc, cảnh vật quang đãng.
Để có sự giúp đỡ của người địa phương, bạn có thể tip cho họ 20.000 Rupiah (tầm 31.000 đồng). Cô nói thêm, không phải ai cũng có thể nhìn thấy hồ axit vì khói lưu huỳnh nhiều khi mặt trời đứng bóng vẫn không tan. Bạn cần phải kiên nhẫn và đi lên trên cao mới nhìn thấy được.
Tên gọi đầy đủ của hồ là Kawah Ijen thuộc dãy núi lửa cùng tên nằm giữa cao nguyên Bondowoso và Banyuwangi, đông Java, Indonesia. Bán kính lòng hồ rộng khoảng 361 m, độ sâu 200 m, đây được xem là hồ axit lớn nhất thế giới và có độ pH là 0,5.
Để đến miệng núi lửa nằm ở độ cao 2.300 m, các trekker phải được người dẫn đường hướng dẫn kỹ và cảnh báo mức độ khó khăn khi tiếp cận ngọn lửa bên dưới, cũng để họ nhận thức rõ tình hình sức khỏe của mình. Khách nào có dấu hiệu hen suyễn, hay có vấn đề về hệ hô hấp thì không nên đi sâu xuống lòng hồ vì ở đó nồng độ của lưu huỳnh trong các khối kết tinh rất gắt.
Mùi khí sục lên sẽ khiến bạn dễ ngất đi. Chỉ trong vòng một giờ, không ít du khách đã bắt đầu say sẩm, chóng mặt. Nhiều người không thể tiếp tục, phải quay lên lại rời khỏi khu vực miệng núi lửa. Cứ như thế, đúng theo lời người dẫn đường, nơi đây không phải dễ chinh phục.
Họ nhấn mạnh đây là địa điểm chinh phục tinh thần quả cảm và sức chịu đựng của những người yêu mạo hiểm. Tuy vậy, lại là nơi mưu sinh của không ít người dân bản địa. Hàng ngày có khoảng 300 người đến đây khai thác lưu huỳnh với số lượng lên đến 45 tấn mỗi ngày.
Không giống như các du khách được bảo hộ kỹ càng, những người đàn ông bản địa ngoài tứ tuần không hề mang mặt nạ hay bao tay. Ngày nào cũng vậy, họ nhặt đá lưu huỳnh, đập nhỏ đẽo gọt thành nhiều mặt hàng lưu niệm với giá 30.000 Rupiah (tầm 47.000 đồng) một sản phẩm. Công việc khác nữa là giúp khách di chuyển lên miệng núi lửa bằng các “taxi kéo” với mức giá 800.000 Rupiah (tầm 1,2 triệu đồng) một lượt. Do đó, các du khách không đảm bảo yêu cầu thể lực vẫn có cơ hội chiêm ngưỡng hồ axit có một không hai này. Dẫu biết có thể đánh đổi bằng tuổi thọ, nhưng những người này không có sự lựa chọn nào khác vì phải mưu sinh. Chặng hành trình của cô kết thúc lúc 9h sáng ngày hôm sau.
Lễ hội dân đảo Java
Trong chuyến khám phá núi lửa Bromo và hồ axit Ijen, Di cho rằng mình may mắn khi đến Indonesia đúng tuần lễ Quốc Khánh và tham gia vào lễ diễu hành. Xen lẫn âm thanh huyên náo của kèn trống là trang phục tự tay người dân thiết kế nhìn thật sinh động.
Di nhận thấy người dân sẽ hoá trang thành những vị thần, thánh ban phước cho con người trong đạo Hindu. Vũ công nhảy múa và những chiếc xe chở đầy tháp hoa quả như là vật hiến dâng đến các thần linh, mang bầu không khí sôi động tươi vui đến mọi ngóc ngách, dãy phố. Di còn được kéo vào chụp hình chung. Đó là một ngày thật vui mà cô nhớ mãi.
Surabaya (nguyên là Soerabaja) là thành phố của tỉnh Đông Java với dân số hơn 3,1 triệu người (5,6 triệu ở vùng đô thị), và là thủ phủ của tỉnh Đông Java. Nó nằm trên bờ biển phía bắc của miền đông Java tại cửa sông Mas và dọc theo các cạnh của eo biển Madura. Đối với một số người Indonesia, đây là “thành phố anh hùng” do tầm quan trọng của trận Surabaya kích động ủng hộ của người Indonesia và quốc tế cho nền độc lập của Indonesia trong cuộc cách mạng dân tộc. Surabaya cũng được biết đến là nơi sinh của Tổng thống đầu tiên của Indonesia, Sukarno.
Thành phố này có cảng thuộc nhóm nhộn nhịp nhất Indonesia. Các sản phẩm xuất khẩu gồm có đường, thuốc lá, cà phê. Surabaya có xưởng đóng tàu lớn và nhiều trường hải quân. Tên gọi Surabaya xuất phát từ từ sura (cá mập) và buaya (cá sấu), mà trong thần thoại địa phương, đánh nhau để giành lấy danh hiệu “sinh vật mạnh nhất vùng”. Bây giờ hai con vật này đã trở thành biểu tượng của thành phố, đối diện nhau cạnh tượng đài Tugu Pahlawan (tượng đài của những anh hùng).
Bạn chỉ cần mang theo quần áo đủ ấm, đồ đạc gọn nhẹ, có thể mang theo thức ăn nhẹ để ăn trong lúc chờ bình minh. Trước khi leo núi, hãy nhớ uống nhiều nước. Giày trekking, khẩu trang, đèn pin là những vật dụng không thể thiếu cho chuyến đi. Chuyến đi của Di trong 5 ngày 4 đêm, bao gồm vé máy bay là tầm 15 triệu một người.
Thanh Thu
Ảnh: IntoWild Travel