Lần đầu ăn mì Quảng ở Bình Thuận, thực khách có thể ngạc nhiên vì tô mì ngập nước dùng, topping là thịt vịt… hoàn toàn không giống ở Quảng Nam. – Du lịch
Mì Quảng là món ăn đặc trưng gắn liền với dân Quảng Nam, từ người già đến trẻ nhỏ. Có người ví món mì thân thuộc với người xứ Quảng như cách người Việt ăn cơm hàng ngày. Cũng vậy, ở Phan Thiết, Bình Thuận, mì Quảng gắn với người dân nơi đây không kém Quảng Nam, nhà nào cũng đều biết nấu món này. Mỗi dịp cuối tuần, cả nhà tụ họp, bắt một con vịt để nấu mì Quảng ăn cùng nhau. Hay một sớm đạp xe ăn sáng, món yêu thích nhất vẫn là mì Quảng.
“Ở Phan Thiết, mì Quảng rất phổ biến, từ quán lớn đến quán bé đều bán món này. Mọi người có thể ăn mì Quảng vào buổi sáng, trưa, chiều, tối. Một tô mì Quảng vịt thêm miếng huyết, chan ngập nước là món ăn yêu thích của bất kỳ ai”, Ngô Minh Nghĩa, người dân Phan Thiết, Bình Thuận chia sẻ.
Đến khi vào Sài Gòn học đại học, nhớ hương vị quê nhà, Nghĩa không tìm được món mì Quảng giống ở quê vì mì bán tại Sài Gòn là một kiểu rất khác. Tìm hiểu thêm, chàng trai 24 tuổi mới biết đây là mì Quảng ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng. Dù cùng tên nhưng món ăn có nhiều điểm khác biệt.
Về hình thức, mì Quảng Phan Thiết có nước dùng được chan đầy đặn trong tô như kiểu bún bò, bún riêu và có màu đậm, đỏ cam của màu dầu điều. Còn mì Quảng ở Quảng Nam nước nhưn (nước dùng) chỉ chan xâm xấp, ít và hơi cô đặc, có màu vàng tươi của nghệ.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy mì ở Quảng Nam được làm từ bột gạo có bản to, dẹt và dày, màu trắng hoặc vàng. Còn mì Quảng ở Phan Thiết cũng làm từ bột gạo, nhưng sợi nhỏ và tròn hơn, thường là màu trắng, có khi ăn kèm cùng mì vắt vàng có độ dai và thơm hơn.
Ngoài ra, các kiểu mì ở Quảng Nam khá đa dạng, bạn có thể ăn mì Quảng tôm, thịt, trứng, giò, gà, lòng gà trứng non, ếch, cá lóc, sứa. Còn mì Quảng ở Phan Thiết đặc trưng nhất là vịt, mì đùi gà và giò heo, không có topping hải sản, trứng như tại Quảng Nam.
Bên cạnh đó, trong phần nước nhưn, người Quảng Nam sẽ dùng củ nén để làm gia vị tạo mùi thơm, nước có vị mặn ngọt hài hòa, đậm đà. Còn người Phan Thiết sẽ không dùng củ nén, mùi thơm dậy từ thịt vịt, xương heo, giò hầm trong nhiều giờ. Khi nếm một muỗng nước dùng, bạn sẽ cảm nhận rõ độ ngọt thanh, có chút béo cay.
Rau sống rất quan trọng trong món mì Quảng ở Quảng Nam, thường trộn nhiều loại rau với nhau như húng quế, cải, xà lách, diếp cá, bắp chuối, giá trụng… Nếu là người Hội An thì còn đòi hỏi đó phải là rau Trà Quế mới đúng điệu. Đổi lại, mì Quảng Phan Thiết thường có giá sống, diếp cá và húng lủi, khi ăn, thực khách sẽ nhúng rau vào tô cho mềm, mùi thơm của rau sực nức, hòa quyện trong vị ngọt thanh của nước dùng làm món ăn thêm ấn tượng.
Ngoài ra, mì Quảng ở Quảng Nam nhất định phải có bánh tráng nướng giòn ăn kèm, nếu thiếu thì không ra chất mì Quảng. Bánh phải là loại bánh tráng Đại Lộc nướng giòn, bẻ nhỏ ra ăn kèm cùng mì. Cái cứng, giòn của bánh tráng đi kèm với cái mềm của sợi mì, tưởng đối nghịch nhưng lại rất hợp nhau. Tuy nhiên, món mì của người Phan Thiết lại không có bánh tráng ăn kèm.
Hồng Anh, du khách từng thưởng thức hai kiểu mì Quảng trên, chia sẻ cô thích ăn mì Quảng gà ở Quảng Nam vì món ăn đậm đà, thịt gà dai ngọt, nước nhưn ít nhưng mỗi sợi mì đều thấm vị. Còn mì Quảng ở Phan Thiết có vẻ “dễ ăn” hơn vì giống các món nước tại Sài Gòn như bún riêu, bún bò. “Tôi nhớ hoài vị ngọt thanh của nước dùng, mùi thơm dậy từ xương hầm thơm phức, xen lẫn chút cay”, Hồng Anh nói.
Theo cô, sự đa dạng ẩm thực làm cho món ăn Việt Nam phong phú hơn. Nếu có dịp, du khách nên thưởng thức cả hai phiên bản này để cảm nhận vị ngon riêng của từng món. “Không có gì tranh cãi cho hai phiên bản mì Quảng ở Phan Thiết và Quảng Nam vì đây đều là món ăn gắn liền với người địa phương. Thưởng thức món ăn như hiểu thêm về cuộc sống, con người nơi đó”, Hồng Anh bày tỏ.
Huỳnh Nhi