Khách nước ngoài nói gì về độ mở e-visa của Việt Nam?

Du khách nước ngoài bất ngờ và vui mừng trước độ cởi mở trong chính sách visa của Việt Nam nhưng nhận xét vẫn còn điểm cần khắc phục với trang web xin visa. – Du lịch

Từ 15/8, Chính phủ cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới thay vì chỉ 80 quốc gia, vùng lãnh thổ như trước. Thời hạn tạm trú của e-visa cũng nâng từ 30 ngày lên 90 ngày. Ngoài ra, thời hạn tạm trú cũng được tăng từ 15 ngày lên 45 ngày với công dân 13 quốc gia Việt Nam đơn phương miễn thị thực.

Trả lời Du lịch, Shiela Zobel, du khách Đức, cho rằng việc cho phép công dân mọi quốc gia, vùng lãnh thổ được xin e-visa sẽ giúp họ dễ dàng hơn khi quyết định tới Việt Nam. Đức nằm trong danh sách được Việt Nam đơn phương miễn thị thực nên Zobel có thể ở lại Việt Nam tới 45 ngày hoặc 90 ngày nếu xin e-visa. Cô nhận xét thời hạn 30 ngày như trước là quá ít và những du khách như cô “chán ngấy việc phải đến cửa khẩu Mộc Bài” mỗi tháng để xin lại visa.

“Như vậy rất lãng phí thời gian, chúng tôi cũng cần tiết kiệm tiền. Với sự thay đổi hiện tại, tôi nghĩ nhiều du khách nước ngoài sẽ được hưởng lợi và quyết định ở lại Việt Nam lâu hơn”, Zobel nói và cho biết sẽ tới Việt Nam vào 21/8 tới.

Khách nước ngoài đến Hội An hồi tháng 4. Ảnh: Ngọc Thành

Khách nước ngoài đến Hội An hồi tháng 4. Ảnh: Ngọc Thành

Reg Boling, người Mỹ, dành tình cảm lớn với con người, cảnh quan và văn hóa, ẩm thực Việt Nam. Ông nói đã đến Việt Nam vài lần kể từ tháng 3 và nhận xét thời hạn tạm trú 30 ngày như chính sách cũ chỉ đủ để du khách “nhìn thấy một phần rất nhỏ của đất nước”. Boling hiện nghỉ hưu và xem Việt Nam là một điểm đến tiềm năng để đầu tư kinh doanh. Việc kéo dài thời gian tạm trú cho khách nước ngoài không chỉ giúp những người như ông đi du lịch nhiều hơn mà còn tăng khả năng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, Boling nói Việt Nam cũng nên xem xét miễn thị thực thêm cho nhiều quốc gia khác và đưa ra chính sách visa ưu tiên cho người nghỉ hưu có kinh tế tốt. Theo Boling, một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore đã làm vậy và điều này đem lại lợi ích kinh tế cho đôi bên.

Cũng chung quan điểm với Zobel và Boling, Sue Schein, du khách Mỹ, cho biết đã đến Việt Nam nhiều lần từ năm 2015 và là một trong những người đầu tiên trở lại du lịch sau đại dịch. Bà đã chờ đợi sự thay đổi chính sách visa từ lâu. Schein dự định tới Việt Nam trong tháng 10 và ở lại hai tháng để du lịch Hà Nội, Sa Pa (Lào Cai) và có thể là Lào.

“Tôi mong Việt Nam có thể nới rộng chính sách visa hơn nữa trong tương lai. Thật lòng, tôi hơi ghen tị với những người được miễn thị thực”, bà nói.

Ngay trong ngày 15/8, Schein đã thử xin e-visa vào Việt Nam nhưng gặp một số vấn đề với website xin visa. Nữ du khách nhận xét giao diện website xin e-visa mới trông hiện đại và chi tiết hơn nhiều phiên bản cũ. Tuy nhiên, website còn nhiều lỗi, đặc biệt ở bước thanh toán. Tới rạng sáng 17/8 (giờ Việt Nam), Schein vẫn không thể hoàn thành hồ sơ xin e-visa do chưa thanh toán được.

Khách nước ngoài đến Hội An hồi tháng 4. Ảnh: Ngọc Thành

Thông báo lỗi thanh toán khi Schein xin e-visa vào khoảng 22h30 ngày 16/8. Ảnh: NVCC

Schein không phải du khách duy nhất gặp tình trạng này khi xin e-visa trên website Cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Joel, du khách Mỹ, cho biết gặp một số vấn đề khi tải ảnh và cả bước thanh toán. Ngoài ra, Joel cho rằng có đôi chút phiền toái khi phải trả lời một số câu hỏi.

Ví dụ, ở bước nộp hồ sơ trực tuyến, du khách phải trả lời câu hỏi đã đến Việt Nam trong vòng một năm trở lại đây chưa? Joel cho rằng câu hỏi này khá thừa bởi các cơ quan chức năng vốn đã nắm rõ những thông tin này. Ngoài ra, du khách cũng phải trả lời câu hỏi sẽ ở đâu khi tới Việt Nam. Theo Joel, đây là câu hỏi phổ thông nhưng khó chịu ở chỗ du khách phải ghi rõ quận, phường nơi sẽ ở. Anh nói đa số du khách không thể nắm rõ các thông tin này.

“Tôi nghĩ Việt Nam nên đơn giản hóa mọi thứ để giúp khách du lịch dễ dàng tới với các bạn hơn. Những rắc rối nhỏ nhặt kia sẽ khiến nhiều người chọn Thái Lan thay vì Việt Nam”, anh nói.

Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vietcircle, “không có gì để chê trách” về độ mở trong chính sách visa hiện nay. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cải thiện hơn một số yếu tố kỹ thuật để du khách cảm thấy được chào đón ngay từ khâu xin visa.

Ông Huê gợi ý cần sớm có thông báo bằng văn bản, phổ biến rộng rãi về website xin visa chính thức của Việt Nam. Hiện tại, trên mạng có nhiều website giả, sử dụng tên miền tương tự website thật, dễ khiến du khách nhầm lẫn. Zobel cũng nói từng bị lừa khi xin visa vào Việt Nam.

Mặt khác, đại diện Vietcircle cho rằng Việt Nam vẫn còn thiếu những người trực tổng đài để hỗ trợ du khách khi có thắc mắc về visa. Hiện tại, du khách nước ngoài không thể liên hệ trực tiếp qua điện thoại hay nhắn tin trực tuyến với nhân viên hỗ trợ. Họ phải liên hệ qua mail và việc chờ đợi đôi khi kéo dài vài ngày. Trước đó, một số du khách quốc tế từng phản ánh không nhận được hỗ trợ khi gửi mail để thắc mắc thủ tục visa.

Hiện tại, website xin e-visa của Việt Nam chỉ hỗ trợ hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt. Ông Huê nhận xét đây là thiếu sót cần sớm bổ sung để hỗ trợ tối đa du khách trong quá trình làm thủ tục. Một số ngôn ngữ nên được thêm vào là Trung Quốc (phục vụ khách Trung Quốc), Pháp (khách Pháp, cộng đồng châu Phi, Trung Đông), Tây Ban Nha (cho khách Nam Mỹ). Theo ông Huê, nếu cải thiện được những yếu tố trên, du khách sẽ cảm nhận được sự hiếu khách từ Việt Nam và muốn đến du lịch nhiều hơn.

Tú Nguyễn


Bài viết được đề xuất