Có hẳn ba công ty ở Đức, Pháp, Ba Lan gửi thư bảo lãnh đích danh, anh Ngũ Dũng tự tin đậu visa. Nhưng cuối cùng, anh trượt. – Du lịch
Dưới đây là chia sẻ của Ngũ Dũng, CEO một công ty thiết bị đo lường tại TP HCM, về hai lần trượt visa Schengen. Anh hy vọng chia sẻ có thể giúp ích các du khách có ý định xin visa châu Âu tránh được sai sót giống mình và thành công.
“Công ty tôi đại diện phân phối một số hãng thiết bị tại châu Âu. Vì vậy, tôi có duyên được mời sang đó nhiều lần. Mọi người thường nói nếu có công ty bản xứ bảo lãnh thì visa có tỷ lệ đỗ cao. Nhưng không phải lần nào, tôi xin cũng thành công”, anh nhớ lại.
Lần đầu tiên anh bị trượt là khi xin visa để đến triển lãm thiết bị tại Đức năm 2016, và tham gia đào tạo tại nhà máy tại Pháp, Ba Lan. Do chưa có kinh nghiệm xin visa nên anh nhờ phía dịch vụ.
Anh nhờ đối tác bên châu Âu gửi thư mời. Tổng cộng, anh có ba thư mời của ba nhà máy tại Đức, Pháp, Ba Lan. Họ thậm chí còn mời đích danh anh và vợ, vì cả hai là người đồng sáng lập công ty. Vợ chồng anh Dũng chuẩn bị các hồ sơ theo đúng yêu cầu: giấy tờ nộp thuế của công ty, xác nhận không nợ thuế của doanh nghiệp, số dư tài khoản ngân hàng trên 600 triệu tại thời điểm nộp, sao kê tài khoản cá nhân và công ty, thẻ tín dụng, giấy đăng ký kinh doanh, hồ sơ nhà đất…
Để tăng tỷ lệ đỗ, anh còn in thêm một tập các hợp đồng mua bán, chuyển tiền, email giao dịch giữa công ty anh và đối tác trước thời điểm xin visa. “Hồ sơ phải nói là dày hơn 5 cm. Cá nhân tôi nghĩ hồ sơ như thế là quá mạnh và đầy đủ rồi, nên rất yên tâm. Tôi tự tin ngồi chờ đến ngày bay. Vì tự tin, tôi đã mua sẵn vé máy bay”, vị CEO 40 tuổi chia sẻ.
Nhưng anh bị trượt. Sau đó là chuỗi ngày viết thư phúc khảo. Anh nhờ cả đối tác bên Pháp gọi điện trực tiếp cho Lãnh sự quán ở TP HCM. Nhưng câu trả lời vẫn như ban đầu. Theo quy định, hai vợ chồng bị từ chối với lý do: “Nghi ngờ về ý định sẽ rời khỏi EU trước khi visa hết hạn”.
Lần trượt thứ hai là năm 2018. Anh xin đi Tây Ban Nha. Hồi đó anh có kinh nghiệm hơn, và cũng đã trúng visa đi Đức, Anh, Mỹ. “Vậy nên tự tin có thừa”, anh cười nói khi nhớ lại. Chính vì tự tin, nên lần này anh mạnh dạn rủ thêm sáu người bạn nữa đi du lịch cùng và đích thân đảm nhiệm việc làm hồ sơ.
Những người bạn của anh đều là chủ doanh nghiệp, doanh thu từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ. Họ đều có nhiều bất động sản tại TP HCM. Vì tin rằng hồ sơ đủ mạnh, nên anh còn làm sẵn cho mỗi người một giấy phép lái xe quốc tế để khi sang đó thì thuê xe đi phượt. “Nhưng trượt hết. Duy nhất một người em thuộc biên chế Nhà nước, là công nhân viên chức thì đỗ”, anh nói.
Sau hai lần thất bại dù hồ sơ mạnh, cùng với ba lần khác xin visa Schengen thành công, anh tự nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân, nhằm rút kinh nghiệm cho chính mình và bạn bè.
Với lần trượt đầu tiên, anh Dũng chỉ ra điểm sai thứ nhất là quá tự tin vì có thư mời từ ba đối tác, thêm việc vợ từng là cựu du học sinh nên hai vợ chồng xin visa Pháp. Nhưng vé máy bay anh lại đặt đến Đức đầu tiên. Thời gian lưu trú tại Pháp cũng chỉ nhiều hơn Đức một ngày.
Điểm sai thứ hai anh nghĩ với mục đích chuyến đi công tác là chính, anh có thể nộp hồ sơ xin vào Đức hoặc Pháp đều được. Vì thế, hai vợ chồng chuẩn bị hồ sơ đồng thời xin cả hai nước, lịch hẹn chỉ cách nhau hai tuần. Do cùng làm nhiều hồ sơ một lúc nên không tránh khỏi sai sót.
Điểm sai thứ ba là không theo sát đơn vị làm dịch vụ, cứ tìm trên mạng rồi thấy báo giá cạnh tranh là chọn. Cuối cùng, anh nhận ra “của rẻ là của ôi”. Nên anh khuyến khích mọi người nên chọn đơn vị uy tín để làm, thay vì chỉ quan tâm đến giá cả.
Với lần trượt thứ hai, anh chủ quan làm lịch trình dọc biển Địa Trung Hải tới Tây Ban Nha để xem bóng đá. Lịch trình này không hợp lý vì quá “cưỡi ngựa xem hoa”. Các loại vé như máy bay, tàu, ôtô, vé xem bóng đá… đều chỉ đặt lấy lệ, và chi phí bỏ ra cho chuyến đi theo đúng lịch trình này quá cao so với thu nhập của các thành viên.
Điểm sai thứ hai là trong đoàn có những người chưa từng đi châu Âu, cũng không có sổ tiết kiệm hay số dư tài khoản đủ an toàn. Lương thì theo kiểu “anh em tự chia”, vì đều là đồng sáng lập, đồng sở hữu công ty. Sao kê tài khoản ngân hàng không khớp mới mức thu nhập đủ để đi chơi hoành tráng như lịch trình kê. Điều này khiến phía xét duyệt visa thấy vô lý, nên bị loại là điều đương nhiên.
Điểm thứ ba anh tin rằng nếu đi chơi, và để vợ con ở nhà thì “quá chắc chắn”. Nhưng điều này lại khiến bên cấp visa nghi ngờ nhóm anh sang đó trốn ở lại đi lao động chui. Tất cả đều bị trượt vì nguyên nhân: “Mục đích và thời gian lưu trú không đáng tin cậy”.
Mai Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty Kiri Travel tại TP HCM, nổi tiếng trong giới lữ hành vì “mát tay” xin visa châu Âu cho du khách. Với kinh nghiệm 5 năm trong nghề, Đạt cho biết xin thị thực nói chung và Pháp nói riêng không quá khó so với tưởng tượng của nhiều người. “Điều quan trọng là du khách cần có khả năng kiểm tra, đánh giá hồ sơ của mình điểm mạnh và yếu là gì? Nếu là điểm mạnh, khách cần phát huy và nhấn mạnh cho sứ quán thấy, điểm yếu thì phải khắc phục, bổ sung để có hồ sơ tốt nhất. Điều này giúp lấy được sự tin tưởng đối với sứ quán các nước”, anh nói.
Đạt luôn nhắc khách chuẩn bị hồ sơ với phương án chậm nhưng chắc. Và điều quan trọng nữa là tính mình bạch, rõ ràng, logic trong mọi giấy tờ cung cấp cho sứ quán. “Trước hết phải đảm bảo đầy đủ yếu tố về tài chính và công việc. Hai cái này phải logic với nhau. Chứng minh được nguồn tài chính của mình từ đâu ra và tài chính này phải đảm bảo được bạn có khả năng quay về hay không? Ví dụ : Không thể nào lương 5 triệu và giao dịch tài chính dưới 10 triệu một tháng trong tài khoản ngân hàng mà lại có thể đi du lịch châu Âu. Điều này sẽ không hợp lý và bạn sẽ bị trượt”, anh nói.
Phương Anh