1. Sản phẩm du lịch biển đảo
Sản phẩm du lịch biển đảo
Du lịch biển đảo là loại hình du lịch được phát triển dựa trên những tiềm năng về biển, diễn ra trong các vùng có tiềm năng về biển đảo hướng tới thỏa mãn nhu cầu của con người về vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển, nghiên cứu…
Như vậy, sản phẩm du lịch biển đảo là sản phẩm du lịch theo đặc thù tài nguyên, được hiểu là sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch biển đảo của địa phương với các loại hình như tắm biển, nghĩ dưỡng biển, thăm quan cảnh quan, di tích, các hệ sinh thái biển…
Du lịch biển đảo đang là loại hình du lịch được chú trọng đầu tư ở Việt Nam nhờ những lợi thế về biển. Việt Nam đứng thứ 27 trong tổng số 156 quốc gia có biển trên thế giới.
2. Đặc điểm của du lịch biển đảo
2.1 Phân bố
Du lịch biển đảo phân bố ở những nơi có tài nguyên biển đảo. Biển đảo Việt Nam có tiềm năng du lịch lớn với đường bờ biển dài 3260km, hơn 1 triệu km2 mặt nước biển, kéo dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ, phân bố rải rác trên hầu hết các tỉnh từ Bắc vào Nam.
2.2 Tính mùa vụ
Khí hậu nước ta có tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa. Hoạt động du lịch biển đảo chịu tác động của yếu tố khí hậu. Mùa hè là khoảng thời gian cao điểm của du lịch biển đảo vì thời tiết oi nức nên các nhu cầu tắm biển, nghỉ dưỡng tăng cao. Ngược lại, mùa đông lại là mùa thấp điểm của du lịch biển đảo nhất là đối với các tỉnh miền Bắc do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, không thích hợp cho các loại hình tắm biển và nghỉ dưỡng. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong phạm vi chịu ảnh hưởng của bão nhiệt đới, thời tiết diễn biến thất thường nên làm gián đoạn hoạt động du lịch biển đảo.
2.3 Sự đa dạng về các loại hình du lịch
Du lịch biển đảo là sự tổng hợp đa dạng của nhiều loại hình du lịch như: Nghỉ dưỡng, thể thao, nghiên cứu, thám hiểm, cắm trại…Đây là cơ sở để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Đặc điểm của du lịch biển đảo
3. Các loại sản phẩm du lịch biển đảo
3.1 Du lịch sinh thái
Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Du lịch sinh thái là hoạt động nhằm thỏa mãn du khách về tìm hiểu các hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa bản địa. Địa điểm tổ chức thường là nơi tương đối hoang sơ, có phong cảnh đẹp, văn hóa bản địa gần như được bảo tồn nguyên vẹn: như các vườn quốc gia, các khu dự trữ sinh quyển, các khu bảo tồn thiên nhiên, các làng, bản văn hóa.
3.2 Du lịch nghỉ dưỡng
Là hoạt động du lịch nhằm khôi phục lại sức khỏe của con người sau thời gian làm việc mệt mỏi. Địa điểm yêu thích với du khách thường là nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ, phong cảnh đẹp.
3.3 Du lịch lặn biển
Du lịch lặn biển là một sản phẩm có đầu tư công nghệ, vốn, chất xám. Vùng biển đảo thích hợp cho loại hình du lịch này là những nơi có vịnh, bãi cát đẹp, nước trong, phong cảnh còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ, có nhiều loại san hô và các hang động hấp dẫn.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Du lịch lặn biển Orca, Nha Trang, hiện nay vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận thuận lợi cho du lịch lặn biển phát triển. Lùi vào phía nam có Côn Đảo cũng là một điểm lặn tuyệt vời.
Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ để nước ngoài khai thác do hạn chế về kinh nghiệm và công nghệ. Vốn đầu tư cho ngành du lịch lặn biển cần khá lớn. Quy hoạch cho ngành này hoàn toàn chưa có, đa phần vẫn phát triển theo lối tự phát, vừa gây lãng phí lớn vừa không bảo tồn sinh thái biển.
Các loại sản phẩm du lịch biển đảo
3.4 Du lịch nghiên cứu, học tập
Là loại hình du lịch ngày càng phổ biến, do nhu cầu kết hợp lý luận và thực tiễn, học đi đôi với hành. Một trong các hình thức biểu hiện của loại hình này là sinh viên thuộc các ngành địa lý, lịch sử, văn hóa, môi trường..được tổ chức, đi nghiên cứu, tìm hiểu thực tế. Địa điểm đến là những nơi có đối tượng phù hợp với nội dung học tập như vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, các di tích lịch sử văn hóa…khu vực biển đảo.
3.5 Du lịch thể thao
Đây là sản phẩm du lịch gắn liền với sở thích của khách về một loại hình thể thao nào đó. Du lịch thể thao được chia thành hai loại: Du lịch thể thao chủ động và du lịch thể thao bị động. Du lịch thể thao chủ động là hình thức du lịch, trong đó khách du lịch tham gia trực tiếp vào hoạt động thể thao: bóng chuyền bãi biển, lướt ván, đua mô tô nước… Du lịch thể thao thụ động là những chuyến đi để xem các cuộc thi đấu thể thao, thế vận hội…
Nguyễn Lê Hà Phương
Nguồn: Tri thức Cộng đồng