Ấn Độ- Hơn 5.000 quầy tại chợ Ima Keithel đều do nữ giới đứng bán và họ đều là những người có tiếng nói ở địa phương. – Du lịch
Ima Keithel, nằm tại thành phố Imphal, bang Manipur, thoạt nhìn giống mọi khu chợ địa phương khác, tấp nập người bán – mua với đủ loại mặt hàng từ trái cây tươi đến thực phẩm, vải vóc.
Nhưng khi đi dạo qua hơn 5.000 quầy hàng trải dài trên ba tòa nhà cao tầng và một biển lều bạt xung quanh, du khách sẽ nhận ra người bán ở đây đều là phụ nữ.
Meilani Chingangbam, 65 tuổi, chuyên bán nhang và đồ trang trí đền thờ từ năm 2002 nói: “Chúng tôi (các tiểu thương) giống như gia đình. Mọi người đều là chị em”. Tungdar Makunga, 50 tuổi, đồng tình: “Tôi mới bán hàng ở đây nhưng mọi người đều rất hợp tác và thân thiện”.
Trong tiếng địa phương Ima Keithel có nghĩa là “chợ của mẹ”, được mệnh danh khu chợ dành riêng cho phụ nữ lớn nhất thế giới, theo CNN. Đàn ông có thể ra vào mua hàng, khuân vác hoặc làm nhiệm vụ bảo vệ, nhưng không có ai đứng bán trong quầy.
Sáng sớm, mùi hương của eromba (món ăn địa phương gồm khoai tây nghiền, măng, tương ớt cá khô) thoảng trong không khí. Ở một góc chợ, nhóm các bà chủ túm tụm phàn nàn về việc bị giao hàng chậm hay chất lượng sản phẩm không được như ý.
Một nhóm phụ nữ khác bận rộn dâng lễ vật tại đền thờ Ima Imoinu – nữ thần bảo trợ cho công việc kinh doanh cho khu chợ. Trên các lối đi là hàng hóa xếp chồng lên nhau như gỗ thông thơm, lá trầu không, đồ gốm thủ công và giỏ trẻ, chăn lụa mịn, các loại thảm đủ màu sắc.
Các tiểu thương đứng xen kẽ giữa các chồng hàng, đeo khăn choàng màu hồng, vàng, đỏ hoặc xanh lá. Tất cả màu sắc đều rực rỡ. Một số khác quấn khăn trùm đầu theo phong cách đạo Hồi.
Lina Moirangthem, hướng dẫn viên du lịch địa phương, nói: “Bạn có thể mua mọi thứ mình cần ở đây. Phần lớn nền kinh tế của bang dựa vào những người phụ nữ này”.
Theo phong tục, chỉ những phụ nữ kết hôn mới được buôn bán. Và để có được một gian hàng chính thức ở đây, họ phải được một người bán hàng đã về hưu đề cử. Người được giới thiệu thường có quan hệ mật thiết với người tiến cử như em gái, con gái hoặc họ hàng.
Priya Kharaibam, 34 tuổi, là thế hệ thứ ba trong gia đình làm nghề buôn bán đồ gốm tại Ima Keithel. Cô thừa hưởng gian hàng từ bà ngoại: “Tôi tự hào được điều hành công việc kinh doanh của gia đình”.
Chợ được thành lập từ thế kỷ 16, chỉ là một khu chợ trời chuyên buôn bán cây trồng. Thời điểm đó, phần lớn nam giới trưởng thành tại địa phương đều nhập ngũ. Phụ nữ ở lại cáng đáng công việc gia đình, buôn bán.
Lokendra Arambam, học giả từng nghiên cứu về lịch sử tại đại học Manipur, cho biết thành phố nằm ở giữa bang, dễ tiếp cận nên nơi này nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế trong khu vực. Những người phụ nữ buôn bán trong khu chợ ngày càng có tiếng nói hơn.
Năm 2003, khi chính quyền bang công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm mua sắm trên khu chợ, các tiểu thương đã đình công kéo dài hàng tuần. Ngày nay, phụ nữ ở chợ vẫn thưởng xuyên tổ chức các cuộc biểu tình về những vấn đề họ không đồng ý. Ý kiến của họ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cuộc bầu cử địa phương.
Thoudam Ongbi Shanti, Trưởng một nhóm tiểu thương trong chợ, cho biết những người phụ nữ ở đây có một sức mạnh lớn. Nhưng họ không phải là những người phi thường. “Chúng tôi chỉ muốn kiếm tiền đủ sống qua ngày và trở thành các bà mẹ có trách nhiệm”.
Ngày nay, Manipur là một trong những bang tỷ lệ phụ nữ biết chữ cao nhất ở Ấn Độ và được coi là bang tiên phong cho bình đẳng giới trên cả nước. Người bán vải 80 tuổi Nongmai Them Khumsonbi nói rằng khi bà mới cưới, chồng bà, lúc đó là một nhân viên chính phủ đã phản đối việc vợ bán hàng ở chợ. Ông tin rằng phụ nữ thì nên ở nhà. “Chúng tôi tranh cãi và tôi đã thắng. Cuối cùng thì tôi bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn ông ấy”, Khumsonbi nói.
Oinam Ongbi Jayela, một thợ may 64 tuổi và là góa phụ, cho biết: “Tôi yêu công việc của mình. Tôi làm việc một cách say mê. Bán hàng ở chợ không chỉ là công việc mà còn để thư giãn. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được ở bên những người phụ nữ (tiểu thương) này”.
Anh Minh (Theo CNN)