Trung Quốc- Khi có người ngỏ ý giúp làm thủ tục tại cửa khẩu Lào Cai “cho nhanh”, nên từ chối vì thời gian xếp hàng không quá lâu. – Du lịch
Nguyễn Ngọc Lan, 31 tuổi, sống tại Hải Dương vừa có chuyến du lịch tự túc đến Đại Lý – Lệ Giang (tỉnh Vân Nam) vào cuối tháng 4 cùng một người bạn. Dưới đây là những chia sẻ của du khách Việt về cách xin visa du lịch, đi lại, ăn uống, thuê phòng và các điểm chụp ảnh đẹp. Tổng chi phí chuyến đi 4 ngày hết khoảng 12 triệu đồng (một tệ bằng 3.200 đồng).
Thủ tục xin visa (2 triệu đồng)
Lan xin visa du lịch dạng L (được lưu trú 15 ngày). Hồ sơ gồm: hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng, ít nhất hai 2 trang trống, một bản photo trang thông tin hộ chiếu, bản photo căn cước công dân, tờ khai thị thực, ảnh chân dung, giấy xác nhận đặt vé máy bay khứ hồi. Phí làm visa tự túc 2 triệu đồng. Nếu làm qua dịch vụ, phí đắt hơn.
Lan yêu thích khám phá và tìm hiểu văn hóa phương Đông. Ngoài ra, cô cũng có nhiều bạn Trung Quốc, am hiểu tiếng Trung và không muốn gò bó theo một lịch trình nhất định. Do đó, nữ du khách quyết định đi tự túc ngay sau khi biết Trung Quốc mở cửa với khách quốc tế.
Di chuyển (3 triệu đồng)
Từ Việt Nam sang Trung Quốc: Lan bắt xe khách đến cửa khẩu Lào Cai ngủ lại một đêm. 6h30 sáng hôm sau cô xếp hàng làm thủ tục sớm, khai báo y tế qua wechat.
Tại cửa khẩu có rất nhiều “cò mồi” khách đưa hộ chiếu hoặc sổ thông hành để họ xếp hàng giúp “cho nhanh”. Lan khuyên nên từ chối vì thời gian chờ để xuất cảnh từ Việt Nam “rất nhanh”.
“Bên Trung Quốc kiểm ra lâu hơn. Nhiều loại đồ ăn bị bỏ lại. Họ cũng sẽ hỏi những câu đơn giản như đi đâu, để làm gì, đi trong bao lâu bằng tiếng Trung”, Lan nói. Theo quan sát của nữ du khách, phía Trung Quốc sẽ hỏi nhiều với những người biết tiếng.
Từ Hà Khẩu đến Đại Lý: Có rất nhiều taxi ở khu vực cửa khẩu. Hãy báo xe đưa ra ga Hà Khẩu bắc để lên tàu, giá 20 tệ. Có thể mua sim điện thoại ở khu vực này với giá 100-110 tệ. Theo gợi ý từ Lệ Phương, một hướng dẫn viên du lịch có 7 năm kinh nghiệm dẫn khách Việt sang Trung Quốc, khách cũng có thể mua sim tại Việt Nam, giá khoảng 300.000 đồng.
Nên đặt vé tàu chuyến đi khoảng 14h (đến Đại Lý) để có nhiều thời gian, không bị gấp hay trễ chuyến. Giá vé tàu khoảng 300 tệ. Lan tới Đại Lý khoảng 21h.
Từ Đại Lý đến Lệ Giang: Giá vé tàu 80 tệ, thời gian di chuyển gần hai tiếng. “Đến ga vẫn phải đặt xe đi vào cổ trấn vì xa”, Lan nói.
Cô được một người địa phương hướng dẫn một cách đi Lệ Giang khác. Đó là đi xe khách từ Đại Lý đến thẳng Lệ Giang, giá 70 tệ. Thời gian di chuyển lâu hơn gần một tiếng nhưng khi xuống bến chỉ cần bắt taxi đi thêm một đoạn ngắn, sẽ tiết kiệm được tiền taxi.
Ăn uống và khách sạn (khoảng 4 triệu đồng)
Tại Đại Lý, Lan đặt phòng của khách sạn bình dân, phòng đôi giá 208 tệ. Giá phòng tại Lệ Giang là 199 tệ. Nên đặt phòng tại khu vực trung tâm để tiện đi lại, ăn uống. “Phòng ở đây đều sạch sẽ”, cô nói.
Đồ ăn ở các nơi đều khá giống nhau với các món chính như: mì qua cầu, bánh nướng nhân hoa hồng, thạch đậu xanh, các loại lẩu, nướng. Đồ ăn phần lớn cay, nếu không ăn được cay du khách nên báo trước với chủ quán. Một bữa lẩu nướng 3 người ăn khoảng một triệu đồng.
Các quán bar ở khu vực phố cổ “vô cùng náo nhiệt” và đều có ca sĩ biểu diễn. “Tôi đi dạo Lệ Giang đã là 23h nhưng phố cổ vẫn đông người qua lại. Chủ yếu là khách Trung Quốc”, Lan nói.
Tham quan (khoảng 3 triệu đồng)
Đại Lý là thủ phủ của châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý, diện tích khoảng 1.500 km2 với dân số hơn nửa triệu người. Đây là thành phố có lịch sử lâu đời. Từ thế kỷ thứ 7 đến 10 Đại Lý từng là trung tâm chính trị – văn hóa lịch sử của tỉnh Vân Nam. Các điểm tham quan: thành cổ, Song Lang cổ trấn, tam tháp, chùa Sùng Thánh, tháp Ngũ Hoa.
Còn Lệ Giang là cố đô của vương quốc Naxi, nằm ở độ cao hơn 2.400 m tại cao nguyên Tây Bắc Vân Nam. Cổ trấn này từng là nơi quay bộ phim Thiên Long Bát Bộ. Các điểm nên ghé thăm: núi tuyết Ngọc Long, Mộc Phủ (nơi được mệnh danh là Tử Cấm Thành của Lệ Giang), hồ Lam Nguyệt.
Du khách cũng có thể đi thêm các điểm du lịch khác cũng nổi tiếng ở Vân Nam là Shangri-la, Côn Minh hoặc châu tự trị Tây Song Bản Nạp.
Ngọc Lan cho biết khi lên taxi về khách sạn ở Đại Lý, du khách sẽ được tài xế gợi ý đi tham quan city tour (tour trong thành phố) vào ngày hôm sau với giá 268 tệ, được giảm còn 128 tệ. Nữ du khách Việt khuyến cáo mọi người không nên mua tour vì giá vẫn đắt. Giá thực tế chỉ khoảng 60-70 tệ.
Bên cạnh đó, phía tổ chức tour hẹn khách 9h bắt đầu tham quan thành phố, nhưng phải 12h mới khởi hành vì còn phải đợi đủ khách. Mỗi điểm dừng chân chỉ được ghé tầm 30-60 phút, “hầu như chưa kịp chơi gì”, Lan nói. Do đó, vào ngày thứ hai, cô quyết định thuê riêng một xe để đi tham quan, giá 320 tệ, nhưng đổi lại có thể đi bao lâu tùy ý.
Thành cổ Lệ Giang chia làm nhiều khu: ăn uống, bán quần áo, đặc sản, chuyên chụp ảnh – cho thuê đồ – trang điểm. Nếu tham quan thành cổ buổi tối, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều nhiếp ảnh gia tác nghiệp. “Trong bán kính quanh tôi 1 m có rất nhiều công chúa Tây Tạng, Ấn Độ, Thái Lan đang tạo dáng. Đó là các du khách thuê cổ trang để chụp ảnh”, Lan nói.
Khi mua hàng, thuê đồ chụp ảnh, du khách nên mặc cả. Lan cũng chụp một bộ ảnh lưu niệm ở đây, giá 298 tệ, được chỉnh sửa 9 ảnh và lấy toàn bộ file gốc. “Lúc tôi chụp đã là 24h nhưng nhiếp ảnh gia vẫn chụp rất có tâm. Họ nói hôm nào đông khách thường làm đến 2-3h”.
Trung Quốc hiện không còn áp dụng các biện pháp phòng ngừa Covid-19 nghiêm ngặt như trước. Nhiều người ra đường không còn đeo khẩu trang, các điểm du lịch cũng không bắt buộc. Tuy nhiên cô vẫn đeo khẩu trang để tự bảo vệ sức khỏe.
Lan “cảm thấy rất tiếc” vì chưa khám phá hết được vẻ đẹp của hai điểm đến này vì chỉ có 4 ngày. Cô hy vọng sớm trở lại Trung Quốc để khám phá nhiều hơn nữa.
Phương Anh
Ảnh: NVCC