Kinh nghiệm đi Iran giữa Covid-19 của đôi bạn trẻ Việt

Giang và Duy Anh (giữa) giao lưu cùng nhóm bạn trẻ Iran khi tham quan ở Tehran.

Giang và Anh Duy quyết định đi Iran ngay vì mê mẩn xứ sở Ba Tư cũ trong những câu chuyện nghìn lẻ một đêm. – Du lịch

Nguyễn Thùy Giang (27 tuổi) và Vũ Anh Duy (26 tuổi) ở Hà Nội vừa kết thúc hai tuần khám phá miền nam Iran vào đầu tháng 3.

Cùng lớn lên với những câu chuyện nghìn lẻ một đêm và học tập làm việc trong ngành ngoại giao với đam mê tìm hiểu văn hóa, tôn giáo, hai bạn trẻ 9x đều mơ ước tới Iran. Anh Duy chia sẻ: “So sánh thông tin đọc được về Iran trên báo chí, truyền thông phương Tây và các travel blogger nước ngoài thì thấy sự khác biệt hoàn toàn. Mình càng tò mò muốn tự trải nghiệm hơn”.

Trước chuyến đi vì đọc quá nhiều thông tin giới thiệu về Iran hai bạn thấy rất mơ hồ và bối rối. Trong khi dân du lịch nhận xét đây là đất nước thân thiện, đáng để trải nghiệm thì các nguồn khác đưa ra khuyến cáo về tính an toàn của quốc gia này. Tuy nhiên, khi thực sự đặt chân tới đây, Giang và Anh Duy đã nhận được rất nhiều hỗ trợ từ người dân địa phương.

“Điều đặc biệt làm mình ấn tượng là yếu tố con người. Chưa ở đâu mình được những người dân bản địa mến khách và nhiệt tình như vậy và quả thật chuyến đi này sẽ bất thành nếu không có sự đồng hành của họ. Từ lúc trên máy bay đã có người giới thiệu chỗ ăn ở. Chỉ cần đứng ngoài phố một lúc là mọi người tiến đến bắt chuyện và chở đi chơi, mời về nhà ăn cơm, có người còn bỏ cả công việc để thuê xe đưa hai đứa đi khắp nơi. Đây đúng là nơi để xây dựng lại niềm tin vào tình người và sự thật thà”, Giang kể.

Giang và Duy Anh (giữa) giao lưu cùng nhóm bạn trẻ Iran khi tham quan ở Tehran.

Giang và Anh Duy (giữa) giao lưu cùng nhóm bạn trẻ Iran khi tham quan ở Tehran.

Du lịch Iran có hai tuyến phổ biến là lên phía Bắc hoặc xuống phía Nam, lấy thủ đô Tehran làm trung tâm. Phía Bắc thiên về khám phá thiên nhiên, du khách có thể thuê xe để đi roadtrip thì đôi bạn 9x chọn cung phía Nam qua Shiraz – Isfahan – Kashan – Tehran để được tìm hiểu về kiến trúc, văn hóa, tôn giáo.

Kế hoạch đi Iran đã có từ lâu nhưng chỉ khi Việt Nam cho phép người nhập cảnh tự cách ly tại nhà 3 ngày (đầu tháng 1/2022) thì Giang và Anh Duy mới thực sự bắt tay vào chuẩn bị.

Thủ tục visa

Trước đây Iran cho phép khách Việt xin visa tại sân bay đến (visa on arrival) nhưng hiện tại cần nộp hồ sơ, xét duyệt và lấy kết quả trực tuyến trước. Du khách cần điền thông tin trên website sau khoảng 10 ngày sẽ có kết quả, nếu trúng visa bạn mới phải nộp phí.

Khi điền chọn Place of Issue (nơi nộp bản cứng và đóng phí) là Đại sứ quán Iran tại Hà Nội thì tiền phí 80 euro, nếu chọn nộp tại sân bay ở Iran sẽ tốn 100 euro. Theo Giang, nộp tại Đại sứ quán Hà Nội nếu gặp khúc mắc sẽ được nhân viên hỗ trợ trực tiếp, chi phí thấp và ít rủi ro hơn.

Vé máy bay

Vé bay hành trình Hà Nội/TP HCM – Dubai – Shiraz – Tehran – Hà Nội giá khoảng 25 triệu đồng/người. Tìm mua vé bay giai đoạn mới mở cửa khiến hai bạn trẻ có phần nản lòng vì rất khó có thông tin rõ ràng và giá vé quá cao.

Khi biết tin Emirates được cấp phép hạ cánh ở Việt Nam, hai người đặt vé luôn. Mọi người có thể chọn Turkish Airlines hoặc Qatar nhưng theo Giang mua qua Emirates tiện hơn. Đặt vé trên website của hãng chọn multi-city khi về có dịp ghé qua UAE chơi và mua sắm vì miễn phí visa 48 tiếng cho khách quá cảnh. Ngoài ra, trước 31/3, Emirates bán vé đã gồm bảo hiểm Covid-19.

Thông tin nhập cảnh, xuất cảnh giữa Covid

Giấy tờ cần có trước khi bay: Hộ chiếu, visa, giấy chứng nhận tiêm đủ 2 mũi, kết quả xét nghiệm PCR (cần có mã QR) 72h trước khi nhập cảnh và bảo hiểm Covid. Giang chọn một hãng bán bảo hiểm đã có chi phí chữa trị Covid giá trị 30 ngày chỉ hơn 500.000 đồng.

Nhập cảnh Iran sẽ không có vấn đề gì nếu chuẩn bị giấy tờ (bản cứng) đầy đủ. Khi trở về Việt Nam bạn cần kết xét nghiệm PCR 72 tiếng trước khi bay, dịch vụ này có thể đặt qua khách sạn để lấy mẫu tận nơi và trả kết quả sau 10 tiếng.

Thời điểm tháng 2, Giang và Anh Duy du lịch Iran, mỗi ngày ở đây có 10.000 – 30.000 ca nhiễm chủ yếu tại Tehran. Đa số người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang nơi công cộng nhưng không giữ khoảng cách hay thực hiện 5K như tại Việt Nam.

Tiền tệ

Tiền tệ chính thức của Iran là Iranian Rial (1 Rial = 0.6 đồng). Ngoài ra họ sử dụng song song đồng Toman (1 Toman = 10 Rial) và mua bán bằng Toman nhiều hơn. Bạn nên đổi tiền sang USD hoặc Euro trước khi bay và đổi sang tiền Iran sau khi tới nơi, tại các cửa hàng hoặc cả trên phố.

Chỉ nên đổi trước ít tiền ở sân bay để đi taxi và vào phố đổi sẽ tốt hơn. Tỷ giá ở đây thay đổi theo từng ngày (thậm chí từng giờ) và có thể mặc cả. Giữa tháng 2, tỉ giá 1 euro = 27.000 – 29.000 Toman. Do cấm vận nên Iran chỉ sử dụng thẻ nội địa, không dùng thẻ thanh toán quốc tế, bắt buộc du khách đổi và tiêu tiền mặt.

Giang đùa rằng mọi người nên mang túi to đựng tiền vì 100 Euro đổi được 29 triệu Iran Rial.

Giang đùa rằng mọi người nên mang túi to đựng tiền vì lạm phát mà 100 Euro đổi được 29 triệu Rial.

Điện thoại và internet

Mạng xã hội chính ở Iran là Instagram, nhắn tin bằng WhatsApp. Bạn cần cài đặt VPN để vào Facebook, Messenger và Youtube. Mua sim điện thoại phải mang theo hộ chiếu vào cửa hàng và nghiêm cấm không được đưa sim cho người khác. Sim 4G có sẵn data 16 GB/3 tháng giá 200.000 Toman. Lưu ý, internet ở Iran tốc độ không cao và wifi nhiều chỗ đặt giới hạn số thiết bị đăng nhập.

Thời tiết và trang phục

Thời tiết đầu năm ở Iran khoảng 15 – 20 độ C nhưng có nắng ấm, thuận lợi cho cả di chuyển và chụp ảnh. Đêm xuống tùy nơi có thể giảm sâu 3-4 độ C nên bạn nhớ mang thêm áo khoác ấm hoặc áo mỏng để mặc nhiều lớp cũng như tránh tốn cân hành lý. Khách nữ nên mang theo khăn trùm đầu, mũ để che tóc khi vào các điểm tham quan, tôn giáo.

Di chuyển tại Iran

Đi lại giữa các thành phố bạn có thể đi xe khách cho thoải mái và rộng rãi, giá vé khoảng 50.000 – 100.000 Toman tuỳ chặng. Nếu mua vé máy bay nội địa, bạn cần đặt càng sớm càng tốt vì giá rẻ và ít chuyến mà nhanh hết chỗ.

Di chuyển trong nội thành, Giang và Anh Duy nhờ bạn chở xe máy, bắt taxi trực tiếp, hoặc gọi qua ứng dụng Snapp, giá khoảng 20.000 – 30.000 Toman/chặng. Tuy nhiên, ở thủ đô Tehran tắc đường liên tục mà hai bạn trẻ chọn đi tàu điện ngầm vé chỉ 2.000 Toman/chặng. Tìm đường ở Iran bằng Google Maps được nhưng nếu bạn muốn đi tàu điện ngầm ở Tehran cần tải app Metro Iran.

Ăn ở

Đồ ăn của người Iran chủ yếu là thịt gà, cừu, sử dụng nhiều loại gia vị, thảo mộc như nhuỵ hoa nghệ tây. Tuy vậy, ở Iran dễ tìm và hợp khẩu vị người Việt nhất là món kebab (bánh mì kẹp thịt và rau). Đặc biệt nước hoa quả như nước lựu tươi khoảng 20.000 Toman/ly. Kebab bán ở khắp nơi, kể cả trong các nhà hàng Trung Quốc.

Ở Iran phổ biến kiểu khách sạn boutique được trùng tu lại từ những ngôi nhà cổ rất đẹp và khách sạn xây theo phong cách hiện đại, tiện lợi. Hai bạn trẻ quyết định ở hai khách sạn boutique và hai khách sạn hiện đại.

Một bữa sáng trong khách sạn của hai bạn trẻ 9x.

Một bữa sáng chay trong khách sạn boutique. Chi phí ăn ở đi lại (chưa tính mua sắm) tại Iran trong hai tuần của Giang tốn khoảng 10-15 triệu đồng.

Vui chơi

Người dân Iran rất thích uống trà, cà phê, chụp ảnh nên các tea house (tiệm trà, cà phê) trang trí đẹp và nên thơ. Ngoài ra đời sống về đêm cũng phong phú khi các thành phố lớn còn nhộn nhịp tới tận nửa đêm với hàng quán bán đồ ăn uống vẫn mở. Dù không có câu lạc bộ đêm nhưng muốn tụ tập họ sẽ rủ về nhà nhau tiệc tùng. Ngoài ra, ở một số nơi như Isfahan, các thanh niên đi cắm trại dã ngoại đêm ở sa mạc hoặc trên núi, cùng nhau nướng thịt, nhảy múa.

Không đặt nặng việc check-in nhiều điểm du lịch, Giang và Anh Duy thích thời gian đi bộ, trò chuyện, đi chợ và tìm hiểu đời sống dân địa phương hơn vì muốn trải nghiệm vùng đất này một cách tự nhiên và ngẫu hứng nhất. Tuy vậy, đã tới miền nam Iran du khách khó lòng bỏ qua: Persepolis, ngôi nhà của tầng lớp quý tộc Tabatabai, cung điện Golestan, quảng trường Naqsh-e Jahan, nhà thờ Hồi Giáo Nasir al-Mulk, các khu chợ lớn (bazaar).

Mua sắm

Chi tiêu ở đây thì rất rất rẻ, nhiều người nghĩ đến Iran chỉ để tham quan nhưng với Giang và Anh Duy đất nước này còn là thiên đường để mua sắm đồ lưu niệm, nhất là khi bước vào các chợ (bazaar). Người Iran nghiện đi chợ mua sắm, và vì chính sách cấm vận nên hầu hết hàng hoá Iran đều sản xuất nội địa nên cực độc đáo. Du khách có thể mua nhiều thứ thú vị về làm quà như thảm Ba Tư dệt thủ công, nhụy hoa nghệ tây, đồ gốm, chà là, các loại hạt…

  

Khách Việt du lịch Dubai tự túc đầu năm mới

Khánh Trần
Ảnh: Thùy Giang và Anh Duy

Bài viết được đề xuất