Kỳ vọng thị trường khách du lịch quốc tế

Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 10,3% so với tháng 12/2023 và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này cao nhất kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại du lịch từ tháng 3/2022, tương đương với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2019 (thời điểm trước dịch COVID-19).

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 8/02 – 14/02/2024), ngành Du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023); công suất phòng trung bình ước đạt khoảng từ 45 – 50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (trong đó cơ sở lưu trú du lịch cao cấp từ 4 – 5 sao ở một số địa phương trọng điểm du lịch đạt công suất cao hơn, tập trung vào các ngày 3, 4 Tết).

Khách quốc tế đến Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. (Ảnh: HT)

Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng ghi nhận số lượng khách quốc tế đến tăng cao ở nhiều địa phương: Đà Nẵng ước đón gần 177.000 lượt; Hà Nội ước đón gần 103.000 lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; Ninh Bình ước đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam ước đón 97.000 lượt, tăng 42%; Quảng Ninh ước đón 89.767 lượt; TP. Hồ Chí Minh ước đón 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023; Kiên Giang ước đón 44.370 lượt, tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2023; Lâm Đồng ước đón 20.000 lượt…

Đáng chú ý, một số địa phương có cảng biển quốc tế đã tổ chức đón khách du lịch tàu biển trong dịp Tết Nguyên đán 2024 như Quảng Ninh đón tàu Zhao Shang Yi Dun với 600 khách Trung Quốc; Đà Nẵng đón tàu Zhao Shang Yi Dun và Dream Cruise với khoảng 3.400 khách; TP. Hồ Chí Minh đón tàu Europa, Seabourn Encore, Celebrity Cruises với hàng nghìn lượt khách đa quốc tịch… Những tín hiệu tích cực từ du lịch tàu biển cho thấy một năm phục hồi nhiều khởi sắc của dòng khách quốc tế quan trọng này, trong đó có khách từ thị trường truyền thống Trung Quốc.

Theo Cục Du lịch quốc gia, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng so với cùng kỳ nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch, nỗ lực của các doanh nghiệp và địa phương.

Cùng với đó là có những lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa đa dạng, phong phú. Trong năm 2023 ngành đã được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận với nhiều giải thưởng lớn. Điển hình như việc Việt Nam 4 năm liên tiếp được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” của Tổ chức Du lịch thế giới. Bên cạnh đó, với nỗ lực quảng bá, xúc tiến thời gian qua, Việt Nam hiện là thị trường được du khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất. Đây chính là tiền đề để kỳ vọng ngành sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2024.

Năm 2024, ngành du lịch kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá, hướng tới phục hồi hoàn toàn hoạt động như năm 2019. Mục tiêu đặt ra là quyết tâm phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia du lịch phát triển cao trong khu vực.
Để hoàn thành mục tiêu này, trong năm 2024, du lịch Việt Nam sẽ tham gia Hội chợ ITB tại Berlin (Đức), Hội chợ du lịch quốc tế tại Hàn Quốc, Hội chợ ASEAN – Trung Quốc, Hội chợ du lịch quốc tế Trung Quốc (CITM), Hội chợ du lịch thế giới (WTM)… Cùng với đó là các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại nước ngoài, dự kiến tại Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ…

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ đón các đoàn doanh nghiệp, báo chí, người có tầm ảnh hưởng quốc tế tại một số thị trường du lịch trọng điểm khảo sát du lịch, gồm các đoàn Famtrip, báo chí thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), ASEAN, châu Âu, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Nhằm tăng hiệu quả trong việc thu hút khách quốc tế, Cục Du lịch quốc gia cho rằng, các địa phương cần tiếp tục đổi mới trong việc xây dựng sản phẩm, sao cho hấp dẫn các thị trường khách; đổi mới phương thức quảng bá, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp thúc đẩy liên kết hợp tác, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch.

H.Thanh

Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài viết được đề xuất