Hà Nội cũng là địa danh duy nhất tồn tại khái niệm “phố nghề” – nơi chuyên doanh, buôn bán mặt hàng đặc trưng tên phố và những sản phẩm truyền thống của từng hội phường, hội nghề. Tuy giờ đây chỉ còn dăm con phố giữ đúng nghề xưa nhưng khu vực phố cổ vẫn là nhịp cầu nối hữu hiệu đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đến với người tiêu dùng và du khách gần xa.
Nhận thức rõ ưu thế vượt trội riêng có đó, Hà Nội là địa phương duy nhất trên cả nước ban hành Nghị quyết và xây dựng Đề án về phát triển công nghiệp văn hóa, coi ngành thủ công mỹ nghệ – làng nghề truyền thống là lĩnh vực công nghiệp sáng tạo có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của thành phố.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã bổ sung một số quy định nhằm ưu tiên, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thế nhưng, nỗ lực bảo tồn và phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội cũng đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức. Vậy làm thế nào để tận dụng và khai thác tối đa mạng lưới làng nghề – phố nghề để biến chúng trở thành đòn bẩy hữu hiệu định vị thương hiệu công nghiệp văn hóa riêng có của Thủ đô là câu hỏi mà Nhân Dân hằng tháng dụng công đi tìm lời giải đáp, trong nội dung Tiêu điểm số báo tháng 5/2024 này.
Làng nghề truyền thống của Thủ đô là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt Thăng Long – Hà Nội. Nhận thức giá trị sâu sắc của nguồn tài nguyên quý giá này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống.
Đó là lời khẳng định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, trong lễ khai mạc Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.
Giàu có tài nguyên làng nghề
Điểm qua những làng nghề thủ công mỹ nghệ thuộc một số huyện ngoại thành, dễ dàng nhận thấy Hà Nội đang sở hữu một mỏ vàng đầy tiềm năng về phát triển thủ công mỹ nghệ và du lịch văn hóa – hai thành tố làm nên ngành công nghiệp văn hóa.
Trong tổng số 59 làng của huyện Thạch Thất có đến 50 làng nghề, trong đó
có 10 địa danh được công nhận “làng nghề truyền thống”, sáu người được
phong tặng danh hiệu “nghệ nhân”. Người dân Thủ đô ít ai không biết tới
những chú chuồn chuồn tre của làng nghề Thạch Xá, những chiếc quạt lá đề
của làng mây tre giang đan xã Bình Phú, những ngôi nhà gỗ cổ truyền của
làng mộc Chàng Sơn, Dị Nậu, Hương Ngải…
“Đất trăm nghề” Phú Xuyên đã nổi tiếng từ bao đời nay nhờ các sản phẩm
khảm trai sơn mài Chuyên Mỹ, tò he Xuân La, đan cỏ tế Phú Túc, may
complet Vân Từ… Toàn huyện đạt tới tỷ lệ 100% làng có nghề (154/154),
43 trong số đó được thành phố công nhận “làng nghề”.
Theo số liệu do UBND huyện Phú Xuyên cung cấp thì 62,3% số lao động toàn
huyện thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất ngành nghề
năm 2022 ước đạt 9.278 tỷ đồng (chiếm 84,7% tổng giá trị sản xuất), thu
nhập bình quân đầu người ở khu vực làng nghề đạt khoảng 85-95 triệu
đồng/năm.
Ngoài 12 làng nghề truyền thống (mà nổi bật nhất là làng nghề đồ thờ mỹ
nghệ Sơn Đồng, làng nhiếp ảnh Lai Xá), huyện Hoài Đức còn sở hữu tới 54
làng cổ với nhiều di tích lịch sử-văn hóa có tuổi đời nhiều thế kỷ như
đền thờ Lý Bí, chùa Đại Tự, đình Lưu Xá, đền Di Trạch… Đó chính là nền
tảng để phát triển du lịch làng nghề – du lịch văn hóa cho huyện nhà.
Nhìn vào danh mục Di sản văn hóa Hà Nội, có tới 19/129 di sản mà huyện
Thường Tín đang sở hữu thuộc về nghề thủ công truyền thống. Huyện có 126
làng nghề, 16 nghìn cơ sở sản xuất, thu hút tới 40 nghìn lao động tham
gia.
Chỉ một huyện mà có tới 3 Nghệ nhân Nhân dân, 5 Nghệ nhân Ưu tú và 27
Nghệ nhân Hà Nội. Những giá trị “đẹp – tinh – độc đáo” của sản phẩm thêu
Quất Động, điêu khắc Nhân Hiền, lược sừng Thụy Ứng hay sơn mài Hạ
Thái… đã biến những ngôi làng Thường Tín bình dị trở thành “Điểm du
lịch làng nghề” được UBND thành phố công nhận.
Hà Nội hiện ôm chứa tới 1.350 làng nghề và làng có nghề, bao gồm 47/52 nghề truyền thống, chiếm tới 56% số lượng trên cả nước.
Tính đến hết năm 2022, nơi đây có tới 318 làng nghề và làng nghề truyền
thống tiêu biểu được công nhận. Theo ước tính, làng nghề mang lại việc
làm cho khoảng 1 triệu lao động, giá trị sản xuất xấp xỉ 1 tỷ USD và 200
triệu USD cho giá trị kim ngạch xuất khẩu mỗi năm.
Số liệu từ Sở Công thương Hà Nội cho thấy, làng nghề với những sản phẩm
truyền thống bắt mắt, tinh xảo đã mang lại những giá trị kinh tế không
nhỏ, có khoảng 100 làng đạt ngưỡng doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70
làng đạt từ 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng thu về trên 50 tỷ
đồng/năm.
Các sản phẩm thêu của làng thêu Quất Động. Ảnh: Trần Hải
Độc đáo tài nguyên phố nghề
Không chỉ sở hữu số lượng làng nghề lớn nhất, Hà Nội cũng là địa danh duy nhất trên cả nước gắn liền với khái niệm độc đáo “phố nghề”. Với 47/76 con phố trong khu phố cổ thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm ngày nay có tên bắt đầu bằng chữ “Hàng”, nơi đây là cái nôi vừa sản xuất vừa tiêu thụ, buôn bán mặt hàng đặc trưng tên phố và những sản phẩm truyền thống của từng hội phường, hội nghề trong suốt chiều dài lịch sử nghìn năm hình thành và phát triển.
Tuy giờ đây chỉ còn vài con phố còn giữ được nghề xưa nhưng khu vực phố cổ vẫn là nhịp cầu đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đến với người tiêu dùng và du khách gần xa. Những phố Hàng sắp xếp dạng ô bàn cờ đã trở thành những tuyến phố chuyên doanh gắn với bảo tồn không gian văn hóa-sáng tạo cùng nhiều loại hình văn hóa-nghệ thuật-thủ công mỹ nghệ vô cùng đặc sắc.
Phố Hàng Bạc có tới 90 cửa hàng kim hoàn, Hàng Gai tập trung tới 91 biển hiệu tơ lụa, Lãn Ông quy tụ 85 địa chỉ cung cấp Đông Nam dược vào thời hoàng kim. Con số này hiện nay đã sụt giảm ít nhiều, lần lượt là 65 – 40 – 69 vì nhiều nguyên do, nhưng không thể phủ nhận vai trò cung cấp đầu ra, tìm kiếm và kết nối khách hàng tiềm năng, xuất khẩu tại chỗ thông qua hoạt động du lịch cho sản phẩm của các làng nghề ngoại thành.
Như Hàng Gai hướng tới thương hiệu “tuyến phố cửa hàng tơ lụa, đồ lưu niệm”, Hàng Quạt, Hàng Nón chuyên cung cấp trang phục lễ hội, hát văn, hầu đồng hay nhạc cụ dân tộc…
Không đơn thuần là nơi buôn bán giao thương, phố nghề còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa-lịch sử cốt lõi như không gian văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và các công trình tín ngưỡng… có thể liên kết tạo thành những tuyến điểm kết nối du lịch làng nghề. Như di tích phường nghề đúc bạc Châu Khê số 58 hay Kim Ngân đình ở số 42 Hàng Bạc – nơi tiếp đón các quan tới nhận bạc đúc và bạc nén thời trước… có thể trở thành điểm cuối lộ trình khám phá làng vàng bạc Định Công.
Những thương hiệu kinh doanh uy tín nhiều đời kiểu Thọ Ninh, Thọ Xương, Thọ Minh, Tân Mỹ, Lê Minh… trên các con phố Hàng Nón, Hàng Quạt sẽ làm nên lộ trình khám phá hoàn hảo cho các làng nghề may trang phục truyền thống hay sản xuất đồ thờ cúng…
Sẽ là thiếu sót nếu không liệt kê 1.173 lễ hội và sự kiện văn hóa nghệ thuật cùng 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực mà Thủ đô đang sở hữu. Đó cũng là bầu dưỡng khí trong lành giúp ươm mầm, nuôi dưỡng, tạo nguồn cảm hứng tích cực cho các hoạt động sáng tạo – điều đã giúp Hà Nội được UNESCO vinh danh là “thành phố sáng tạo” trong lĩnh vực thiết kế.
Làng tăm hương Quảng Phú Cầu (Xã Quảng Phú, huyện Ứng Hoà, Hà Nội). Nguồn ảnh: Tạp chí Người Hà Nội
Bệ phóng giúp ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, mỗi làng nghề trên địa bàn Thủ đô lại mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo, in đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Sản phẩm từ những đôi bàn tay tài khéo của vùng đất này đã được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phấn đấu tới năm 2025, Hà Nội sẽ hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP quốc gia gắn với du lịch văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa. Việc tích hợp thêm nhiều giá trị cho làng nghề như phát triển du lịch, trải nghiệm cho du khách là hết sức quan trọng.
Không chỉ là nơi sản xuất, làng nghề đang trở thành điểm đến du lịch văn hóa lý tưởng cho đông đảo du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu, trải nghiệm nghề truyền thống và sở hữu những món đồ thủ công làm quà tặng, đồ trang trí hay vật dụng hằng ngày.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách về cả hình thức lẫn nội dung sản phẩm, các nghệ nhân cùng đội ngũ thợ giỏi nghề không ngừng thay đổi, sáng tạo mẫu mã thiết kế, thổi hồn hiện đại vào sắc màu truyền thống, nâng cao cả tính thẩm mỹ trang trí lẫn khả năng ứng dụng trong đời thường.
Những chiếc quạt the hay quạt lượt, quạt thư pháp hay quạt tranh của nghệ nhân Dương Văn Mơ làng Chàng Sơn; những bức tượng gỗ mít sơn son thếp vàng, thếp bạc phủ màu hoàng kim của các nghệ nhân Nguyễn Viết Thạc, Nguyễn Bá Khẩn ở Sơn Đồng; những tranh khảm, khay sơn mài phải kỳ công xử lý tới 15-16 lớp sơn của nghệ nhân Vũ Huy Mến làng Hạ Thái; những bình lọ gốm Bát Tràng của cố nghệ nhân Vũ Thắng… đã trở thành thỏi nam châm tỏa ra lực hút khó cưỡng với khách du lịch gần xa.
Trải nghiệm khó quên khi tự tay gắn vỏ trứng cho chiếc đĩa sơn mài trong không gian Dũng Dị Studio ở làng Hạ Thái, làm quen với chiếc bàn xoay để nắn vuốt tạo hình một chiếc bình gốm tại Bát Tràng, lưu lại những khoảnh khắc “check-in” đáng yêu bên những sào phơi lụa đa sắc Vạn Phúc hay thử tài khéo tay đan nón ở làng Chuông đã khiến những địa danh kể trên luôn lọt vào danh sách những làng nghề “must see” – trong lộ trình khám phá Thủ đô của các đơn vị lữ hành kinh doanh mảng nội địa lẫn inbound.
Qua đó, người dân làng nghề sẽ có cơ hội cải thiện đời sống, khai thác tối đa giá trị di sản của cha ông. Sau hơn một thế kỷ cần mẫn cho ra đời những nén hương thơm ngát, phụ nữ làng tăm hương Quảng Phú Cầu giờ có thêm niềm vui sáng tạo những phông nền ý nghĩa như dáng hình đất nước, quốc kỳ, cây thông Noel… cho du khách chụp hình, với mức phí 50-100 nghìn đồng/người. Và cũng nhờ độ phủ sóng rộng khắp của mạng xã hội, vẻ bắt mắt của làng nghề đã có cơ hội xuất hiện trên những phương tiện truyền thông quốc tế uy tín như AFP (Pháp), South China Morning Post (Trung Quốc).
Nghề làm hương từ nguyên liệu an toàn cho sức khỏe được lan tỏa rộng rãi, sản phẩm Quảng Phú Cầu thêm cơ hội đi xa, thu nhập bình quân đầu người 70 triệu đồng/năm có thêm khoản gia tăng đáng kể, môi trường xanh – sạch – đẹp được lưu tâm gìn giữ để thu hút khách du lịch, tất cả cùng vui, tất cả đều có lợi.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, thực sự là trung tâm hội tụ-kết tinh văn hóa của cả nước.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã bổ sung một số quy định nhằm ưu tiên, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, tạo nền tảng và động lực định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” trong lĩnh vực thiết kế của UNESCO.
Để hiện thực hóa những mục tiêu ấy, xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm mà Hà Nội đặt ra, khi dấu mốc 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã cận kề, với cái đích doanh thu từ công nghiệp văn hóa đạt 5% vào năm 2025, 8% năm 2030 và đến năm 2045 là 10% GRDP của toàn thành phố.
Nội dung : Hồ Cúc Phương-Hiền Trương-Đông Mai-Huyền Nga
Trình bày mỹ thuật : Duy Thanh
Ảnh : Trần Hải, An Thành Đạt, Khánh An, TL, TTXVN, Tạp chí Người Hà Nội, nguồn internet
Nguồn: Báo Nhân Dân