Làng nghèo Trung Quốc đổi đời nhờ làm du lịch

Dahlia Wong đang leo núi ở Liming. Ảnh: Sixthtone

Trước đây người dân Liming chỉ kiếm trung bình 2.000 tệ mỗi năm nhưng từ khi khách đổ xô tới, ngôi làng thu về hàng triệu tệ. – Du lịch

Dahlia Wong, người Hong Kong, bám chặt vào vết nứt hình tia chớp có chiều rộng 7-30 cm trên một vách đá sa thạch đỏ ở làng Liming, nằm trong dãy Laojunshan, tỉnh Vân Nam rồi từ từ nhích lên. Phía dưới Wong là Zhou Lei, một nhà leo núi khác. “Nam giới leo núi dễ dàng hơn vì tay họ to hơn”, Lei nói.

Trước khi du khách đổ xô đến, người dân sống bằng săn bắn, nông nghiệp tự cung tự cấp và thu hoạch mật ong rừng được tìm thấy trên các vách đá. Trung bình mỗi năm, họ kiếm 2.000 tệ (hơn 6,5 triệu đồng).

Dahlia Wong đang leo núi ở Liming. Ảnh: Sixthtone

Dahlia Wong đang leo núi ở Liming. Ảnh: Sixthtone

Trước dịch, khoảng 1.000 nhà leo núi đến mỗi năm. Mỗi người ở lại trung bình một tuần, chi khoảng 150-200 tệ (500.000-650.000 đồng) một ngày. Chi tiêu của một du khách trong chuyến đi bằng thu nhập trung bình nửa năm của người dân trước đây. Khách du lịch đã mang tới hàng triệu tệ (hơn 3,3 tỷ đồng) cho ngôi làng. So với các nơi khác, con số triệu tệ không đáng kể nhưng rất lớn ở nơi này.

Li Jinge, ngoài 50 tuổi, nói đón tiếp nhiều khách đến từ khắp thế giới. “Từng đồng tiền họ tiêu đều quan trọng với chúng tôi. Họ luôn được chào đón”, Li nói.

Luo Yaoxing, ngoài 50, lái xe buýt kiêm chủ một cửa hàng tiện lợi, nói ngày nào cũng gặp những người leo núi. Tiền bạc không quan trọng, nhưng lối sống mới (kiếm tiền nhờ khách du lịch) mang lại cho ông sự tự do. “Tôi thích những người leo núi và chào đón họ. Họ kể với thế giới về Liming. Họ cũng tiêu tiền và thúc đẩy nền kinh tế”, Luo nói. Còn Yu Hualong, chủ quán trọ Far Away Inn có đủ tiền để nuôi con học đại học.

Ẩn mình giữa những ngọn núi giữa sông Dương Tử và Mekong, Liming chỉ là dãy nhà nằm giữa một con sông nhỏ và những bức tường đá sa thạch đỏ khổng lồ được gọi là Danxia (Trung Quốc Đan Hà). Đây là loại hình địa chất được đánh giá cực kỳ đặc biệt, có màu sắc nổi bật, hình thành từ kỷ Phấn Trắng. Đường đến Liming không dễ dàng, phải mất ba giờ đi xe buýt từ thành phố Lệ Giang trên con đường uốn lượn.

Làng Liming nhìn từ một trong những cung đường leo núi. Ảnh: Sixthtone

Làng Liming nhìn từ một trong những cung đường leo núi. Ảnh: Sixthtone

Năm 2004, các thung lũng nằm trong khu vực núi và các vách đá sa thạch đỏ xung quanh làng được công nhận là khu du lịch. Chính quyền xây lại ngôi làng bằng đá sa thạch và đồ gỗ trang trí công phu. Biển chỉ dẫn bằng tiếng Anh, Trung gắn quanh làng. Cáp treo và cầu thang được xây dựng để hỗ trợ du khách có thể dễ dàng leo lên đỉnh núi. Liming được kỳ vọng sẽ thu hút hàng triệu khách du lịch, đặc biệt là khi phố cổ Lệ Giang được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1997. Dù chi hàng trăm triệu tệ (hơn 300 tỷ đồng), lượng khách mà họ mong đợi không bao giờ xuất hiện.

Mọi thứ thay đổi vào năm 2010, khi ba nhà leo núi gồm một người Trung Quốc, Chu Lôi, và hai người Mỹ đến. Mệt mỏi với cuộc sống ở Bắc Kinh, anh chuyển đến Lệ Giang điều hành một nhà trọ. Khi đó, một người dân đã kể cho Chu nghe về những vách đá sa thạch gần đó. Bị hấp dẫn bởi việc leo núi, Chu dẫn theo hai nhà leo núi người Mỹ đang sống tại Trung Quốc là Mike Dobie và Austin Stringham mạo hiểm tới Liming.

Ban đầu, nhiều người dân trong làng nghĩ ba vị khách đến tìm kho báu vì “nếu không họ từ xa đến đây leo núi làm gì”, Yu Hualong nhớ lại.

Năm 2012, cơ quan quản lý du lịch địa phương đã nỗ lực hết sức để quảng bá cho Liming do tình trạng ít khách vẫn tiếp tục. Ba lễ hội leo núi quốc tế sau đó được tổ chức. Những nhà leo núi ưu tú, nổi tiếng được mời đến. Họ đã mở thêm các tuyến đường leo mới đồng thời quảng bá về Liming như một điểm đến leo núi đẳng cấp trên thế giới. Ba năm sau, Liming có hàng trăm tuyến đường leo núi.

Năm 2015 khu vực núi Laojunshan được công nhận là vườn quốc gia. Ban quản lý vườn quốc gia muốn giữ mọi thứ được nguyên sơ nên không hào hứng với việc khai thác các vách đá sa thạch để phục vụ leo núi.

Nhưng chính quyền cuối cùng đã thay đổi lập trường. Quyết định của họ bắt nguồn từ sự phổ biến ngày càng tăng đối với môn thể thao leo núi trên cả nước, đặc biệt là với các vận động viên leo núi Trung Quốc tạo tiếng vang trên trường quốc tế. “Leo núi đá luôn là một phần văn hóa của Liming. Chúng tôi ủng hộ sự phát triển của bộ môn này”, Deng Zhidan, CEO khu du lịch vườn quốc gia Laojunshann, nói.

Một du khách đang leo núi ở Liming. Ảnh: Sixthtone

Một du khách đang leo núi ở Liming. Ảnh: Sixthtone

Feng Jinlong, người đã 20 năm là Bí thư Đảng ủy của làng Liguang cách Liming một cây số, ủng hộ việc du lịch để kiếm sống. Ông cho rằng mọi thứ cần phát triển hợp lý vì ngôi làng nằm trong khu bảo tồn.

Wong nói Liming là “độc nhất vô nhị” vì không chỉ leo núi, tình bạn và sự tin tưởng là những thứ tốt đẹp cô cảm nhận được khi đến nơi này. “Đến Liming là muốn quay lại nhiều lần”, nữ du khách Hong Kong nói.

Anh Minh (Theo Sixthtone)



Bài viết được đề xuất