Theo tập
tục người Lào, trong mùa chay kéo dài ba tháng từ rằm tháng 8 đến rằm
tháng 11 Phật lịch, các nhà sư chăm việc thiền định, nghiên cứu Phật
pháp hoặc giảng dạy, còn người thường ai nấy đều không cất nhà, không
cưới hỏi và có thể tạm thời bỏ rượu, bỏ hút thuốc, … Các việc này sẽ
được khởi động mạnh mẽ ngay sau ngày mãn chay, tức là sau rằm tháng 11
(Phật lịch).

Từ mấy ngày qua, ngày chính của lễ hội mãn chay năm
nay ở Lào nhằm ngày 12-10-2011, tức ngày 15 (rằm) tháng 11 năm 2554
(Phật lịch). Trong ngày này, ai nấy không phân biệt già trẻ, gái trai,
chức sắc hay dân thường, trong những bộ quần áo truyền thống rực rỡ và
với vẻ mặt hớn hở, tươi vui đến chùa cúng Phật, dâng quà cho sư đến tận
khuya.

Người lớn quan niệm đi chùa lễ Phật cũng là để làm gương
cho con cháu tu thân, tích đức và tìm hiểu về những truyền thống tốt đẹp
của dân tộc. Khi màn đêm buông xuống, nhà nhà đều sáng trưng ánh nến
đặt trên những chiếc thuyền nhỏ dài khoảng một, hai mét làm bằng bẹ
chuối, hoặc bằng chất liệu khác miễn sao trông giống như một chiếc
thuyền nhỏ.

Rất nhiều gia đình bày tiệc trước nhà ăn mừng vui
vẻ, quây quần chúc nhau những điều tốt đẹp dưới ánh nến lung linh. Trẻ
con, và có cả thanh niên, tung tăng ngoài phố, thi nhau đốt pháo bông.
Thỉnh thoảng cũng nghe thấy đì đoàng một vài tiếng pháo nổ.

Đi
giữa phố xá Viêng-chăn đêm mãn chay, có cảm giác như đang đi trong lòng
phố xá quê hương đêm Ba mươi Tết chờ đón giao thừa. Nửa đêm, trên đường
về cơ quan, dừng xe Hon-đa bên một bàn tiệc vỉa hè trước một cửa hàng
sửa xe máy trên đường Chao A-nou, có đông thanh niên cả Việt, cả Lào
đang say sưa chuyện trò. Một thanh niên người Việt tên là Dũng cho biết:
đã qua đây được ba năm, lễ mãn chay năm nào cũng vậy, cửa hàng của anh
đều làm tiệc vui mừng với các bạn Lào, chia sẻ những nhọc nhằn, xoá bỏ
ưu tư, phiền muộn, chúc nhau đạt được nhiều niềm vui trong những ngày
mới.

Một hoạt động rất quan trọng trong ngày chính của lễ mãn
chay là thả thuyền đèn trên sông Mê-công vào thời khắc sập tối trở về
đêm Trong đêm 12-10 vừa qua, trên đoạn đê không dưới một km chạy dọc
sông Mê-công đã được trải nhựa phẳng phiu, hàng vạn người dân, hầu hết
là thanh niên nam nữ, cầm trên tay chiếc thuyền đèn hình tròn kết bằng
bẹ chuối hoặc lá dừa với những bông hoa cúc vàng rực và những ngọn nến
ling linh (giá mỗi chiếc thuyền như vậy không dưới 15 nghìn kíp – khoảng
42 nghìn đồng Việt Nam) chuẩn bị chờ lúc thuận tiện sẽ thả xuống dòng
Mê-công cùng với bao điều mong ước.

Ngoài
ngày lễ chính, lễ hội mãn chay còn kèm theo các hoạt động vui chơi,
giải trí, mua sắm và đặc biệt là hội đua thuyền được tổ chức ngay sau
đêm mãn chay, ứng vào năm nay tức là ngày 13-10-2011.

Trước đó,
vào ngày 7-10, lễ hội mãn chay đã được khởi động với một hội chợ quy mô
rất lớn chạy dọc một vùng bờ sông Mê-công giữa thủ đô Viêng-chăn. Dường
như hầu hết các món ăn quen thuộc của người Lào đều được bày bán, từ món
gà nướng vàng au hấp dẫn, món cá nướng thơm phức, món xôi lam trong
những ống tre trắng phau,…cho đến nhũng món ăn bình dân hơn như hột
vịt lộn, bắp rang, gỏi đu đủ cay xé lưỡi mà người Lào gọi là “tẩm mạc
hùng”…, và đặc biệt bia Lào chai có mặt khắp nơi. Hàng nước ngoài từ
Mỹ, Âu đến Á đều không thiếu mặt đua tài với những chương trình văn hoá,
văn nghệ tiếp thị hoành tráng. Hàng hoá Việt Nam, Trung quốc, Thái-lan
cũng tràn ngập hội chợ.

Ngày đầu tiên ngay sau mãn chay, như năm
nay, là ngày dường như người Lào dành cho giải trí, vui chơi, trong đó
có hội đua thuyền. Ông Khăm Keo, nhà ở bản Phon-toong Xa-vắt, đã gần 70
tuổi, cũng đi xem đua thuyền. Tay cầm dù che nắng chang chang giữa trưa,
ông vui vẻ cho biết: Năm nào tôi cũng ra xem đua thuyền. Đây là loại
hình thể thao truyền thống, có từ lâu đời, gắn bó cùng với cuộc sống
nhân dân các bộ tộc Lào. Thời trẻ, tôi từng là tay đua có tiếng hàng
chục năm trời, nên mỗi năm cứ mong đến ngày Bun-xông-hưa (lễ hội đua
thuyền) này. Nhưng năm nay không có biểu diễn máy bay như năm ngoái,
cũng hơi tiếc!

Đất nước xứ sở hoa Chăm-pa xinh tươi, hiền hoà và
đầy tính nhân văn với các loại hình ca, múa, nhạc đặc sắc và các hoạt
động lễ hội diễn ra hầu như quanh năm, tháng nào cũng có ít nhất một lễ
hội. Các lễ hội dân gian gắn liền nhuần nhuyễn với các hoạt động tín
ngưỡng Phật giáo đã làm nên đời sống tâm linh người Lào thêm sâu sắc.
Trong đó, lễ hội mãn chay vừa qua chắc hẳn đã để lại nhiều ấn tượng khó
phai trong lòng du khách.

TOÀN THẮNG

Nguồn: Báo Nhân Dân

Bài viết được đề xuất