Sau hai tuần hoạt động, lượng khách đi tàu cao tốc Sài Gòn – Côn Đảo đạt chưa đến 50% công suất mỗi chuyến, một số dịch vụ còn bất cập. – Du lịch
Anh Nguyễn Nhật Minh, du khách từ TP HCM, đã đặt vé hạng cao nhất 1,1 triệu đồng để trải nghiệm tàu cao tốc Sài Gòn – Côn Đảo ngày 15/5. Anh nói dịch vụ và tiện nghi trên tàu mới “không có điểm gì để chê” nhưng di chuyển đến cảng Hiệp Phước khá xa. Ra vào cảng phải trả phí khiến nhiều khách hiểu lầm là phí trung chuyển.
Chị Thanh Hằng, sống tại TP HCM, đi tàu cao tốc chiều Côn Đảo – Sài Gòn ngày 18/5 cũng nhận xét di chuyển từ cảng vào thành phố xa. “Nếu đi taxi từ cảng về nhà tôi ở quận 8 phải mất 400.000 đồng”, chị Hằng nói. Chuyến tàu chị đi hôm đó vắng người, hàng ghế trước và sau chỗ chị ngồi còn nhiều chỗ trống.
Ông Vũ Văn Khương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express), chủ đầu tư tuyến tàu, cho biết sau hai tuần hoạt động, lượng khách mỗi chuyến ước đạt chưa đến 50% công suất. Ông Khương cho hay tàu có sức chứa 1.017 hành khách, kỳ vọng ban đầu mỗi chuyến đạt 80% công suất vào ngày thường và 100% cuối tuần. Trên thực tế, mỗi chuyến tàu Sài Gòn – Côn Đảo trung bình chỉ đạt 300-400 khách. Ông Khương đánh giá con số này thấp hơn nhiều so với chuyến Vũng Tàu – Côn Đảo với sức chứa tương đương.
“Tháng 4, chuyến Vũng Tàu – Côn Đảo đạt công suất 70-80% vào ngày thường, cuối tuần kín khách”, ông Khương nói.
Về nguyên nhân lượng khách chưa đạt kỳ vọng, chủ đầu tư cho rằng lượng khách trải đều ra hai đầu bến là Vũng Tàu và TP HCM. Do đó, đầu cảng ở TP HCM khó đạt công suất tối đa.
Ngoài ra, đơn vị cũng gặp khó khăn trong việc trung chuyển khách từ trung tâm thành phố ra cảng Hiệp Phước. Khoảng cách xa khiến nhiều khách cân nhắc chọn tuyến Sài Gòn – Côn Đảo. Nhân sự của công ty chủ yếu hoạt động hàng hải, nay phải đảm nhiệm thêm công việc vận tải đường bộ, “nên còn nhiều bất cập”.
Ông Khương cho hay công ty miễn phí xe trung chuyển khách ra cảng Hiệp Phước nhưng gặp khó vì khách đã đăng ký xe thường báo hủy sát giờ. Ví dụ, đoàn khách đăng ký 55 người đi xe trung chuyển, công ty phải huy động 2 xe vì một xe chứa tối đa 47 chỗ. Ngày khởi hành, chỉ có 45 khách đi trung chuyển, thừa một xe.
“Doanh nghiệp mất tiền khi khách hủy và chưa tính đến chuyện thu phí để quản lý”, ông Khương cho hay.
Trước ý kiến du khách phàn nàn cảng Hiệp Phước ở xa, sao không đưa vào bến Nhà Rồng, ông Khương cho biết đã cố gắng chọn địa điểm phù hợp nhất. Nếu đưa tàu vào bến Nhà Rồng thời gian di chuyển phải cộng thêm 3 tiếng, lên thành 8 tiếng. Bến Nhà Rồng chỉ cho tàu chạy 8 hải lý một giờ, trong khi ở cảng Hiệp Phước tàu chạy 32 hải lý một giờ. Nguyên tắc vận tải biển tại nhiều nơi trên thế giới là phải di dời cảng biển và các tàu ra ngoại thành để tránh gây ách tắc trong trung tâm.
Đại diện Phú Quốc Express nhận định vào dịp hè, chuyến Sài Gòn – Côn Đảo có thể tăng nhiều nhất khoảng 20-30% lượng khách. Con số khả quan nhất là đón trung bình 500 khách vào ngày thường, cuối tuần khoảng 600-700 khách.
Một số công ty lữ hành khai thác tuyến Côn Đảo cho hay lượng khách đến đảo trong tháng 5 giảm đáng kể. Công ty Du lịch Việt cho biết khách đường bay giảm đến hơn 40% so với trung bình các tháng 1-4, do tháng 5 vào đầu hè, nhu cầu du lịch của khách chưa cao. Công ty này cũng triển khai một số tour Côn Đảo bằng tàu cao tốc từ TP HCM bán cho khách lẻ, khách gia đình đi theo lịch định kỳ hàng tuần trong tháng 5. Tuy nhiên, lượng khách thấp, khách lẻ khoảng 25-30 người mỗi đoàn, khách công ty khoảng 70-90 người.
Công ty lữ hành Best Price cho hay lượng khách mua tour Côn Đảo trong tháng 5 giảm khoảng 80% so với các tháng trước đó. Công ty chỉ khai thác các tour đến Côn Đảo bằng đường bay. Do các chuyến bay đến đảo hiện hạn chế, giá cao và tháng 5 là “khoảng nghỉ” giữa giai đoạn sau lễ và dịp hè nên lượng khách thấp.
Các công ty lữ hành dự báo lượng khách đến Côn Đảo sẽ tăng trở lại từ tháng 6.
Bích Phương