Mặt trái của chính sách miễn visa hút khách tại Đông Nam Á

Những người lái cano đang ngồi đợi khách ở Phuket, Thái Lan. Ảnh: EPA-EFE

Khi Singapore, Malaysia nới lỏng chính sách visa để khách đến dễ dàng hơn, mối lo ngại về tình hình an ninh, tội phạm cũng bắt đầu xuất hiện. – Du lịch

Đứng tại Gardens by the Bay, điểm du lịch nổi tiếng của Singapore, du khách 24 tuổi người Trung Quốc Sun Shiqi cho biết đây là lần đầu cô đi du lịch quốc tế. Chính sách miễn thị thực của Singapore với công dân Trung Quốc giúp mọi thủ tục trở nên dễ dàng hơn với Sun. “Tôi chỉ cần hộ chiếu”, cô sinh viên vừa tốt nghiệp đại học chia sẻ và kể về chuyến du lịch 4 ngày cùng bạn.

Từ tháng 2, khách Trung Quốc được miễn thị thực khi đến Singapore và ngược lại. Chính sách nới lỏng thị thực từ cuối năm ngoái đã trở thành một làn sóng lan rộng khắp Đông Nam Á, nơi nhiều quốc gia đang nỗ lực phục hồi du lịch sau Covid-19.

Những người lái cano đang ngồi đợi khách ở Phuket, Thái Lan. Ảnh: EPA-EFE

Những người lái cano đợi khách ở Pattaya, Thái Lan. Ảnh: EPA-EFE

Ấn Độ, Nga và Trung Quốc là những thị trường khách được hưởng lợi nhất trong kế hoạch nới lỏng visa tại Đông Nam Á. Nhiều người cho biết họ bị thu hút bởi sự thuận tiện, không còn rào cản về thủ tục hành chính.

Với Sun, Singapore là lựa chọn tất yếu: an toàn, sạch sẽ và là quê hương ca sĩ cô yêu thích – JJ Lin (Lâm Tuấn Kiệt). Sun cảm thấy tuyệt vời khi không thông thạo tiếng Anh nhưng vẫn có thể giao tiếp tốt tại Singapore khi dùng tiếng Quan Thoại.

Tại các điểm nóng du lịch khác là Phuket, Thái Lan và Bali, Indonesia, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn đang tăng vọt như mức trước đại dịch, năm 2019. Các chuyến bay đã được nối lại đến nhiều thành phố hạng 2, 3 của Trung Quốc và các tour du lịch trọn gói đang được khởi động lại. Khách Ấn Độ vốn nổi tiếng với sức mua tốt và các lễ cưới xa hoa, đang đổ xô đến hai nơi này. Trong khi đó, các du khách Nga cũng đang hướng tới Đông Nam Á.

Tuy nhiên, mọi thứ đều có mặt trái. Sự gia tăng đột biến về lượng khách, những người không bị sàng lọc bởi chính sách visa như trước đây, cũng làm dấy lên báo động về các thành phần phạm tội tiềm ẩn xâm nhập vào các nước Đông Nam Á.

Tại Singapore, báo cáo về các hoạt động bất hợp pháp như trộm cắp, đột nhập, phạm pháp xuất hiện nhiều hơn, khiến giới chức nước này phải giám sát chặt chẽ hơn.

Mặt trái của chính sách miễn visa hút khách tại Đông Nam Á - 1

Cảnh sát có vũ trang tuần tra trên đường phố Singapore vì gần đây đã xuất hiện các báo cáo về hoạt động bất hợp pháp như trộm cắp, đột nhập. Ảnh: EPA-EFE

Hồi tháng 8, ba công dân Trung Quốc đối mặt cáo buộc đột nhập nhà dân tại Singapore. Các nhà chức trách cho biết đang làm việc với các công ty du lịch đối tác ở Trung Quốc để truy tìm thêm 14 nghi can nữa. Những người này được cho đã rời Singapore sau khi phạm tội.

“Không có chính sách visa nào có thể loại bỏ hoàn toàn những du khách không mong muốn”, Bộ trưởng Nội vụ Singapore Sun Xuelin hồi đầu tháng 8 trả lời chất vấn của quốc hội về tỷ lệ tội phạm tăng từ khi miễn thị thực. Bộ trưởng Xueling nói thêm tính cả 14 khách Trung Quốc đang chạy trốn, tỷ lệ người Trung Quốc bị bắt giữ tại Singapore năm nay vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ trưởng cho biết cách duy nhất để ngăn chặn tình hình phạm tội là “đóng cửa biên giới”, nhưng điều này sẽ phá hủy nền kinh tế đất nước.

Dù vậy, người dân Singapore cũng bắt đầu thất vọng về tình trạng quá tải du lịch. Theo nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore, lượng lớn khách Trung Quốc đổ xô đến tham quan gần đây đã làm gián đoạn các lớp học, khiến nhà trường phải thực hiện nhiều biện pháp quản lý lượng khách lớn.

“Đây là trường hợp quá tải du lịch”, Suen nói. Dù vậy, ông vẫn khẳng định sự quá tải này chưa đến mức cực đoan như các điểm đến tại Nhật Bản, Bali.

Theo Hội đồng Du lịch Singapore, lượng khách quốc tế năm 2023 chủ yếu đến từ Indonesia, Trung Quốc, Malaysia với con số lần lượt là 2,3 triệu; 1,4 triệu và 1,1 triệu lượt. Khách Trung là những người chi tiêu nhiều nhất, khoảng 1,8 tỷ USD, tiếp đến là khách Indonesia và Australia với con số 1,7 và gần 1,2 tỷ USD.

Tại Thái Lan, chính quyền đã đột kích một biệt thự sang trọng ở tỉnh Chonburi và bắt giữ 15 kẻ lừa đảo là người nước ngoài đến đây nhờ chính sách miễn thị thực. Các du khách Nga cũng đang trong tầm ngắm của chính phủ vì bị nghi ngờ thành lập các doanh nghiệp làm ăn bất hợp pháp trên đất Thái.

Tại Phuket, người dân than thở về giá đất tăng vọt và chi phí thuê nhà tăng cao, khi lượng khách quốc tế tăng. Các doanh nghiệp, từ taxi đến tiệm làm tóc, ngày càng hướng đến việc phục vụ nhóm khách hàng mới và giàu có này, thay vì người dân địa phương như trước.

Giới chức Malaysia bắt giữ những lao động bất hợp pháp hôm 15/8. Ảnh: EPA-EFE

Giới chức Malaysia bắt giữ những lao động bất hợp pháp hôm 15/8. Ảnh: EPA-EFE

Những bất bình tương tự cũng diễn ra ở Bali. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, hai điểm đến này vẫn hướng đến chính sách thu hút khách càng nhiều càng tốt vì ngành du lịch đang mang lại hàng tỷ USD cho nền kinh tế.

Trước nhà thờ Hồi giáo lịch sử Masjid India ở Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, chủ hiệu sách Erfan Ghani cho biết ban đầu có nhiều người nước ngoài ghé thăm nơi này với tư cách khách du lịch. Hiện tại, chính những người này lại ở lại lâu hơn, làm thay đổi bản sắc và sự gắn kết của khu vực. Họ đến với lý do du lịch nhưng ở lại làm việc bất hợp pháp, theo Erfan.

Vấn đề du khách đến và ở lại quá hạn thị thực đang gia tăng ở Malaysia – đất nước phụ thuộc lớn vào nguồn lao động giá rẻ từ Bangladesh và Indonesia. Tại một khu chung cư trên đường Jalan Masjid India, chủ nhà hàng người gốc Bangladesh Muhammad Ibrahim xác nhận những người đến bằng đường du lịch ở lại lao động bất hợp pháp là “chuyện bình thường”.

Thống kê từ chính phủ Malaysia cho thấy từ 2020 đến 2023, hơn 13.000 người nước ngoài đã bị bắt vì ở lại quá hạn thị thực. Malaysia được đánh giá là một trong những quốc gia cởi mở với khách quốc tế khi chỉ yêu cầu hơn 30 quốc gia trên thế giới phải xin thị thực. Tuy nhiên, sự dễ dãi này cũng có những hạn chế.

Trong một cuộc đột kích cuối tháng 8 tại các khu nghỉ dưỡng ở bang Sabah, giới chức nước này đã bắt giữ 61 người đàn ông Trung Quốc và Philippines vì làm việc bất hợp pháp. Đáng lẽ họ phải rời Malaysia vào tháng 5, nhưng lại ở lại làm việc đến tháng 8.

Ngày 4/9, Ủy ban chống tham nhũng Malaysia cho biết có 46 công chức làm việc tại sân bay quốc tế Kual Lumpur bị tình nghi là “một phần của đường dây tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh”.

Ramlan Arshad, chuyên gia về biên giới và di cư tại Đại học Công nghệ Mara ở Kuala Lumpur, cho biết chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ biên giới và chỉ những khách du lịch chân chính mới được nhập cảnh vào nước này.

“Nếu không kiểm soát đúng cách, Malaysia sẽ thành thánh địa của những người lao động bất hợp pháp”, Arshad nói.

Anh Minh (Theo SCMP)


Bài viết được đề xuất