Mehrangarh Fort – pháo đài được tạp chí Time ca ngợi

Toàn cảnh Jodhpur - The Blue City nhìn từ pháo đài Mehrangarh.

Ấn Độ- Mehrangarh Fort không thuộc tam giác vàng du lịch New Delhi – Agra – Jaipur nên nhiều người bỏ qua mà không biết đã ‘đánh rơi’ một nơi kỳ thú. – Du lịch

Độc giả Trịnh Thu Hằng (40 tuổi, Hà Nội) trong chuyến đi Ấn Độ cùng con gái sau Covid-19 đã tới pháo đài Mehrangarh Fort, nơi từng được tạp chí Time giới thiệu trong chuyên mục The Best of Asia. Chị chia sẻ cảm nhận chuyến đi với độc giả Du lịch.

Ấn Độ có thể được gọi là “đất nước của những pháo đài”. Trước khi đi Ấn, tôi đọc đủ loại tài liệu và tự hỏi, phải chăng cả nghìn năm nay người Ấn không làm gì mà chỉ xây pháo đài vì đâu trên đất Ấn cũng thấy những công trình này. Khi đến tận nơi tôi mới biết pháo đài ở đây không phải là một tòa nhà có gắn khẩu pháo, mà thực chất giống như các Hoàng thành ở Đông Á. Trải qua lịch sử lâu dài biến động, ngày nay còn rất nhiều pháo đài ở Ấn Độ, trong đó có Mehrangarh Fort.

Toàn cảnh Jodhpur - The Blue City nhìn từ pháo đài Mehrangarh.

Toàn cảnh Jodhpur – The Blue City nhìn từ pháo đài Mehrangarh.

Về địa lý, Mehrangarh Fort cũng nằm ở vùng Rajasthan, nhưng không thuộc tam giác vàng du lịch New Delhi – Agra – Jaipur nên rất nhiều du khách bỏ qua mà không biết đã “đánh rơi” một điểm check-in kỳ thú. Nếu đã đến đây bạn sẽ thấy, hai công trình nổi danh thế giới là Red Fort ở New Delhi và Agra Fort ở Agra hơi… tầm thường. Mehrangarh Fort chính là một trong những pháo đài đồ sộ và lộng lẫy bậc nhất Ấn Độ.

Pháo đài được xây dựng ở thành phố Jodhpur, cách New Delhi khoảng 600 km. Bạn có thể đáp chuyến tàu từ thủ đô, chỉ mất 10 tiếng và 995 rupee (300.000 đồng) hoặc đi từ Jaipur mất 5 tiếng và 617 rupee (185.000 đồng). Toa giường nằm có điều hòa sạch đẹp đủ tiện nghi. Tổng cộng, chúng tôi chỉ tốn khoảng 5,5 triệu đồng để đi từ Hà Nội đến Mehrangarh Fort, trong đó hơn 4 triệu là vé máy bay khứ hồi, và hơn một triệu tiền tàu xe trên đất Ấn.

Tàu đưa chúng tôi đến Jodhpur lúc nửa đêm. “The blue city” (thành phố màu xanh) giờ này vẫn nhộn nhịp, nhiều người đi lại trên phố. Những ngôi nhà nhỏ san sát sơn màu xanh biển và hàng loạt tranh tường khổ lớn. Khách sạn nằm trên một con dốc cao nên chúng tôi xuống khỏi xe tuk tuk và đi bộ một đoạn, đã qua 24h mà trên con ngõ nhỏ vẫn có nhóm thanh niên và phụ nữ đang say sưa chơi cricket, chào chúng tôi vui vẻ.

Chủ khách sạn dẫn lên nhận phòng, mở cửa ban công và chỉ cho xem pháo đài. Ngay trước mắt chúng tôi, một bức tường sa thạch hồng sừng sững, trải dài sang hai bên và dường như không có giới hạn. Nó gần đến mức tôi có cảm giác chỉ cần thò tay là sờ được. Khách sạn ở ngay chân pháo đài với giá chỉ 180.000 đồng một đêm phòng đôi rộng rãi có điều hòa, với đầy đủ buồng tắm, ban công, cửa sổ, wifi tốc độ cao. Kinh nghiệm đi nhiều nước tôi thấy, hiếm khi nào cơ sở lưu trú sát cạnh điểm du lịch nổi tiếng mà giá rẻ đến thế.

Hôm sau, theo chỉ dẫn chúng tôi đi bộ vài phút đến cổng chính của Mehrangarh. 9h pháo đài mới mở cửa nhưng 8h45 đã có một đoàn người kiên nhẫn đứng xếp hàng. Vé vào cửa cho người nước ngoài là 600 rupee (180.000 đồng), học sinh sinh viên là 400 rupee và cần xuất trình thẻ học sinh ở quầy bán vé.

Tòa thành có bảy cổng lớn, mới đi qua cánh cổng thứ nhất, chúng tôi đã choáng ngợp. Nhìn tường đá dài, ngước lên là tầng lớp các tòa tháp cao, tôi tự hỏi thế này thì bao giờ mới đi hết được pháo đài. Thật sự mà nói, từ “pháo đài” không xứng đáng lắm với công trình này.

Nói đến Ấn Độ, nhiều người chỉ biết Taj Mahal, nhưng Taj chỉ là một lăng mộ không sự sống, còn Mehrangarh Fort là cả một thành phố rộng tới 500 ha, gấp 27 lần và tuổi đời hơn Taj Mahal gần 200 năm, với nền móng được tạc thẳng vào ngọn đồi đá cao 122 m. Những lối đi rộng đủ hai chiếc xe tải tránh nhau, những khoảnh sân lớn xen giữa nhiều tòa nhà, những bức tường cao hàng chục mét, rồi hàng hiên, ô cửa sổ, mái nhà… phần lớn đều làm bằng đá.

Được sờ tay vào từng bức tường, tôi thật sự trầm trồ. Nhìn từ xa thì tưởng gỗ, vì chúng có màu hồng nâu và có rất nhiều chi tiết tinh xảo, lại gần mới biết là đá sa thạch (pink sandstone). Một số nhà trong thành còn được làm toàn bộ từ đá marble trắng, loại đá thuộc hàng đắt đỏ. Vô số bức tường, cột kèo và ô cửa ở đây đều được điêu khắc, chạm trổ tỉ mỉ, nào hoa, nào lá, nào mây, nào sóng… Những đường nét mềm mại, đều tăm tắp cho thấy độ tinh xảo của các điêu khắc gia. Hàng trăm năm trước, khi chưa có bất kỳ máy móc nào, chỉ làm bằng tay mà các nghệ nhân Ấn Độ đã cho ra được những sản phẩm như vậy. Một công trình vĩ đại như Mehrangarh Fort cũng có thể coi là công trình thế kỷ. Thật sự ngưỡng mộ người Ấn, những người đã tạo ra nền văn minh có tầm ảnh hưởng lớn bậc nhất lịch sử nhân loại.

Đá sa thạch hồng được sử dụng phổ biến ở công trình.

Đá sa thạch hồng được sử dụng phổ biến ở công trình.

  

Đi sâu vào thành trì khổng lồ, tôi càng bất ngờ với mức độ giàu có, xa hoa của vua chúa Ấn xưa. Khác với nhiều pháo đài đã tham quan, Mehrangarh Fort có nhiều phòng trưng bày những vật dụng cổ xưa, tái hiện không gian sinh hoạt, tiếp khách, giải trí của họ. Sheesh Mahal (Cung điện gương), Phool Mahal (Cung điện hoa), Takhat Vilas (Phòng ngủ của Takhat), Jhanki Mahal, Dipak Mahal… mỗi khu vực đều giống như triển lãm nghệ thuật. Trong pháo đài, cứ giơ máy lên là có ảnh đẹp, dù ở bất kỳ góc nào. Ngoài ra còn có những hiện vật thuộc các bộ sưu tập tranh vẽ, đồ dệt vải, trang trí hoàng gia bằng ngà voi, ngọc trai, vàng bạc… Độc đáo nhất có lẽ là bộ sưu tập vũ khí mà có nhiều món chúng tôi không đoán được loại gì. Chúng được chế tác, chạm trổ, mạ vàng công phu.

Giờ thì tôi đã hiểu, vì sao tất cả các vương triều hùng mạnh của châu Âu trước đây đều không tiếc công tiếc của vượt biển tìm đường tới Ấn Độ. Tôi có thể hiểu cảm giác của Christopher Columbus khi ông tưởng đã tìm thấy đất nước này (mà thực ra là tìm thấy châu Mỹ), cũng như cảm giác của Vasco da Gama, người châu Âu đầu tiên đặt chân được lên đất Ấn bằng đường biển. Đối với châu Âu khi đó, Ấn Độ là cả một thế giới rộng lớn, trù phú, phát triển bậc nhất châu Á, là “mỏ vàng” và một nền văn minh vô tiền khoáng hậu.

Trong lúc chúng tôi ngắm những căn phòng thì một nhân viên mặc đồng phục truyền thống ra giới thiệu về một bức vẽ nhỏ trên tường mà nếu không nhìn kỹ rất dễ bị bỏ qua. Đó là bức Ardhanarishvara – một người được ghép lại từ hai nửa, nửa này là nam, nửa kia là nữ. Bác nói bức vẽ này mô tả thần Shiva, vị thần nổi tiếng nhất trong văn hóa Hindi, cũng thể hiện triết lý nghìn đời trong nhân sinh quan của người Ấn. “Nam tính và nữ tính hợp lại thành một sức mạnh thống nhất, tạo nên ngọn lửa khát vọng và nguồn sống”.

Nhiều người Ấn Độ chào hỏi và tỏ vẻ thân thiện với khách du lịch nước ngoài.

Nhiều người Ấn Độ chào hỏi và tỏ vẻ thân thiện với khách du lịch nước ngoài.

Tôi ra khỏi Mehrangarh Fort mà vẫn bất ngờ với công trình rộng lớn và diễm lệ vượt xa sức tưởng tượng. Tôi còn thấy vui vì tính cách vui tươi, tình yêu lịch sử, nhân sinh quan và lòng mến khách của người Ấn. Sau gần năm tiếng đồng hồ dạo chơi, chúng tôi rẽ vào nhà hàng của pháo đài để ăn trưa. Nhà hàng sạch đẹp, có cả đồ Ấn và Âu, và cũng như đa số các điểm du lịch khác ở Ấn, giá cả rất dễ chịu. Pizza, sandwich chỉ 120 rupee một chiếc (36.000 đồng), burger phomai 100 rupee (30.000 đồng), samosa (bánh truyền thống Ấn Độ) 60 rupee hai chiếc, nước chanh, trà, cà phê hoặc lassi chỉ 15.000 đồng một cốc…

Cây viết Sally Webb của chuyên trang du lịch Traveller (Australia) đưa Mehrangarh Fort vào danh sách những điểm đến không thể bỏ qua khi đến Ấn. Washington Post thì nhận xét, đây không chỉ là nơi diễn ra câu chuyện về một gia tộc thống trị vùng hoang mạc rộng lớn trên tiểu lục địa, mà còn là góc nhìn xuyên qua chủ nghĩa thế giới (cosmopolitanism), mở ra dáng hình của vẻ đẹp giao thoa giữa các nền văn hóa, của sự hòa trộn giữa các đức tin. Tôi thì thấy pháo đài Mehrangarh thực sự đẹp, hùng vĩ, không đến thì phí lắm.

Bài và ảnh: Trịnh Hằng

Bài viết được đề xuất