Cây di sản nơi đảo xa
Vượt
qua từng đợt sóng trên chiếc cano, lênh đênh trên biển khoảng 1 tiếng
đồng hồ, chúng tôi đặt chân tới đảo Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, thành
phố Nha Trang), cách xa đất liền khoảng 8 hải lý. Từ xa đã nhìn thấy cây
Bàng cổ thụ hướng cành về phía biển như chào đón những vị khách lên
đảo.
Mặc dù đảo Bích Đầm thuộc
thành phố Nha Trang, nhưng cũng là một trong những đảo xa đất liền. Nơi
đây chưa có điện lưới nên cuộc sống của người dân suốt 15 năm qua đều
nhờ vào hệ thống máy nổ, mỗi ngày chỉ phát điện từ 17h00 chiều đến 21h00
tối.
Với người dân ở đây, từ lâu
bóng cây Bàng trong khuôn viên đình Bích Đầm đã trở thành một di sản
không thể thiếu trong tâm thức của nhiều người dân xứ đảo, những người
sống và mưu sinh từ biển. Cây Bàng đã trở thành biểu tượng cho sức sống
mạnh mẽ, kiên cường như chính con người họ.
Đây
là nơi mỗi chiều, cả làng thường tụ tập, người lớn đan lưới, trò chuyện
về mùa nào có tôm, mực, mùa nào biển động… còn trẻ con chơi đùa, đọc
sách dưới tán cây xanh mát. Nhờ vậy, mà tình làng nghĩa xóm thêm thắt
chặt, gắn bó.
Trải qua những năm tháng lịch sử, cây Bàng ấy vẫn sừng sững tỏa bóng như một phép màu. Có người nói rằng: Trong cây có thần!
Dưới
bóng mát của cây Bàng, người dân vui vẻ trao đổi với nhau những câu
chuyện đời, chuyện nghề, động viên nhau lúc buồn, chia sẻ với nhau niềm
vui. (Ảnh: Hương Thảo)
Người
đảo Bích Đầm không còn nhớ rõ cây Bàng được trồng chính xác ở mốc thời
gian nào, nhưng theo ký ức của các bậc cao niên kể lại, cây cổ thụ này
khoảng 150 tuổi. “Người dân chúng tôi rất tự hào khi làng vẫn gìn giữ
được cụ cây hơn trăm năm tuổi này”, ông Văn Lung vui vẻ, nói.
Tháng
6/2024, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công bố quyết
định công nhận cây Bàng thuộc Tổ dân phố Bích Đầm là cây di sản Việt
Nam. Thời điểm được công nhận, cây được xếp vào cây di sản có kích thước
lớn nhất được ghi nhận ở thành phố Nha Trang, với chu vi đo sát gốc
6,1m; đường kính gốc 1,9m; chiều cao cây 21m.
Từ
khi cây Bàng được công nhận cây di sản, người dân rất vui mừng, phấn
khởi, xem đó là “báu vật xanh” của làng biển. Nhìn thấy tài nguyên từ
chính nơi mình ở, người dân trên đảo đã bắt đầu mày mò tập làm du lịch.
Sống bằng du lịch vẫn là một khái niệm khá mơ hồ đối với các ngư dân,
khi du khách chỉ đặt chân đến và rời đi sau thời gian ngắn ngủi trải
nghiệm. Bởi chưa có sản phẩm du lịch gì đặc biệt để níu bước chân họ ở
lại.
Và nhiều người nhận ra, giá
trị từ cây di sản chính là điểm sáng, là màu sắc riêng làm nên sản phẩm
du lịch độc đáo khi kết hợp với hoạt động trải nghiệm trên đảo.
Đừng để cây di sản “ngủ quên”
Là
một trong những người đang tập làm du lịch cộng đồng trên đảo, bà Dương
Thị Thọ chia sẻ rằng, người dân ở đây chủ yếu làm nghề đánh bắt hải
sản. Sản lượng đánh bắt không cố định, lúc nhiều, lúc ít, do đó bà Thọ
là một trong số những người có tư duy tìm thêm hướng đi mới trong khai
thác du lịch, hướng tới mô hình làm du lịch cộng đồng, với mong muốn
được phát triển thêm về kinh tế.
“Cây
Bàng chính là vốn quý cho phát triển du lịch tại đây. Ngoài việc cùng
nhau tiếp tục bảo vệ, gìn giữ cây như một phần của cuộc sống, chúng tôi
đang suy nghĩ tìm cách phát huy giá trị cây di sản để thu hút du khách”,
bà Thọ bày tỏ.
Đang say sưa nghe
người dân kể về những câu chuyện đời sống gắn với cây Bàng trên đảo,
chị Khánh Nguyên (du khách), chia sẻ: Lần đầu tiên đến với đảo Bích Đầm,
tôi thấy người dân rất thân thiện, tôi được trải nghiệm cùng ngư dân
câu cá, câu mực. Ngoài ra còn được hiểu thêm về nguồn gốc, giai thoại
của cây di sản, quả thật đây là một điểm đến lý tưởng cho người yêu
thích khám phá, muốn tìm về với thiên nhiên.
Cây
Bàng di sản chính là “chứng nhân lịch sử”, kết nối giữa quá khứ, hiện
tại và tương lai của các thế hệ người dân đảo Bích Đầm. (Ảnh: Hương
Thảo)
Cây
Bàng cổ thụ được công nhận là cây di sản, niềm vui mừng, phấn khởi của
người dân xứ đảo Bích Đầm là đương nhiên. Vậy còn với những người làm du
lịch của tỉnh nhà thì sao? Phải chăng đã đến lúc, ngành Du lịch Khánh
Hoà cần tìm hiểu, xây dựng tuyến đường từ những cây di sản, nếu được xây
dựng thành câu chuyện bài bản, khai thác đúng cách, có thể trở thành
sản phẩm du lịch độc đáo, lôi cuốn những tâm hồn yêu thiên nhiên, môi
trường và mong muốn chạm vào các di sản của tự nhiên.
Không
riêng gì người dân xứ đảo Bích Đầm, mà cả những người dân đang sống
trên mảnh đất có cây di sản ở tỉnh Khánh Hòa đều “mơ” về cung đường du
lịch khám phá cây di sản. Đó chính là thứ sinh khí mới mẻ, tạo dư địa để
gieo kỳ vọng cho ngành Du lịch có thêm điểm nhấn đặc biệt, góp phần
nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo
thống kê, tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 30 cây di sản được công nhận. Việc
bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ
chế, chính sách, cũng như nguồn lực, nhân lực thực hiện.
Do
đó, công tác chăm sóc, bảo vệ cây chủ yếu vẫn do người dân khu vực đó
thực hiện. Trong khi đó các cây di sản đều là những cây cổ thụ, việc
chăm sóc đòi hỏi kĩ thuật, chuyên môn, kinh phí lớn, trong khi nguồn lực
của người dân bị hạn chế. Vì vậy, cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp,
ngành và của cả cộng đồng để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của cây
di sản.
Để được công nhận cây di
sản Việt Nam cũng không hề dễ dàng. Việc lựa chọn, công nhận cây di sản
Việt Nam do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam là sự kiện có
ý nghĩa, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh.
Giá
mà những cái cây ở nơi ấy được chính quyền các cấp, các cơ quan quản
lí, nhất là lĩnh vực du lịch để mắt tới, có những nghiên cứu, giải pháp
nghiêm túc, tôn trọng lịch sử của nó thì có lẽ những nơi này sẽ ngày
càng thu hút thêm nhiều du khách đến tham quan tìm hiểu và trải nghiệm,
tăng thêm thời gian lưu trú tại địa phương.
Tiếc
thay, sau khi được cấp biển di sản, nhiều cây di sản tại tỉnh Khánh Hòa
bị chết khô. Đơn cử như hai cây dầu rái thụ bên dòng sông Tô Hạp, đoạn
chảy qua thôn A Pa 2 thuộc xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn) được công nhận
cây di sản vào năm 2019. Đến đầu năm 2022, hai cây dầu rái có dấu hiệu
úa vàng, rụng lá. Chính quyền địa phương đã dùng nhiều biện pháp, nhưng
chỉ cứu sống được một cây.
Vậy,
vấn đề đặt ra ở đây là cần nhanh chóng bảo tồn những cây di sản quý hiếm
này như thế nào? Khai thác giá trị cây di sản ra sao? Mong rằng cấp,
ngành đừng để các cây di sản “ngủ quên” mà hãy “đánh thức” nó thông qua
các hoạt động du lịch. Bởi, một đời người không dài bằng một đời cây,
mỗi cây di sản là một câu chuyện lịch sử, gắn với các di tích nên nếu
bảo tồn và phát huy tốt sẽ trở thành sản phẩm du lịch sinh thái, văn
hóa, tâm linh độc đáo.
Và, khi du
lịch phát triển mạnh hơn, kinh tế người dân vững hơn, thì việc bảo vệ
cây di sản, trách nhiệm bảo vệ môi trường sẽ ngày càng tốt hơn.
Định
hướng trong tương lai, Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ đa dạng,
chuyên nghiệp với du lịch biển bền vững, các sản phẩm du lịch cao cấp,
dịch vụ vận tải – logistics và phát triển đô thị thông minh.
Một
đô thị phát triển với nhiều tòa cao ốc được xem như là thước đo cho sự
văn minh, hiện đại của một địa phương. Nhưng, một đô thị xanh, sạch là
một sự khác biệt trong chuỗi hành trình phát triển. Nếu lựa chọn sự khác
biệt, đồng hành với môi trường, Khánh Hòa sẽ để lại được di sản tốt cho
mai sau: Những cây di sản xanh!
Hương Thảo
Nguồn: Lao động Thủ đô