Để phát triển ngành “công nghiệp không khói” tương xứng với tiềm
năng, thế mạnh hiện có, việc khai thác, phát huy tối đa sức mạnh nguồn
nhân lực du lịch chất lượng cao là điều kiện tất yếu. Tuy vậy, đây rõ
ràng là “bài toán đường dài” và rất cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp
ngành.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS Phạm
Trương Hoàng – Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn (ĐH Kinh tế quốc dân)
nhận định, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng
cao, đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập
quốc tế. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản
phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.
Theo PGS.TS Phạm
Trương Hoàng, ngành du lịch phát triển vô cùng nhanh khiến cho đào tạo
khó có thể theo kịp với nhu cầu của thị trường. Thực tế hiện nay cho
thấy số lượng nhân lực còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn
chưa tương xứng với bằng cấp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa
nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ đầu đàn làm nòng cốt đào tạo nhân
lực trẻ. Kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học, năng lực sáng tạo, lãnh
đạo, quản lý, quản trị và kinh nghiệm thực tế còn hạn chế, chưa tương
ứng với yêu cầu phát triển của ngành.
Chia sẻ về giải pháp “lấp
lỗ hổng” nhân lực du lịch, ông Hoàng cho rằng, muốn có đủ lực lượng lao
động mới bảo đảm chất lượng, nhất thiết phải quan tâm đầu tư cho hệ
thống cơ sở đào tạo nhân lực du lịch.
“Trong bối cảnh du lịch
đang chạy đua từng ngày như vậy, yếu tố quan trọng nhất chính là tăng
cường liên kết “3 nhà”: Nhà nước – Nhà trường – Nhà tuyển dụng (doanh
nghiệp). Cùng với đó, các chương trình đào tạo cần bám sát nhu cầu đầu
ra của doanh nghiệp để liên tục đổi mới và nắm bắt kịp thời nhu cầu của
du khách, đặc biệt là với những thị trường khách mới mở.” – PGS.TS Phạm
Trương Hoàng nhận định.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, hiến kế
xây dựng mô hình đào tạo nguồn nhân lực dựa trên năng lực và nhu cầu của
thị trường du lịch, theo ông Hoàng, điều này phụ thuộc vào “sợi dây”
liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp và bài toán làm thế nào để đưa
doanh nghiệp vào chương trình trường học.
Trưởng
khoa Du lịch và Khách sạn (ĐH Kinh tế quốc dân) phân tích, từ phía nhà
trường, chương trình đào tạo thực tế, đã tạo điều kiện tốt nhất để nuôi
dưỡng tình yêu du lịch Việt Nam đối với mỗi bạn sinh viên.
“Bên
cạnh đó, chúng tôi có các chương trình đào tạo cập nhật với thế giới,
được giảng dạy bằng tiếng Anh để liên tục học hỏi và trao đổi sinh viên
với các trường quốc tế.” – ông Hoàng chia sẻ thêm.
Từ phía các
doanh nghiệp, ông Hoàng cho rằng, doanh nghiệp có thể xây dựng, duy trì
mối quan hệ hợp tác đào tạo với các cơ sở đào tạo nghề, các trường trung
cấp, cao đẳng nghề du lịch, các trường đại học có đào tạo ngành du
lịch, quản trị khách sạn bậc đại học dưới nhiều hình thức như: Hỗ trợ cơ
sở vật chất (địa điểm) cho sinh viên được học và thực hành kỹ năng;
tham gia vào quá trình đào tạo; tiếp nhận sinh viên thực tập làm việc có
trả thù lao…Việc hợp tác không những giúp giải quyết được vấn đề thiếu
lao động vào mùa cao điểm mà còn tạo nguồn tuyển dụng tốt nhất cho doanh
nghiệp do các em đã được đào tạo nghề, đào tạo kiến thức và làm quen
với công việc, thực tiễn.
“Tôi hy vọng, cùng với sự nỗ lực không
ngừng thay đổi của các cơ sở, của các trường đào tạo cùng “cái bắt tay”
của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, nguồn nhân lực
chất lượng cao của du lịch sẽ ngày càng được nhân rộng và nhanh chóng
đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay. Cũng hy vọng rằng, các em sinh viên cùng
những người đang gắn bó với du lịch sẽ luôn tin yêu và nhiệt huyết với
nghề, luôn gặt hái được nhiều thành công và vươn xa hơn nữa cùng với sự
phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.” – PGS.TS Phạm Trương Hoàng
gửi gắm.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp