Mù Cang Chải được định hướng là khu du lịch quốc gia

Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Frans Sellies.

Yên Bái- Mù Cang Chải và hồ Thác Bà được định hướng đầu tư, xây dựng quy mô lớn, tạo thương hiệu nổi bật, có sức lan tỏa, hướng tới là khu du lịch quốc gia. – Du lịch

Quy hoạch Yên Bái giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt ngày 18/9 nêu định hướng tập trung thu hút đầu tư, xây dựng hai khu du lịch có quy mô lớn, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh gồm khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà và khu du lịch quốc gia Mù Cang Chải.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch, do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký, hai khu du lịch nói trên được định hướng “bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí khu du lịch quốc gia”.

Theo Luật Du lịch, khu du lịch quốc gia phải có ít nhất hai tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, có cơ sở lưu trú du lịch từ 4 sao trở lên.

Mù Cang Chải ở phía tây Yên Bái, độ cao trung bình 1.000 m so với mực nước biển, có khí hậu trong lành, nhiều tiềm năng về khoáng sản về cảnh quan tự nhiên. Tuy nhiên, hạ tầng khu vực này chậm phát triển do địa hình bị chia cắt, số lượng cơ sở lưu trú còn thấp.

Trong năm 2022, Mù Cang Chải đón 350.000 lượt khách, 104 homestay, nhà nghỉ có khả năng phục vụ trên 3.000 người cùng lúc; 70 nhà hàng, quán ăn, homestay đáp ứng được nhu cầu ăn uống của trên 5.000 khách.

Hiện nay cả nước có 7 khu du lịch quốc gia, bao gồm: Hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Núi Sam (An Giang), Trà Cổ (Quảng Ninh), Mũi Né (Bình Thuận), Đền Hùng (Phú Thọ), Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Ngoài ra, bản quy hoạch nêu định hướng đầu tư phát triển các khu du lịch cấp tỉnh ở Yên Bái, bao gồm Suối Giàng (huyện Văn Chấn); Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu); Văn Yên (huyện Văn Yên); hồ Vân Hội (huyện Trấn Yên); Nghĩa Lộ (thị xã Nghĩa Lộ).

Ở vùng kinh tế phía đông, khu vực hồ Thác Bà là trọng điểm du lịch của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Frans Sellies.

Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Frans Sellies.

Vùng kinh tế phía tây của tỉnh (thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu) được đầu tư thành trung tâm động lực kinh tế. Tuyến đường mới nối huyện Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ được xây dựng. Mù Cang Chải được định hướng trở thành huyện du lịch.

Nguyên Phong


Bài viết được đề xuất